Giáo sư Gili Regev-Yochay, giám đốc của Đơn vị Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Sheba của Israel tại Israel, cho biết có sự gia tăng kháng thể sau khi tiêm liều vaccine phòng COVID-19 thứ tư - cao hơn mức của liều thứ ba, nhưng không đủ để ngăn ngừa lây lan của chủng Omicron.
"Vaccnie sau tiêm liều thứ tư làm tăng số lượng kháng thể cao hơn một chút sau liều thứ ba. Tuy nhiên, điều này có lẽ là không đủ đối với chủng Omicron. Mức độ kháng thể cần thiết để bảo vệ, không bị nhiễm bệnh từ Omicron ở mức quá cao đối với vaccine, ngay cả khi đó là một loại vaccine tốt", giáo sư Gili Regev-Yochay nói.
Giới quan sát cho rằng thông tin này có thể dẫn tới nghi ngại không nhỏ về chiến lược hiện nay của Israel tiêm liều vaccine phòng COVID-19 thứ 4 cho tất cả người dân trên 60 tuổi. Tuy vậy, bà Regev-Yochay cho rằng liều vaccine thứ 4 vẫn có thể mang lại hiệu quả bảo vệ tốt cho các nhóm có nguy cơ cao.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm liều vaccine thứ 4 cho nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao.
Theo Thời báo Israel, tới nay đã có khoảng 4,4 triệu người trên tổng số 9,5 triệu dân Israel nhận đủ liều vaccine phòng COVID-19 và mũi tiêm tăng cường.
Liên quan tới chiến dịch chống COVID-19 của Israel, Thủ tướng Naftali Bennett ngày 17/1 cho hay thời gian cách ly đối với các bệnh nhân COVID-19 sẽ được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, với điều kiện không có triệu chứng của bệnh. Quyết định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1.
Theo đó, những người đã tiêm vaccine sẽ cần có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vào ngày thứ 4 và thứ 5 để có thể kết thúc cách ly. Những người chưa tiêm vaccine cần tiến hành xét nghiệm vào ngày thứ 5 tại cơ sở y tế.
Thủ tướng Bennett cho hay "quyết định này một mặt tiếp tục bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, mặt khác giúp duy trì nền kinh tế trong giai đoạn để chúng ta có thể vượt qua làn sóng hiện nay". Theo Bộ Y tế Israel, 3 ngày đầu tiên nhiễm bệnh là giai đoạn dễ truyền nhiễm nhất.
Mộc Miên (T/h)