Hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran được cho là hoạt động chính xác hơn phiên bản gốc S-300 và nhỉnh hơn S-400 hiện tại của Nga.
Hệ thống phòng không Bavar 373 của Iran. Ảnh: thedefensepost.com |
Ngày 22/8, Iran chính thức trình làng hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 trong một buổi lễ trang trọng tại thủ đô Tehran với sự tham dự của Tổng thống nước này Hassan Rouhani và nhiều quan chức cấp cao.
Theo Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi, với sức mạnh của Bavar-373 cùng S-300PMU2, phòng không Iran không cần mua thêm S-400 của Nga.
"Bavar-373 hoạt động chính xác hơn phiên bản gốc S-300 và nhỉnh hơn hệ thống S-400 hiện tại của Nga ở một số tính năng. Đây chính là nguyên nhân Tehran không cần mua thêm S-400 của Nga", ông Ahmad Vahidi cho biết.
Hiện toàn bộ hệ thống đã hoàn thành và thông qua thử nghiệm. Hệ thống này hoàn toàn được sản xuất ở Iran và một số bộ phận khác biệt so với S-300", vị cựu quan chức này nói thêm.
Hiện phạm vi tối đa của các tên lửa phòng không thế hệ mới nhất được sử dụng trên S-300 của Nga đã lên tới gần 300 km, nhưng phạm vi tấn công của tên lửa Bavar-373 còn vượt quá S-300 khoảng 1,5 lần.
Dù tướng Iran không nói chi tiết về tên lửa mới nhưng chỉ với tiết lộ trên có thể thấy, phạm vi tấn công của Bavar-373 đã lên tới 450km, vượt quá tầm phóng của S-400 Nga là 400km.
Nhận định về Bavar-373, một số chuyên gia quân sự cho rằng, cũng giống như những lần trước đó, đây có thể là chiêu đánh bóng tên tuổi của Tehran bởi rất khó để nước này khó có thể chế tạo được một loại tên lửa sánh ngang S-300 chứ đừng nói là vượt trội cả S-400.
Tuy nhiên, Nga từng bán cho Iran vài hệ thống tên lửa tầm xa S-300 dưới thời cựu Tổng thống Medvedev. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ, Iran mới đây triển khai các hệ thống S-300 này đến bảo vệ các căn cứ quan trọng. Giới chuyên gia cho rằng Bavar-373 có thể được chế tạo nhờ áp dụng công nghệ của S-300.
Iran chính thức phát triển tổ hợp Bavar-373 vào năm 2010, sau khi Nga buộc phải đóng băng các hợp đồng cung cấp tổ hợp S-300PMU2 cho nước này trước sức ép từ Mỹ và phương Tây. Đến năm 2016, hợp đồng cung cấp các tổ hợp S-300PMU2 trị giá 900 triệu USD cho Iran mới được Nga nối lại.
Dù đã được cung cấp các tổ hợp S-300, nhưng Iran vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện Bavar-373. Vụ phóng thử đầu tiên của dòng tên lửa phòng không nội địa này của Iran được tiến hành năm 2017.
Trong những tháng gần đây, Iran đã liên tiếp cho trình làng hàng loạt tên lửa, UAV, hệ thống phòng không cùng nhiều thiết bị quân sự khác giữa lúc căng thẳng vùng Vịnh leo thang liên quan tới việc Mỹ triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay tới đây bên cạnh hàng loạt vụ tàu chở dầu bị tấn công, bị bắt và UAV bị bắn hạ.
Mộc Miên (Theo thedefensepost.com)