Chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar hôm 15/8 đã tuyên bố thả tàu chở dầu Grace 1 của Iran, bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong suốt mười một giờ nhằm ngăn chặn động thái trên.
Siêu tàu chở dầu Grace 1 tại vùng biển của Gibraltar - Ảnh: AP |
Tòa án tối cao Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh đã phê chuẩn việc thả siêu tàu dầu Grace 1, sau khi chính quyền Gibraltar cho biết họ không có lý do gì để giữ chiếc tàu nữa
Trước đó 13/7, London cam kết sẽ “tạo điều kiện” trả tự do cho tàu chở dầu Grace 1 của Iran nếu Tehran chứng minh được rằng con tàu này không đến Syria. Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đưa ra trong cuộc điện đàm người đồng cấp Iran – ông Mohammad Javad Zarif.
Iran cũng đã từng nhiều lần khẳng định tàu Grace 1 không có kế hoạch đến Syria. Tuy nhiên, những tuyên bố này dường như không đủ thuyết phục đối với chính quyền Anh và Gibraltar.
Thậm chí, Cảnh sát Gibraltar đã bắt giữ 4 thủy thủ tàu Grace 1, bao gồm thuyền trưởng, vì nghi ngờ tàu vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria.
Việc tàu chở dầu của mình bị bắt giữ đã khiến Iran thắt chặt kiểm soát eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư. Để đáp trả, hôm 19/7, Tehran đã bắt giữ tàu chở dầu có gắn cờ Anh Stena Impero trong vùng lãnh hải của mình. Tàu hiện đang ở cảng Bandar Abbas, với tất cả 23 thành viên phi hành đoàn còn lại trên tàu.
Trước khi các vụ bắt giữ tàu dầu xảy ra, căng thẳng ở Vịnh Ba Tư đã liên tục leo thang sau khi Iran xác nhận sẽ ngừng tuân thủ một số phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền Trump đã rút khỏi hồi năm ngoái.
Vào tháng 5, bốn tàu chở dầu đã bị tấn công phá hoại ngoài khơi bờ biển của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Vào tháng 6, hai tàu chở dầu nữa đã bị tấn công bởi vụ nổ ở eo biển Hormuz, vùng nước nối liền Vịnh Ô-man với Vịnh Ba Tư .
Washington đổ lỗi cho Tehran về các sự cố và bắt đầu xây dựng sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh. Tehran đã nhiều lần phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Quỳnh Chi(T/h)