Ông Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia ngày 17/1, đã công bố thủ đô mới của nước này nằm ở phía đông đảo Kalimantan, sẽ được đặt tên là Nusantara.
Theo Monoarfa, ông tên gọi Nusantara trong tiếng Indonesia có nghĩa là “quần đảo” và Tổng thống Joko Widodo là người là chỉ đạo đặt tên này cho thủ đô mới.
“Tôi vừa nhận được xác nhận và chỉ đạo trực tiếp từ tổng thống, cụ thể là vào hôm 14/1. Ông ấy nói thủ đô mới sẽ tên là Nusantara. Lý do là vì Nusantara đã được biết đến từ lâu, mang tính biểu tượng quốc tế, đơn giản và có thể mô tả quần đảo của chúng tôi, Cộng hòa Indonesia. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đồng ý với cái tên Nusantara”, ông Monoarfa phát biểu trong cuộc họp với ủy ban đặc biệt về việc thành lập thủ đô mới.
Bộ trưởng Monoarfa cho biết ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ và sử học, chọn ra khoảng 80 tên trước khi trình lên tổng thống.
Năm 2019, Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô Indonesia sẽ được chuyển từ đại đô thị Jakarta đến khu vực xa xôi ở tỉnh Kalimantan
Động thái này được cho là cần thiết để “cứu” thành phố Jakarta đang ngày càng chìm xuống và quá tải về hạ tầng.
Dự án xây dựng thủ đô mới trị giá 466 nghìn tỷ rupiah (32 tỷ USD) đáng lẽ bắt đầu từ năm 2020, nhưng phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19.
Quốc hội Indonesia dự kiến sẽ thông qua dự luật về xây dựng thủ đô mới trong tháng này, để dự án có thể bắt đầu khởi công và việc di chuyển sẽ bắt đầu từ năm 2024.
Kalimantan, cách Jakarta khoảng 1.000km. Giới chức cho biết dù chuyển thủ đô, nhưng Jakarta vẫn sẽ là trung tâm thương mại và tài chính của quốc gia. Dự kiến, phần lớn trong số gần 10 triệu cư dân vẫn sẽ ở lại Jakarta.
Tỉnh Kalimantan cũng là nơi có các hoạt động khai thác mỏ lớn và có diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn. Khu rừng này là nơi sinh sống của loài đười ươi đang nằm trong sách đỏ.
Chính phủ Indonesia nói rằng thủ đô mới sẽ được xây dựng trên khu đất do nhà nước quản lý, gần các trung tâm đô thị Balikpapan và Samarinda, đồng thời khẳng định sẽ không làm ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên xung quanh, không gây hại tới bất kỳ khu rừng nào, thay vào đó sẽ phục hồi chúng.
Hoa Vũ (t/h)