+Aa-
    Zalo

    Huyền thoại hát bội Nam Bộ và bi kịch tan vỡ hôn nhân vì theo đuổi đam mê

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ít ai biết để có được thành công, NSND Đinh Bằng Phi đã phải trải qua không biết bao khó khăn, thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc.

    NSND Đinh Bằng Phi là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của nền nghệ thuật hát bội (tuồng) Nam Bộ. Tuy nhiên ít ai biết để có được thành công như vậy, NSND Đinh Bằng Phi đã phải trải qua không biết bao khó khăn, thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc.

    NSND Đinh Bằng Phi (trái) và nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp. Ảnh: HTV

    Tài năng hiếm có

    NSND Đinh Bằng Phi hiện đang an dưỡng tuổi già cùng người vợ thứ hai tại một căn nhà cuối ngõ yên tĩnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. HCM). Mặc dù sức khỏe suy giảm do bệnh tật, nói đến hát bội là người nghệ sĩ như quên hết mệt nhọc. Ông say sưa kể về hát bội, về những thăng trầm của bộ môn này trong những cơn ho thỉnh thoảng làm ngắt quãng.

    NSND Đinh Bằng Phi bảo tuy đã về hưu từ lâu nhưng đến nay vẫn rất nhiều người muốn tìm tới trò chuyện với ông về hát bội. Và cứ còn “fan” là nghệ sĩ lại hào hứng không biết mệt. Chính bởi vậy, vợ con ông đều không thích thú gì với đam mê của chồng, cha.

    “Cũng bởi lo cho sức khỏe của tôi thôi. Nhưng quả thật từ trước tới giờ, bà ấy và các con đều không có hứng thú gì với hát bội. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy”, ông chia sẻ.

    Theo nghệ sĩ thì ngay từ đầu, con đường ông lựa chọn đã là một con đường cô độc, lắm chông gai và cả sự hy sinh. Không giống như hai bậc tiền bối NSND Năm Đồ và NSND Thành Tôn mang dòng máu nghệ thuật của gia đình từ khi sinh ra, NSND Bằng Phi là người “ngoại đạo”.

    Ông nội là nhà Nho, vốn không có cảm tình với hát bội vì cho rằng đó là nghề “xướng ca vô loài”. Còn cha ông cũng là công chức luôn định hướng các con theo nghiệp học hành. Vậy nhưng ngay từ nhỏ, NSND Đinh Bằng Phi đã bị hát bội cuốn hút.

    Chẳng là quê ông ở tỉnh Đồng Tháp – nơi bộ môn nghệ thuật này rất thịnh hành thời đó. Ở đây, mỗi làng đều có đình thờ một vị thần khai quốc và vào các dịp lễ trong năm, người dân thường tổ chức hát bội. Từ hồi bé xíu, NSND Đinh Bằng Phi thường ra xem rồi mê mẩn lúc nào không hay.

    Ông thích xem hát bội hơn bất cứ trò vui trẻ con nào, mê đến mức bỏ cơm, bỏ học. Gia đình không muốn Đinh Bằng Phi dấn sâu vào nghề “xướng ca vô loài” này nên lớn lên một chút, ông được cha đưa lên Sài Gòn học, hy vọng tách biệt hẳn con trai với hát xướng.

    Chẳng biết có phải ông Trời tạo cơ duyên không mà lên Sài Gòn, nhà ông lại gần ngay một rạp hát. Vậy là mặc gia đình cấm cản, ông vẫn lén tới đây hàng tuần để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân.

    Sau này, song song với việc học sư phạm rồi làm thầy giáo dạy các môn Văn, Sử, Địa ở trường trung học Vũng Tàu, ông vẫn duy trì việc sáng tác và nghiên cứu hát bội.

    Trước năm 1975, Đinh Bằng Phi bén duyên với sân khấu biểu diễn và có cơ hội học nghề từ các bậc tiền bối tài danh như cô Ba Út, Năm Đồ, Năm Sa Đéc, kép Hữu Thoại, Minh Tơ, Thành Tôn... Đó chính là cơ sở để sau này, ông hòa nhập với môi trường biểu diễn chuyên nghiệp.

    Trong giai đoạn này, tuy đóng ít vai nhưng Đinh Bằng Phi cũng đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Ông thành công với một số vai kép chánh như La Thông (vở La Thông tảo bắc), Thi Sách (vở Trưng Nữ Vương), Tôn Quyền (vở Giang tả cầu hôn), Trần Nhật Chánh (vở Nhật chánh bội tam thê).

    Đáng kể nhất là việc ông lập ban hát bội mang tên mình (Ban hát bội Đinh Bằng Phi) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ như Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Xuân Quang...

    Đến nay, những người này đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ban hát bội Đinh Bằng Phi tuy nhỏ nhưng đã đi biểu diễn ở khắp các tỉnh Nam Bộ gây ấn tượng với người hâm mộ cũng như giới chuyên môn qua các vở dài như Giang tả cầu hôn, Sự tích Trần Huyền Trang, Cánh tay Vương Tả, Trưng Nữ Vương...

    Các vở diễn này còn được quay và phát nhiều lần trên truyền hình. Sau năm 1975, do quá đam mê bộ môn nghệ thuật này nên Đinh Bằng Phi quyết tâm vào bằng được Đoàn Hát bội TP. HCM (nay là Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP. HCM).

    Tại đây, ông bắt đầu bằng việc làm lao công. Niềm đam mê của Đinh Bằng Phi cuối cùng cũng làm lay động lãnh đạo nhà hát.

    Với ngoại hình đẹp, cân đối và giọng hát trời phú: Vang, ấm và nền nã, ông thường được phân các vai hiền, trung thần, quan văn, vua như Triệu Khuông Dẫn (vở Trảm Trịnh Ân), Tử Trình (vở Sơn Hậu), Tư đồ Vương Doãn (vở Phụng Nghi Đình), lão sử gia (vở Sát Thát)...

    Với tài năng, sự trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc, ông được tín nhiệm, bầu làm phó đoàn phụ trách chuyên môn từ năm 1980 cho đến khi về hưu năm 2013.

    Ông được giới chuyên môn đánh giá là một tài năng hiếm có, có công lớn trong việc bảo tồn và phát triển bộ môn truyền thống dân tộc.

    NSND Đinh Bằng Phi hóa trang nhân vật Triệu Khuôn Dẫn. Ảnh: HTV

    Lạc lõng giữa gia đình

    Hát bội đã mang lại cho NSND Đinh Bằng Phi ý nghĩa cuộc sống nhưng cũng lấy đi của ông không ít. Chính niềm đam mê này đã khiến cuộc hôn nhân đầu của ông tan vỡ.

    Nghệ sĩ cho biết, ông kết hôn sớm, từ năm 21 tuổi. Người vợ này là do cha mẹ ông mai mối, cũng bởi họ muốn con trai có gia đình sẽ dần rời xa được cái nghề “xướng ca vô loài”.

    “Bà ấy cũng không thích, thậm chí là rất dị ứng với hát bội. Chính bởi vậy, chúng tôi không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Tuy nhiên hồi đó, niềm đam mê của tôi mới dừng ở mức đi xem và nghiên cứu thôi chứ chưa đi biểu diễn triền miên như sau này. Công việc chính vẫn là thầy giáo với mức lương ổn định. Do đó, vợ chồng cũng chưa có mâu thuẫn gì sâu sắc”, nghệ sĩ nhớ lại.

    Đinh Bằng Phi và người vợ đầu có 4 người con. Hai người bắt đầu rạn nứt khi nghệ sĩ bắt đầu tham gia biểu diễn. Vì thường xuyên đưa Ban hát bội của mình đi biểu diễn xa nên người vợ không hài lòng, các con ông cũng cảm thấy xấu hổ khi có người cha làm nghề này.

    “Ngày đó, Đài truyền hình thường chiếu tuồng của Ban hát bội Đinh Bằng Phi vào lúc đêm muộn. Vợ con đi ngủ hết, một mình tôi lại ngồi xem. Vợ không bao giờ đi xem tôi biểu diễn. Các con cũng vậy, cô con gái lớn khi đi học còn giấu, không dám nói với ai rằng có cha đi hát bội. Thực sự, tôi cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình khi không ai hiểu, không ai ủng hộ. Cuối cùng, vợ chồng đi đến quyết định ly hôn khi tôi kiên quyết đi theo con đường này tới cùng”, Đinh Bằng Phi chia sẻ.

    Sau khi chia tay người vợ đầu, ông bén duyên với người phụ nữ thứ hai, vốn là nhân viên hành chính ở Cảng hàng không. Sau này, bà cũng chuyển về làm hành chính ở Đoàn hát bội cùng chồng. Hai người có với nhau một người con, hiện đang sống cùng.

    Cuộc hôn nhân thứ hai của NSND Đinh Bằng Phi êm ấm đến nay nhưng vợ ông cũng chẳng mấy hứng thú với niềm đam mê của chồng.

    “Được cái, bà ấy không ngăn cản hay cấm đoán gì, chỉ không thích tôi quá mải mê công việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt là hiện tại, khi tuổi tác của tôi đã cao lại nhiều bệnh. Bà ấy muốn chồng toàn tâm nghỉ ngơi, không dây dưa gì với nghề nữa. Nhưng nó như ngấm vào máu tôi rồi, hễ có ai mời hoặc đến nói chuyện về hát bội là lại không từ chối được. Vì vậy mà nhiều lúc, vợ lại giận”, ông cho hay.

    G.H

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 106

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-thoai-hat-boi-nam-bo-va-bi-kich-tan-vo-hon-nhan-vi-theo-duoi-dam-me-a283043.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thăm ngôi từ đường của ngành hát Bội

    Thăm ngôi từ đường của ngành hát Bội

    (ĐS&PL) - Di tích Thanh Bình Từ Đường nằm sâu trong kiệt 281, đường Chi Lăng (TP Huế). Sức hấp dẫn của ngôi từ đường được xếp vị trí loại 1 di tích văn hóa cấp quốc gia.