+Aa-
    Zalo

    Giải tán khoa hát bội, cải lương: Tin đồn mang tín hiệu buồn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mới đây, thông tin một số trường nghệ thuật ở TP.HCM phải giải tán một số khoa vì thiếu người học, gây xôn xao dư luận.

    (ĐSPL) - Trong xã hội ngày càng hiện đại, một số loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc như hát bội, cải lương, múa rối nước, âm nhạc dân tộc... đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mới đây, thông tin một số trường nghệ thuật ở TP.HCM phải giải tán một số khoa vì thiếu người học, gây xôn xao dư luận.

    (bgiay)Thông tin Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM giả tán hát b

    Cải cách nhưng không phù hợp

    Nhiều năm trở lại đây, không ít loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc bị mai một, trong đó có việc khán giả khá thờ ơ với các loại hình nghệ thuật này. Đứng trước tình huống đó, nhiều nghệ sỹ tâm huyết vẫn muốn thay đổi để thu hút khán giả đến xem, tuy nhiên, hiệu ứng lại không cao. Còn nhớ, cách đây không lâu, tại lễ kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, những tiết mục truyền thống được "cải cách" cho phù hợp với thị hiếu khán giả, đã gây ra sự phản cảm không đáng có. Hơn 10 nghệ sỹ quan họ từ miền Bắc vào Bình Định hát mừng dịp lễ. Khi diễn lớp Bà Chúa Thượng Ngàn thì các nghệ sỹ hát đồng ca và múa lửa, nhảy múa tưng bừng như lửa trại, khiến người xem không còn nhận ra nghệ thuật quan họ.

    Trong khi các nghệ sỹ còn loay hoay với chính mình thì khán giả cũng khá thờ ơ với các giá trị truyền thống dân tộc. Mặc dù tổ chức UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan... hay mới đây nhất là cải lương là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng những loại hình nghệ thuật này tồn tại khá lay lắt. Số lượng người học, người xem và người nghe... chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sự thiếu mặn mà này đang thực sự khiến cho nghệ thuật dân tộc chậm phát triển.

    Sự quay lưng của khán giả đối với các nghệ thuật truyền thống của dân tộc không chỉ bắt nguồn từ việc họ không hiểu, không có kiến thức về các loại hình này mà một phần là do ít được tiếp xúc. Thế nên dẫn đến tình trạng khán giả dễ dàng bỏ quên nhạc truyền thống dân tộc. Khi nhu cầu của khán giả không nhiều thì đương nhiên số lượng người học những ngành nghề này cũng trở nên ít ỏi. ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM (VH-TT&DL) TP.HCM cho biết: "Hiện nay, những người học nghệ thuật đi theo những lĩnh vực hot như ca sỹ, diễn viên... nhiều hơn những ngành nghề thuộc nghệ thuật dân tộc. Chính sự thiếu mặn mà của người học, dẫn đến việc thiếu nhân lực đáng kể trong nghệ thuật dân tộc".

    Theo ông Võ Trọng Nam, trong tương lai, nếu chúng ta không có những biện pháp để định hướng và phát triển những ngành nghề thuộc nghệ thuật dân tộc thì tình trạng văn hóa nghệ thuật bị lai căng, mất gốc sẽ chắc chắn diễn ra. Tuy nhiên, biện pháp nào và cách làm ra sao để vực dậy tình yêu của khán giả Việt Nam đối với những tinh hoa của dân tộc là điều không phải dễ dàng, cũng như không phải một sớm một chiều có thể làm được.

    Ba thầy, một học trò

    Trước tình trạng số lượng sinh viên theo học văn hóa nghệ thuật truyền thống ngày một giảm, có nhiều biện pháp được đưa ra để đưa ngành nghề này thực sự được ổn định. Bà Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ:

    "Nhìn chung, ngành cải lương vẫn phát triển, cho dù số sinh viên thi vào ngành này không đông bằng những lĩnh vực như diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh. Tuy nhiên nhà trường vẫn quan tâm, ưu ái những sinh viên theo học nghệ thuật dân tộc để bảo lưu các giá trị truyền thống. Chúng tôi luôn hỗ trợ cho những sinh viên học nghệ thuật dân tộc, chỉ thu 25\% học phí, khi sinh viên tốt nghiệp được hỗ trợ tiền tốt nghiệp. Về phía thầy cô, giảng viên, chúng tôi có thỉnh giảng thêm những giảng viên giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn đối với khoa Nhạc dân tộc, một trò học đến ba thầy. Nói điều này để thấy kinh phí đào tạo là khá tốn kém, nhưng chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện sẵn sàng để sinh viên được học tập tốt nhất".

    Theo bà Phan Thị Bích Hà, việc tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo học nghệ thuật dân tộc còn nằm ở chỗ, khi sinh viên ở các ngành khác được tuyển vào, nếu thích khoa cải lương thì có thể đổi mã ngành học. Ngoài ra, trường có kho phục trang và sân khấu dành cho những sinh viên theo học ngành nghệ thuật dân tộc. Trường cũng mời một số chuyên gia người Pháp về đào tạo cho trường và phân công giảng dạy thêm ở ngành Cải lương đã tạo ra những hiệu quả đáng kể. Nhìn chung so với thời gian trước, ngành cải lương có những chuyển biến tích cực.

    Bà Phan Thị Bích Hà cho biết thêm: "Một số khó khăn kể trên là tình trạng khó khăn chung, song ở góc độ nào đó, cải lương vẫn có công chúng riêng của nó. Thuận lợi hơn nữa, miền Nam là cái nôi của loại hình này, nên đất dành cho những sinh viên đam mê nghệ thuật rất rộng rãi". Mặc dù đầu vào đối với những ngành nghệ thuật dân tộc không nhiều, nhưng đầu ra lại khá ổn định. Một trong những đảm bảo này là nhờ vào cách làm tích cực của những người đào tạo. Nói về việc giải quyết đầu ra cho sinh viên, bà Phan Thị Bích Hà nói: "Khi sinh viên làm lễ tốt nghiệp, chúng tôi mời ông bầu của nhiều đoàn nghệ thuật đến. Các đoàn nghệ thuật này sẽ chọn 5 - 7 em (một lớp có khoảng 15 học viên) về đoàn của mình".

    Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM cho biết: "Hướng phát triển các ngành nghệ thuật dân tộc đang được đặc biệt quan tâm. Chúng ta có nhiều cách để giữ gìn và phát triển nghệ thuật dân tộc. Ngoài việc tìm nguồn học viên và những người yêu thích nghệ thuật dân tộc thì các chính sách kèm theo sau khi ra trường, các chế độ phải phù hợp để các nghệ sỹ theo đuổi nghề. Hiện nay, chúng tôi đã trình ủy ban chính sách đãi ngộ đối với khối ngoài công lập, trợ cấp cho các nghệ sỹ ở bộ môn hát bội...".

    Bên cạnh đó, việc truyền nghề cũng đang được các nhà làm nghệ thuật hướng đến. "Đối với những người mê cải lương ở các tỉnh, chúng tôi tuyển chọn bằng cách phát động những cuộc thi. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp với nhà hát Trần Hữu Trang liên kết mở các lớp chính quy đào tạo những lớp kế thừa cho nghệ thuật dân tộc", ông Võ Trọng Nam cho biết.

    Công bằng mà nói, so với các ngành nghệ thuật khác, nghệ thuật dân tộc tuy phát triển kém hơn nhưng vẫn có một chỗ đứng riêng. Nhiều nơi đang đào tạo và bồi dưỡng lớp kế thừa này. Tuy nhiên, việc phát triển nghệ thuật dân tộc cần được làm tận gốc, đó là giữ tình yêu, lòng tự hào về các giá trị truyền thống cho mọi người dân Việt Nam.

    Giáo sư Trần Văn Khê nhấn mạnh: "Hiện nay, để giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc thì chúng ta phải tạo cơ hội cho những người trẻ có điều kiện tiếp xúc với môi trường này. Có tìm hiểu, tiếp xúc thì họ mới có tình yêu mến đối với các giá trị văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, phát triển nghệ thuật dân tộc không chỉ bắt nguồn từ giáo dục ở nhà trường mà chúng ta cần phải tạo ra môi trường âm nhạc ngay trong cuộc sống và các phương tiện truyền thông đại chúng".

    Theo ông Võ Trọng Nam, trong tình trạng một số loại hình nghệ thuật dân tộc gặp khó khăn khi cạnh tranh với một số ngành khác, các chính sách phù hợp kịp thời là điều cần thiết, để giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, việc tạo ra tình yêu của những người trẻ đối với nghệ thuật dân tộc rất quan trọng. Đây là mấu chốt để các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc tồn tại mãi mãi với thời gian.

    Thực hư việc lập khoa rồi giải tán

    Trước đó, có thông tin cho rằng, Nhạc viện TP.HCM giải tán khoa âm nhạc dân tộc, hay trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM giải tán khoa hát bội, cải lương khiến nhiều người bất ngờ. Bởi đó là tín hiệu buồn cho nghệ thuật dân tộc của nước nhà. Tuy nhiên, đây là một thông tin chưa chính xác. Bà Phan Thị Bích Hà khẳng định: "Từ trước đến nay trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không mở khoa hát bội. Riêng với cải lương thì vẫn mở lớp bình thường, số lượng người học cũng khá đông đảo".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-tan-khoa-hat-boi-cai-luong-tin-don-mang-tin-hieu-buon-a68493.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan