Trong hơn 5.000 triệu phú của huyện (có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu trở lên) nghề trồng vải cũng cống hiến tới 4.486 người. Số còn lại, cả nghìn triệu phú khác bước ra từ vườn cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn hay các trang trại chăn nuôi tổng hợp giúp cho Lục Ngạn trở thành nơi phát tích nhiều triệu phú nông nghiệp nhất tỉnh Bắc Giang.
Nói đến Lục Ngạn (Bắc Giang) không thể không nhắc đến cây vải thiều. Tuy không phải là quê hương của cây vải tổ nhưng Lục Ngạn lại là nơi trồng vải thiều nhiều nhất nước và có kỹ thuật canh tác cũng vào loại chuyên nghiệp nhất. Trong 22.000 ha cây ăn quả các loại của huyện, vải thiều chiếm đến 18.000 ha.
Trong hơn 5.000 triệu phú của huyện (có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu trở lên) nghề trồng vải cũng cống hiến tới 4.486 người. Số còn lại, cả nghìn triệu phú khác bước ra từ vườn cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn hay các trang trại chăn nuôi tổng hợp giúp cho Lục Ngạn trở thành nơi phát tích nhiều triệu phú nông nghiệp nhất tỉnh Bắc Giang.
Điều đáng nói ở đây là không ít triệu phú ấy lại là cán bộ. Ước tính trên 80\% cán bộ huyện ngoài tám giờ vàng ngọc cơ quan, quỹ thời gian còn lại họ dành tất cho chăm chút mảnh vườn nhà. Làm vườn ở đây không phải kiểu chơi chơi cho mát mắt, thoáng phổi, kiếm tí rau hữu cơ, tí thịt sạch như thói quen của nhiều quan chức nơi khác mà đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm giàu thực sự.
Vườn tược trở thành nguồn thu nhập lớn của rất nhiều cán bộ như ông Trương Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Lâm Văn Mật - Phó Chủ tịch HĐND huyện, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó phòng LĐ-TB&XH, ông Bùi Xuân Sinh - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện, bà Hoàng Thị Nam - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện... Người ít trong số họ cũng kiếm được hàng trăm triệu còn nhiều thì vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bùi Văn Sinh bên vườn cam tiền tỷ. |
Nói về chuyện cán bộ làm vườn, ông Sinh nhớ nhất dịp mồng bốn Tết đến chơi nhà ông Thân Văn Khánh (giờ là Bí thư Huyện ủy nhưng lúc đó là Phó Chủ tịch). Nhà vắng hoe vắng ngắt. Gọi ồi ồi một lúc lâu mới thấy lãnh đạo huyện quần đùi, áo cộc, mình đầm đìa mồ hôi, tay dao tay kéo từ ngoài vườn tất tả chạy vào: "Cậu thông cảm! Mình đang bận tỉa cành cho vườn vải để chuẩn bị vụ ra hoa sắp tới".
Nói đâu xa, chính ông Bùi Xuân Sinh cũng là một người làm vườn triệu phú, năm ngoái thắng đậm tới 1,7 tỉ đồng nhờ vụ cam Canh, cam Vinh. Chiếc ô tô tiền tỷ ông mới mua đây cũng là nhờ cả vào lộc lá vườn nhà.
Tôi về nhà ông trên chiếc xe đen bóng do đích thân người triệu phú nông dân cầm lái. Đường miền núi, xóc chồm chồm, xóc nảy đom đóm mắt, người hết quật bên này lại văng bên kia. Cuối cùng chuỗi hành trình đầy ải ấy cũng kết thúc bằng cảnh đẹp tựa thiên đường mở ra ngay trước mắt. Hai bên kính xe những cây cam được trồng thẳng thớm như những hàng vệ binh nghiêm trang đứng bồng súng đón chào.
Cây nào, cây nấy quả sai lúc lỉu, vàng căng, no mọng. Ngắm dưới đất chưa thỏa, chủ vườn còn kéo tôi leo tuốt lên... mái nhà. Lầu cao. Gió lộng. Phóng mắt ra tứ phía chỉ thấy cây nối cây, vườn nối vườn, đồi nối đồi. Một biển cam, một trời cam, đỏ rực hay vàng ruộm tít tắp tận chân trời.
Ít ai ngờ, cách đây chỉ chừng mươi năm Tân Mộc vẫn chỉ toàn là những đồi vải. Trồng vải sống khá nhưng để bước nhanh từ nấc thang triệu phú lên tỷ phú phải trồng cây khác.
Nghĩ thế và làm thế, người tiên phong di thực cây cam về trồng trên đất này chính là ông Sinh hồi ấy đang ngồi ghế Chủ tịch UBND xã. Một dịp, đoàn tham quan của ông xuống Văn Giang (Hưng Yên) xem người ta làm giàu về cam mà phát mê, phát mệt. Họ trở về với đầy một xe cây giống, đầy một đầu những hoài bão làm giàu.
Bí quyết của nông dân Văn Giang là đào gốc, bốc cây lên khỏi mặt đất để nó "đau" mà sinh hoa, đậu quả. Dân Tân Mộc cũng áp dụng đúng kỹ thuật đó nhưng trên đất khác, khí hậu khác cam có ra hoa mà quả chẳng đậu. Mới thau tháu bằng hạt lạc, hạt ngô chúng đã rụng đầy gốc.
Mấy năm liền mất mùa chung như thế, ông đã toan gọi người bán vườn cây nhưng phần vì ngượng với vợ con, phần vì ngượng với dân bởi đường đường là Chủ tịch xã, đã trót xui dân đâm đầu vào bụi rậm giờ lại giơ cờ trắng xin hàng đầu tiên sao đành.
Sau một loạt thất bại, ông Sinh thử áp dụng một kỹ thuật chưa từng có với người trồng cam, trái hẳn với sách vở thầy dạy là phải đảo rễ để kích thích ra hoa thì ông bỏ qua luôn công đoạn này để dưỡng cây. Ai ngờ, năm đó vườn cam quả sai trĩu trịt! Được đà, ông quyết định di luôn cây cam từ ruộng lên đồi thay thế cho 3 ha vườn vải đang kỳ thu hoạch.
Thấy chuyện lạ, miệng lưỡi thiên hạ bủa vây ông như những dây mây, dây móc. Nhưng, ông lại thắng một trận giòn giã nữa! Vụ cam năm ngoái nhà ông thu 25 tấn cam Vinh, 25 tấn cam Canh, gần hai tỉ đồng nằm gọn gàng từng buộc, từng buộc trong két. Đã trót mang nghiệp cán bộ nên chuyện làm vườn giờ giấc cũng khác dân thường. Hằng ngày, vợ lo việc thuê mướn nhân công còn ông thành người tổng chỉ huy về mặt trận kỹ thuật lúc về đêm, chụm đầu lại bàn bạc.
Những đồi cam bát ngát ở Lục Ngạn. |
Những cán bộ như ông Sinh thu tiền tỷ mỗi năm thì điển hình quá rồi, kể cả ngày cũng chưa hết chuyện. Xin chuyển sang cách làm giàu của nửa vạn triệu phú nông dân huyện Lục Ngạn còn lại với đủ các loại mô hình.
Về trồng vải, trong trên 4.000 triệu phú có 514 hộ đạt từ 200-300 triệu/năm, 83 gia đình đạt từ 300-500 triệu/năm, 6 mô hình đạt trên 500 triệu. Tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình của ông Nguyễn Văn Hiền ở xã Tân Mộc thu trên 600 triệu đồng/năm, mô hình của ông Trần Văn Hành ở xã Giáp Sơn thu trên 600 triệu đồng/năm, mô hình của ông Phùng Văn Khải ở xã Tân Lập thu trên 500 triệu đồng/năm.
Ngày càng tỏ rõ sự vượt trội so với cây vải truyền thống là tập đoàn cây có múi mới du nhập vào như cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh với diện tích trồng đã xấp xỉ 1.000 ha. Có ai ngờ những loại cây ấy khi ở trên đất mới lại có chất lượng quả tương đương, thậm chí còn hơn cả chính quê gốc? Những quả cam Vinh, cam Canh ngọt lịm, những quả bưởi da xanh da xanh bóng, múi chua dôn dốt đặc trưng.
Thống kê trên toàn huyện hiện đã có 249 hộ trồng cây có múi cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Điển hình phải kể đến vườn cam Canh của ông Nguyễn Văn Chính ở xã Quý Sơn cho thu trên 2 tỷ đồng/năm, vườn cam Canh xen bưởi Diễn của ông Trịnh Ngọc Nam ở xã Thanh Hải cho thu 2 tỷ đồng/năm, vườn cam Canh của ông Thân Văn Kiệm ở xã Phượng Sơn cho thu 1,5 tỷ đồng/năm...
Mô hình chăn nuôi đem lại tiền tỉ không thể không điểm danh công trạng của ông Ngô Văn Cán ở xã Phong Minh nuôi hơn 70 con trâu giá trị hàng tỷ, ông Nguyễn Văn Tốn ở xã Quý Sơn chăn lợn nái và lợn thịt tổng thu 18 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Văn Sáng ở xã Quý Sơn nuôi vịt trời, thả cá, thả lợn rừng tổng thu 6,5 tỷ đồng...
Chuyện làm giàu của anh nông dân chân đất hay anh cán bộ cổ cồn huyện Lục Ngạn mỗi người mỗi vẻ nhưng có chung một điểm là những đồng tiền họ làm ra lành lẽ và sạch sẽ. Bởi thế nên chưa bao giờ và chưa ở đâu tôi thấy người ta công khai kể về những tài sản họ sở hữu như ở trên vùng đất lắm đồi, lắm gió và lắm người giàu này....