Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc huy động vàng trong dân là phù hợp nhưng nếu chỉ dừng lại ở chủ trương thì việc này khó có tính khả thi và sẽ không có ý nghĩa gì nếu chỉ đơn thuần là huy động hành chính.
Hiểu cho đúng
Cuối tuần trước, phiên họp quý II/2017 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã diễn ra với nội dung chính là xây dựng báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Sáu. Tại phiên họp này, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao.
Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5,73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,65%. GDP của quý II cũng tăng mạnh so với quý I/2017 (6,13% so với 5,15%). Nhìn nhận về những thách thức đối với nền kinh tế trong thời gian tới, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm... sẽ có tác động tới kinh tế trong nước.
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng kiến nghị một số giải pháp điều hành nền kinh tế lên Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề được nhắc đến từ rất lâu và được giới chuyên gia kinh tế bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.
Việc huy động vàng trong dân vẫn gặp nhiều trở ngại. |
Gần đây nhất là hồi giữa năm 2016, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã có kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng. Thực tế, chủ trương huy động vàng trong dân đã được “nhen nhóm” từ cuối năm 2011 khi NHNN công bố quyết định thành lập Tổ xây dựng Đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng. Và phải tới đầu năm 2015, nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động vàng trong dân mới chính thức được giao cho đơn vị này đảm nhận.
Trước đó, quyền huy động vàng từng được trao cho các ngân hàng thương mại đứng ra thực hiện. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, chủ trương trên đã bị biến tướng, để lại không ít hệ quả, rủi ro cho hệ thống về thanh khoản khi giá vàng biến động mạnh, gây mất niềm tin ở người dân. Tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành hồi đầu năm nay, Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng, ngoại tệ.
Theo dẫn giải của Thủ tướng Chính phủ, huy động ở đây cần được hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, người dân đưa tiền ra sản xuất kinh doanh. Điều này hoàn toàn khác với cách hiểu rằng huy động là ngân hàng hoặc Nhà nước đi vay vàng và ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ huy động - cho vay trước đây của các ngân hàng thương mại.
Sẽ huy động ra sao?
Bàn về chủ trương huy động vàng trong dân, chuyên gia kinh tế - TS.Lưu Bích Hồ nhận định, nguồn dự trữ bằng vàng cũng như bằng đôla ở trong dân còn khá nhiều. Tuy nhiên chúng ta không vàng hóa, không đôla hóa, không dùng vàng và đôla để lưu chuyển cũng không dùng để làm phương tiện thanh toán mà chủ yếu số vàng và đôla trong dân đang được sử dụng như một phương tiện để cất trữ. Đây cũng là nguồn vốn tiềm tàng của nền kinh tế trong nước.
Theo TS. Hồ việc huy động vàng trong dân cũng đã được nhắc đến nhiều năm nay nhưng câu hỏi lớn đặt ra là sẽ huy động ra sao hay làm thế nào để người dân bỏ vốn đầu tư kinh doanh bằng số vàng đó. Có thể thấy rằng, với đề xuất này Nhà nước sẽ là người đứng ra huy động nhưng lại không có ai để huy động. Do vậy, Nhà nước có lẽ chỉ có thể thông qua hệ thống ngân hàng nếu hoạt động gửi vàng cũng tương tự như hoạt động gửi tiền vào nhà băng. Và chắc chắn rằng việc thuyết phục người dân gửi vàng cũng chẳng hề đơn giản bởi nếu lãi suất thấp hơn lãi suất tiền đồng, thậm chí là chỉ hơn một chút so với lãi suất đôla thì ai gửi?
Nếu huy động vàng thông qua ngân hàng thì ngân hàng phải trả lãi suất cho dân và khoản chi phí đó ngân hàng sẽ phải tự kiếm lại qua các hoạt động kinh doanh khác, cũng giống như việc gửi tiền cho phép ngân hàng huy động với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất đem ra cấp vốn cho tín dụng, rồi lấy chênh lệch đó chi phí cho ngân hàng. Còn khi huy động được rồi thì ngân hàng qua các kênh tín dụng cũng giống như hiện nay nhà nước huy động vốn qua ngân hàng, nhưng không thể biến thành tài sản của Nhà nước được mà trong trường hợp đó Nhà nước phải vay của dân thông qua ngân hàng.
“Nhưng nếu hỏi người dân có làm hay không thì chắc chắn người dân sẽ không làm. Việc để người dân bỏ nguồn vốn nhàn rỗi đó ra để tự đầu tư kinh doanh thì chắc chắn được nhưng làm thế nào để người dân bỏ ra thì lại quay trở về bài toán phát triển kinh tế tư nhân mà ta đã có nghị quyết và nhiều chủ trương chính sách để làm việc đó. Đây chính là giải pháp để khuyến khích người dân đầu tư vào kinh tế tư nhân hoặc góp vốn vào những chỗ khác theo sự tự nguyện của họ” – TS. Lưu Bích Hồ khẳng định.
Dù việc huy động vàng trong dân được thực hiện bằng bất cứ phương thức nào đi chăng nữa thì cũng nên tôn trọng một nguyên tắc rằng, trong nền kinh tế còn nhiều rủi ro, bất ổn thì việc người ta trữ vàng để phòng xa rủi ro hoặc giữ vàng để đảm bảo cho cuộc sống là rất bình thường. Phải mang lại lợi ích lớn hơn việc cất trữ đó thì người dân mới làm, chứ không phải dựa vào lòng yêu nước để huy động trong hoàn cảnh hiện nay được.
Lo ngại vấn đề vàng hóa, đôla hóa
Về những nghi ngại vàng hóa, đôla hóa TS.Hồ cho rằng nếu chỉ dùng việc huy động, tức là vay, Nhà nước có thể thực hiện thông qua ngân hàng hay bằng hình thức phát hành trái phiếu. Như vậy, dân đồng ý bỏ ra thì Nhà nước vay không thể diễn biến thành đôla hóa hay vàng hóa được.
Còn theo quan điểm của Chuyên gia tài chính – TS. Đinh Thế Hiển đối với vấn đề này thì việc vàng hóa hay không vàng hóa là do đồng tiền Việt Nam có ổn định hay không và khi người ta thấy đồng tiền mất ổn định người ta sẽ mua bán bằng vàng. Mà từ rất lâu rồi người dân đã không còn thực hiện giao dịch, mua bán bằng vàng nữa, còn chuyện dân trữ vàng cũng là rất bình thường vì đây vốn đã trở thành thói quen không chỉ của riêng giới nhà giàu mà có cả những người tiểu thương thậm chí nông dân. “Việc vàng hóa, đôla hóa chúng ta hay chụp mũ người dân, những năm 1995 người dân thậm chí mua nhà bằng vàng, tại sao người ta lựa chọn như vậy? Vì đồng tiền mất giá, sau đó Việt Nam đồng ổn định, nên người ta không còn tính chuyện mua nhà, mua xe bằng vàng nữa mà mua bằng VND” – TS. Đinh Thế Hiển nói.
Về những giải pháp để huy động vàng trong dân, TS. Hiển nhấn mạnh, người dân cất trữ vàng thực tế là loại tiền mặt không đưa ra kinh doanh trong khi ngân hàng là nơi có khả năng mang tiền ra kinh doanh, muốn huy động vàng thì cứ việc tính toán giá vàng thế giới biến động, rồi nhập gửi vàng với một lãi suất thấp, chuyển vàng ra thành VND thậm chí ngoại tệ để kinh doanh cho vay, khi người dân cần thì trả về. Như thế, bài toán rủi ro ngân hàng thương mại hoàn toàn làm được và nghiên cứu cho thấy luôn luôn có lợi hơn và hoàn toàn hiệu quả.
DIÊU LY – THIÊN DI
Đăng lại bài báo giấy Đời sống & Pháp luật