(ĐSPL) - Hàng chục lái xe và phụ lái xe buýt đã đình công khiến hoạt động của các tuyến xe buýt tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tê liệt trong nhiều giờ. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, công việc của nhiều hành khách.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, sự việc trên bắt đầu từ sáng 7/5, khi hơn 70 lái xe và phụ lái đồng loạt đình công vì cho rằng Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Đức, chủ 33 đầu xe chạy sáu tuyến xe buýt trong toàn tỉnh này không ký hợp đồng lao động, không bảo đảm các quyền lợi cho người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Trước đó, các tài xế xe buýt này đều thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên quản lý bến xe Thừa Thiên - Huế quản lý.
Nhưng đến đầu tháng 4/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở GTVT tổ chức đấu thầu gói thầu “Cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” và công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Đức trúng thầu.
Hàng chục lái xe và phụ lái xe buýt đình công khiến hoạt động của các tuyến xe buýt của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tê liệt trong nhiều giờ - Ảnh: Tuổi trẻ. |
Các tài xế cho biết, từ khi chuyển sang làm việc cho Công ty Hoàng Đức đến nay họ chưa được ký hợp đồng lao động, mức lương chi trả thấp, không được hưởng các quyền lợi như đóng BHXH, BHYT… Trong khi đó, mức thu nhập của người lao động hàng tháng thấp hơn nhiều so với nơi làm việc cũ.
Trước tình hình đó, ông Phạm Quang Hồng, trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện - Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Tuy nhiên, đến 16h chiều 7/5, phía công ty Hoàng Đức vẫn chưa thỏa thuận được với người lao động, một số tuyến xe buýt ở tỉnh này vẫn bị tê liệt.
Trả lời báo Thanh niên về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty Hoàng Đức cho biết, các tài xế và phụ xe chưa được ký hợp đồng và hưởng các chế độ theo quy định là do họ mới chỉ vào làm việc 1 tháng. Khi hoạt động ổn định, người lao động của công ty sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.
Các tài xế và phụ xe buýt đình công tại Bến xe phía Nam TP.Huế sáng 7/5. Ảnh: Thanh niên. |
Tuy nhiên, giải thích của ông Hoài không được các tài xế và phụ xe bãi công chấp nhận vì họ cho rằng DN đã cố tình “lạm dụng” sức lao động của họ mà không chịu thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi là lao động được chuyển tiếp chứ không phải mới vào làm, nên phải được ký hợp đồng và đảm bảo các quyền lợi khác theo quy định. Họ nói khi nào ổn định mới ký, xe vẫn chạy hàng ngày sao lại nói hoạt động chưa ổn định. Không có hợp đồng rồi ít bữa họ tuyển người khác vào thì chúng tôi mất việc à?”, một tài xế bức xúc.
MẠC NHIÊN (Tổng hợp)
Xem thêm Video: Hung thần xe buýt suýt 'nuốt chửng' phóng viên bên đường