+Aa-
    Zalo

    Huế: Dân mừng "hụt" tiền hỗ trợ vì cán bộ tắc trách

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (Huế) - Hoàng Phước đã khiến cho một số hộ dân trên địa bàn mừng “hụt” vì nghĩ được hỗ trợ tiền đền bù GPMB

    (ĐS&PL) - Lấy lí do cấp dưới tham mưu “nhầm”, rà soát hồ sơ không kĩ càng, chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) Hoàng Phước đã khiến cho một số hộ dân trên địa bàn mừng “hụt” vì nghĩ được hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

    Thay đổi quyết định khiến người dân “chóng mặt”!

    Trong mấy ngày qua, PV đã liên tục nhận được đơn kêu cứu của các hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Phan Thảo (cùng trú thôn Tân An, thị trấn Thuận An (Phú Vang) liên quan đến những khuất tất trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các hồ canh tác, nuôi trồng thủy sản.

    Theo đơn phản ánh của các hộ dân, tháng 11/1996, UBND xã Phú Tân (nay là thị trấn Thuận An) cho đấu giá 8 hồ nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực đồng Hạ Đường Quan (thị trấn Thuận An). Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, 08 hộ gia đình trên địa bàn đã trúng thầu, trong đó có 3 hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con và Phan Thảo.

    Huế: Dân mừng hụt tiền hỗ trợ vì cán bộ tắc trách

    Đơn kêu cứu của người dân gửi cơ quan chức năng tỉnh TT Huế. 

    Tuy nhiên, đến năm 2010, UBND thị trấn Thuận An tiến hành họp dân và thông báo rằng khu vực đầm nuôi trồng thủy sản này sẽ được qui hoạch giải tỏa để xây dựng khu hành chính của thị trấn và các công trình khác, đặc biệt là dự án đầu tư đường nội thị đến trung tâm hành chính Thuận An. Đồng thời, lãnh đạo UBND thị trấn Thuận An hứa sẽ tìm giải pháp, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi có quyết định thu hồi. Tính từ thời điểm đó, 08 hộ gia đình nói trên vẫn tiếp tục được sử dụng đầm nuôi tôm theo hướng hợp đồng hằng năm và nộp thuế đầy đủ.

    Ngày 31/05/2013, UBND huyện Phú Vang ra các quyết định số 1989/QĐ\_UBND, QĐ 1987/QĐ\_UBND, QĐ 1991/QĐ\_UBND về việc “Phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và chi phí phục vụ việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án: Đầu tư đường nội thị đến trung tâm hành chính Thuận An tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT Huế”. Theo đó, 08 hộ dân có đầm nuôi thủy sản trong diện giải phóng mặt bằng được gửi giấy mời đến UBND thị trấn Thuận An để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi việc làm. Trong đó, tổng số tiền ba hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Phan Thảo nhận được là 176.479.000đ. Tuy nhiên, khi các hộ gia đình này đến trụ sở UBND Thị trấn để nhận tiền đền bù thì cán bộ UBND thị trấn thu giấy mời lại, hẹn giải quyết sau.

    Huế: Dân mừng hụt tiền hỗ trợ vì cán bộ tắc trách

    Một trong những QĐ khiến người dân “mừng hụt”.

    Sau đó mấy ngày, bốn trong số tám hộ đứng tên trong hợp đồng thuê đất nhận được thông báo và mời đến nhận tiền hỗ trợ tại UBND thị trấn, riêng hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Phan Thảo và Võ Quí thì vẫn không nhận được thông tin gì từ lãnh đạo Thị trấn Thuận An, mặc dù lúc này chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tiến hành san lấp mặt bằng, chiếm dụng diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân này.

    Trong khi những thắc mắc của người dân liên quan đến quyền lợi của mình chưa được trả lời, giải đáp thỏa đáng thì đến ngày 04/10/2013, UBND huyện Phú Vang lại ra các QĐ số 4757/QĐ\_UBND, QĐ 4758/QĐ\_UBND, QĐ 4759/QĐ\_UBND điều chỉnh một phần nội dung các Quyết định kể trên. Theo đó, các Quyết định này của UBND huyện Phú Vang đã rút lại toàn bộ số tiền hỗ trợ ba hộ dân Trần Hữu Tín, Trần Thị Con và Phan Thảo với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Lí do ông Hoàng Phước, Chủ tịch thị trấn Thuận An đưa ra là: “đất của các hộ này thuê của thị trấn nên tiền hỗ trợ phải do UBND thị trấn nhận!?”.

    Huế: Dân mừng hụt tiền hỗ trợ vì cán bộ tắc trách

    Giấy mời nhận tiền của UBND Thị trấn Thuận An. 

    Theo tìm hiểu PV được biết, công việc và nguồn thu nhập chính của các hộ dân đứng tên trong đơn kêu cứu chủ yếu dựa vào việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại các đầm mặt nước do UBND Thị trấn đứng ra cho thuê. Tuy nhiên, từ ngày bị thu hồi một phần diện tích nuôi trồng, trong khi không nhận được khoản chi phí hỗ trợ, đền bù nào khiến cho cuộc sống của các hộ dân này bị đảo lộn nghiêm trọng. Đặc biệt là những thắc mắc, khiếu nại của người dân không được xem xét, giải quyết thấu đáo.

    Cùng một hợp đồng thuê đất, kẻ được nhận tiền, người thì không!

    Sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân trú tại thôn Tân An, thị trấn Thuận An, PV đã vào cuộc tìm hiểu sự việc và phát hiện những sai phạm “động trời” của một số cán bộ, lãnh đạo UBND thị trấn Thuận An, đứng đầu là ông chủ tịch Hoàng Phước.

    Theo tìm hiểu của PV, trong hợp đồng đấu giá thuê đất năm 1996 giữa UBND thị trấn Thuận An và với các hộ dân, các đầm nuôi thủy sản được đánh thứ tự từ hồ số 01 đến hồ số 08 và đều ghi rõ họ tên của các chủ đấu được. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, một số hộ gia đình do không đủ điều kiện sản xuất, nuôi trồng nên đã viết giấy tay sang một phần diện tích đầm hồ nuôi trồng thủy sản cho một số hộ dân khác trên địa bàn. Trong đó, hộ Phan Thảo có cùng chung đầm nuôi thủy sản với các hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Nguyễn Sanh và về mặt pháp lí, các hộ này đều có quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau trên phần diện tích nuôi trồng thủy sản do mình đứng tên.

    Huế: Dân mừng hụt tiền hỗ trợ vì cán bộ tắc trách
    Quyết định gây tranh cãi của UBND huyện Phú Vang. 

    Thế nhưng, trong quá trình rà soát, kiểm tra để ra thông báo thu hồi đất mặt nước nuôi trồng thủy sản, cán bộ địa chính của UBND thị trấn Thuận An “vô tình” quên mất phần diện tích đất thuê nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Sanh, điều đó đồng nghĩa với việc cán bộ địa chính của Thị trấn Thuận An “mở đường” cho hộ này được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Và trên thực tế, Quyết định 1989/QĐ\_UBND và QĐ 4758/QĐ\_UBND của UBND huyện Phú Vang đều đồng ý hỗ trợ cho hộ gia đình ông Nguyễn Sanh số tiền 76.163.000đ.

    Điều này đã gây nên những hoài nghi, bức xúc về công tác chi trả tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng của người dân đối với lãnh đạo thị trấn Thuận An và UBND huyện Phú Vang.

    Ngày 31/03 vừa qua, trả lời câu hỏi của PV: “Tại sao cùng ở trong một ô đất nuôi trồng thủ sản do Thị trấn cho thuê, hộ gia đình ồng Nguyễn Sanh thì được nhận tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng còn các hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Phan Thảo lại không được nhận? Tại sao huyện Phú Vang lại có quyết định thay đổi danh sách các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi việc làm?”

    Ông Hoàng Hữu Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An vô tư trả lời: “Trong quá trình thẩm định hồ sơ và áp giá đền bù, một số anh em đã “nhầm” diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản của ông Sanh là đất 64, được chi trả đền bù. Khi anh em về tham mưu, tôi cũng không kịp kiểm tra hồ sơ. Rất may là anh em chỉ “nhầm” hộ của ông Sanh, nếu như ba hộ kia cũng bị “nhầm” thì chết rồi!?”.

    Ông Phước cũng cho rằng: “Khi anh em tham mưu, tôi không xem lại tài liệu, chỉ giao cấp dưới rà soát và kí. Sau khi chi trả tiền hỗ trợ cho hộ ông Sanh thì chúng tôi mới phát hiện anh em cấp dưới gồm ban địa chính Thị trấn và phòng Tài nguyên huyện thẩm tra sai hồ sơ, sai đối tượng nên đã tham mưu với UBND huyện Phú Vang ra quyết định mới, không cho ba hộ Trần Hữu Tín, Trần Thị Con, Phan Thảo nhận tiền hỗ trợ vì đất này là họ thuê của Thị trấn, do thị trấn quản lí”.

    Khi PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao đợi đến khi hộ ông Nguyễn Sanh nhận tiền hỗ trợ rồi lãnh đạo Thị trấn mới biết việc chi trả này là sai” thì vị chủ tịch này chỉ ú ớ, không trả lời. Đem thắc mắc này trao đổi với các hộ gia đình liên quan, các hộ này cho rằng “sở dĩ ông Sanh được UBND Thị trấn “nhắm mắt cho qua” để được nhận tiền hỗ trợ vì ông Sanh có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Thị trấn Thuận An!?”

    Cũng theo vị chủ tịch Thị trấn, các cán bộ địa chính của thị trấn đã sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Là lãnh đạo cao nhất, ông Phước xin nhận trách nhiệm về mình.

    Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 1996 đến nay, sau khi cho các hộ dân trên địa bàn thuê đất mặt nước nuôi trồng thủy sản thì chưa một lần UBND thị trấn Thuận An kí kết hợp đồng thuê đất hàng năm, mà theo giải thích của ông Phước là “vì sợ mất thời gian của bà con, đi lại khó khăn nên không kí hợp đồng, chỉ thông báo bằng miệng để bà con biết!?”.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, UBND huyện Phú Vang liên tục ban hành và thay đổi nhiều quyết định khiến người dân “chóng mặt”. Đặc biệt, cùng là đối tượng thuê đất để canh tác như nhau nhưng kẻ thì được nhận tiền hỗ trợ, người thì không. Những việc làm của UBND huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An khiến người dân có quyền đặt nghi ngờ, “phải chăng có nhiều khuất tất ẩn sau những sự việc này!?”.

    Để làm rõ những nghi ngờ này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

    Cẩm Thành

     

     

     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hue-dan-mung-hut-tien-ho-tro-vi-can-bo-tac-trach-a28950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vụ nam sinh bị thả trôi sông: Nhận định sai hay tắc trách?

    Vụ nam sinh bị thả trôi sông: Nhận định sai hay tắc trách?

    (ĐSPL) - Vụ án nam sinh bị bỏ bao tải thả trôi sông Sài Gòn, có hay không sự chậm trễ từ cơ quan điều tra để xảy ra hậu quả đau lòng. Xử lý thế nào đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc?