+Aa-
    Zalo

    Vụ nam sinh bị thả trôi sông: Nhận định sai hay tắc trách?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vụ án nam sinh bị bỏ bao tải thả trôi sông Sài Gòn, có hay không sự chậm trễ từ cơ quan điều tra để xảy ra hậu quả đau lòng. Xử lý thế nào đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc?

    (ĐSPL) - Vụ án nam sinh bị bỏ bao tải thả trôi sông Sài Gòn, dư luận băn khoăn có hay không sự chậm trễ từ cơ quan điều tra để xảy ra hậu quả đau lòng, sẽ xử lý như thế nào đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc nói trên?
    Báo Đời sống và Pháp luật ngày 12/3 đã đăng tải về nghi án một học sinh bị bắt cóc tống tiền, vứt xác trôi sông Sài Gòn gây rúng động dư luận TP. HCM. Nghi can là Nguyễn Kim An (19 tuổi, quê Bình Định, tạm trú quận Tân Bình).
    Nhận định sai hay do tắc trách?
    Có bất thường khi phòng trọ nơi nghi can Nguyễn Kim An (ảnh nhỏ) vừa bị dỡ tan hoang?
    "Phải xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm!"
    Bức xúc trước cái chết bất thường của con, gia đình anh Lư Nguyên và vợ là chị Nguyễn Thị Lê cho rằng, có quá nhiều uẩn khúc dẫn đến cái chết của con trai mình là Lư Vĩnh Đ.. Đặc biệt, gia đình nạn nhân cho rằng để xảy ra hậu quả tang thương đó, có một phần lỗi do sự tắc trách của cơ quan điều tra.
    Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, hành động bắt cóc, tống tiền không phải là thủ đoạn mới, nhưng hung thủ trong vụ án này là kẻ sát nhân máu lạnh và quá liều lĩnh. Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP. HCM cũng nhìn nhận Công an quận Bình Tân đã đánh giá không phù hợp với thực tế. Theo vị phó Giám đốc thì nghiệp vụ công an quận không thể bằng các phòng của công an TP. HCM. Nhận định vấn đề ban đầu của công an Bình Tân không đúng.
    Trở lại sự việc đau lòng mà dư luận cho rằng nếu ứng phó kịp thời sự việc đã không quá tồi tệ. Theo đó, Lư Vĩnh Đ. là học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Quận 6. Trước đó, chiều 26/2, Đ. điều khiển xe gắn máy Mio Ultimo đi học, mặc quần tây áo sơ mi màu trắng in logo trường THPT Ngô Gia Tự (do em họ của Đ. cho), trong người có một điện thoại iPhone 4 và hơn 100.000 đồng. Đến 22h cùng ngày, chị Nguyễn Thị Lê (mẹ đẻ của Đ.) gọi điện thoại cho Đ. thì một giọng nam xưng là bạn của Đ. nghe máy và cho biết cả lớp đang đi chơi ở quận Bình Thạnh, Đ. đang đi ra ngoài, lát nữa sẽ gọi lại. Sau lần đó, máy điện thoại của Đ. tắt nên người thân không liên lạc được.
    Sáng 27/2, một người đàn ông đã sử dụng điện thoại của Đ. gọi cho người nhà báo tin: "Đ. đã bị bắt cóc, gia đình chuẩn bị tiền chuộc, không được báo công an". Một lát sau, gia đình nhận được tin nhắn khác với nội dung: "Trong vòng 12 giờ chuẩn bị đủ 500 triệu đồng để chuộc nó về, suy nghĩ trước khi làm điều dại dột nếu....". Quá hoảng sợ, gia đình chị Lê đã đến công an phường An Lạc A (quận Bình Tân) trình báo vụ việc.
    Ngày 6/3 gia đình chị Lê bàng hoàng khi biết tin, cháu Đ. đã bị giết thả trôi trên sông Sài Gòn. Theo chị Nguyễn Thị Lê, trong quá trình Đ. mất tích, gia đình liên tục đến cơ quan công an trình báo, ngay cả khi nhận được những tin nhắn đòi tiền chuộc, gia đình cũng cấp báo kịp thời. Thế nhưng, gia đình chị không nhận được sự quan tâm đúng mức, đúng trách nhiệm của cán bộ công an để diễn biến xấu nhất đã xảy ra.
    nam sinh bị thả trôi sông
    Chân dung nam sinh Lư Vĩnh Đ. bị thả trôi sông
    Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của người dân, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi nhanh với một điều tra viên (xin được giấu tên) thuộc Công an Hà Nội. "Việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin đã được quy định rất rõ trong ngành công an, đó là chế độ thông tin báo cáo", vị này nói.
    Điều tra viên này cho rằng: "Tuy nhiên, trong vụ việc cụ thể, cần xem xét kỹ tới việc gia đình nạn nhân báo đến cấp nào, gọi điện tới đâu, phường, quận hay tỉnh, thành phố. Trong trường hợp trên, cho dù gia đình nạn nhân báo tới cấp nào thì trách nhiệm của cán bộ trực ban phải tiếp nhận thông tin đó và xử lý thông tin ngay. Nếu sự việc vượt quá khả năng, cán bộ trực ban phải báo tới cấp cao hơn, để cùng phối hợp xử lý, mở chuyên án kịp thời, nhằm khống chế tội phạm.
    Theo quan điểm cá nhân tôi, để chứng minh là lỗi cố ý hay cẩu thả trong trường hợp trên không quá khó. Tôi lấy ví dụ: Đúng ca trực, nhưng anh ta bỏ đi uống rượu hoặc phớt lờ, bàng quan trước thông tin mà gia đình hoặc người dân cung cấp để xảy ra hỏa hoạn, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Khi đó cơ quan chức năng có liên quan sẽ xem xét tới những chứng cứ để chứng minh, những người có liên quan".
    Nhận định về vụ việc trên, luật sư Hà Thị Thúy Quỳnh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: "Việc làm trên của Công an phường An Lạc A, quận Bình Tân là chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì gia đình cháu Đ. (cụ thể là mẹ đẻ cháu) đã trực tiếp đến công an phường tố giác và báo tin về tội phạm, đưa cả những tin nhắn về bắt cóc, dọa giết, đòi tiền chuộc... làm căn cứ liên quan đến việc tố giác tội phạm".
    Cũng theo luật sư Quỳnh, cơ quan công an có đủ căn cứ để báo lên cấp trên, lập chuyên án tiến hành điều tra ngay. Để xác minh, thu thập chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho cháu Đ.. Thế nhưng, cán bộ của cơ quan công an (ở đây là Công an phường An Lạc A và cơ quan điều tra có thẩm quyền) đã không làm hết trách nhiệm.
    "Hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ lưỡng, rõ ràng từ đó quy kết trách nhiệm tới từng cá nhân, tập thể. Việc cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu Đ. theo quy định của pháp luật", luật sư Quỳnh nhấn mạnh.
    Xoá dấu vết hay dựng hiện trường giả?
    Về nghi can Nguyễn Kim An, theo nhận xét của trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 6, nơi An và Đ. theo học, thường ngày An ít nói nhưng sống hoà đồng với bạn bè. Vì được xếp chung một nhóm thực hành các môn học nên An và Đ. khá thân nhau. Thời điểm gia đình báo Đ. mất tích rơi vào kỳ nghỉ của khoá học nên Trung tâm không nắm được sự việc. Khi khoá học bắt đầu trở lại vẫn không thấy Đ. đến lớp, ngày 4/3, Trung tâm liên hệ với gia đình thì được biết Đ. vẫn chưa về nhà. Riêng An vẫn đi học bình thường cho đến ngày bị bắt.
    Tìm hiểu qua một số nguồn tin được biết, nơi An thuê trọ chung với một số bạn học cùng Trung tâm là tầng một của căn nhà gần trường, trong một con hẻm thuộc phường 4, quận Tân Bình. Lối đi lại tách biệt với người ở tầng trệt bởi chiếc cầu thang xoắn phía ngoài. Là bạn ở chung với An và hai người khác từ hồi tháng 8/2013 đến nay, Thành (học viên khoá trước), cũng bất ngờ khi thấy cảnh sát bắt bạn cùng phòng.
    Hiện, phòng trọ nơi An và Thành ở đã bị dỡ bỏ một bên tường. Chiếc cầu thang xoắn ốc bằng sắt chỉ vừa một người đi đã hoen gỉ dẫn từ phòng xuống khoảng sân nhỏ, người ở trên sẽ phải đi chung một cổng lớn với những người ở tầng dưới, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ!
    Theo điều tra viên Nguyễn Văn Thái, Công an TP. Hà Nội, ngôi nhà trọ do An và Thành ở hiện đã bị dỡ bỏ, đây là tình tiết quan trọng, nếu có liên quan tới vụ án, cơ quan chức năng cần xem xét. Đây có phải là hiện trường chính hay là đối tượng dựng hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Có nhiều loại hiện trường, việc bảo vệ hiện trường là hoạt động điều tra ban đầu, nhưng là quan trọng nhất, bởi lẽ hiện trường chính (nơi xảy ra vụ án) là căn cứ để giúp cơ quan chức năng định hướng công tác điều tra.
    "Với tình tiết như trên, việc dỡ bỏ bức tường nhà trọ có thể nhằm xoá dấu vết hoặc tạo hiện trường giả. Vấn đề này các điều tra viên phải xử lý thật tỉ mỉ và cẩn trọng trước khi đưa ra kết luận. Thứ nhất, nếu phòng trọ đó được xác định là hiện trường chính của vụ án thì công an phường sở tại phải khoanh vùng, đồng thời báo chính quyền địa phương, báo cáo cấp trên cùng phối hợp để bảo vệ hiện trường, không cho ai đi vào khu vực hiện trường.
    Thứ hai, việc dỡ bở nhà trọ trên có thể hung thủ muốn xóa dấu vết, tạo hiện trường giả, điều đó thuộc tâm lý tội phạm không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, không bảo vệ hiện trường, đó là lỗi của công an sở tại.
    Thứ ba, vụ án rất có thể có đồng phạm", điều tra viên Nguyễn Văn Thái đưa ra nhận định.    
    Phó Thủ tướng giao bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ việc
    Cũng liên quan đến nghi án bắt cóc tống tiền rúng động này, ngày 12/3 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1633/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  yêu cầu làm rõ việc công an vào cuộc điều tra chậm trễ khiến gia đình nạn nhân bức xúc, đồng thời yêu cầu bộ Công an chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm trong toàn lực lượng công an nhân dân và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
    Lương Liễu
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nam-sinh-bi-tha-troi-song-nhan-dinh-sai-hay-tac-trach-a25933.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan