Nhằm kỉ niệm Ngày Nước Thế giới, tổ chức phi chính phủ WaterAid đã đưa ra các số liệu nghiên cứu về sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch ở một số quốc gia trên thế giới.
Sự mất cân bằng về nguồn nước sạch đang gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có điều kiện môi trường khắc nghiệt. Theo báo cáo của tổ chức WaterAid, hơn 800 triệu người dân trên thế giới cần đi lại và xếp hàng trong ít nhất 30 phút mới có thể tiếp cận được nguồn nước sạch.
Phụ nữ và trẻ em tụ tập để lấy nước ở Mossuril, Mozambique. - Ảnh: WaterAid |
Trong khi báo chí thế giới chỉ tập trung vào hạn hán ở Cape Town thì tổ chức WaterAid, trong báo cáo của mình ngày 21/3 lại nhấn mạnh rằng còn rất nhiều nơi ở các vùng khác từ lâu đã phải xếp hàng mới có thể tiếp cận được một nguồn cung cấp nước hạn chế.
Cho đến nay, quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là Eritrea, nơi chỉ có 19% dân số có cơ hội sử dụng nước. Tiếp đến là Papua New Guinea, Uganda, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia, hầu hết đều chỉ có từ 37% đến 40% tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch. Và không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia này có số lượng lớn người tị nạn sống trong các nhà tạm trú.
Ở một số quốc gia, sự mất cân bằng về sử dụng nguồn nước sạch còn liên quan đến nguồn thu nhập và các yếu tố khác. Tại Niger, chỉ 41% người nghèo có cơ hội tiếp cận nước sạch thì tỷ lệ này ở người giàu là 72%. Tương tự với quốc gia láng liềng Mali, 93% người giàu có nước dùng trong khi tỷ lệ ở người nghèo chỉ là 45%.
Mỗi năm, có gần 289.000 người chết do bệnh tiêu chảy, liên quan đến việc vệ sinh kém và trong số đó, trẻ em luôn chiếm tỷ lệ cao nhất.
Từ năm 2000, tỷ lệ dân số thế giới có cơ hội tiếp cận nước sạch gần nhà tăng từ 81% lên 89%. Trung Quốc đã có thêm 334 triệu người được sử dụng nước trong giai đoạn 2000 đến 2015, tiếp đến là Ấn Độ với 301 triệu người.
Mức tăng tỷ lệ lớn nhất là ở Afghanistan, quốc gia này đã nỗ lực tái thiết sau chiến tranh và nâng cao tỷ lệ người tiếp cận nước từ 27% lên 62% kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, báo cáo do WaterAid đưa ra cho biết, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc là cung cấp nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người trên thế giới vào năm 2030. Nguyên nhân việc này do vấn đề tiếp cận nguồn nước ngày càng trở nên phức tạp do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự gia tăng dân số toàn cầu.
Một báo cáo riêng của Liên Hợp Quốc gần đây dự báo rằng vào năm 2050, 5 tỷ dân có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt nước trong ít nhất một tháng mỗi năm.
HỒNG VÂN(Theo Theguardian)