Indian Express đưa tin ngày 24/6, 2.000 người đã trở thành nạn nhân của các trung tâm tiêm chủng COVID-19 giả mạo ở Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ.
Chính quyền bang Maharashtra cho biết cơ quan cảnh sát và tòa án tại Mumbai đang tiến hành điều tra và lấy lời khai của khoảng 400 nhân chứng tại địa phương này.
Các nguồn tin cho biết, người dân Ấn Độ đã bắt đầu chú ý tới sức khỏe nhiều hơn sau đợt dịch vừa qua. Chiến dịch tiêm vaccine của Ấn Độ ghi nhận con số kỷ lục 7,8 triệu liều được tiêm trong ngày 21/6 - mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 1/5.
Chính quyền New Delhi đã triển khai tiêm vaccine cho tất cả người trưởng thành dưới 45 tuổi từ ngày 1/5. Tuy nhiên, sự chần chừ của người dân và nguồn cung không ổn định khiến việc tiêm chủng rất chậm chạp hồi đầu chiến dịch.
Ấn Độ hiện đã tiêm được tổng cộng 280 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 1,1 tỉ người trước cuối năm nay (mỗi người tiêm 2 liều).
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ngày 23/6, chính quyền bang Madhya Pradesh ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên của một bệnh nhân COVID-19 được xác định nhiễm biến thể Delta plus ở quận Ujjain.
Năm trường hợp khác đã được xác nhận nhiễm biến thể Delta plus tại địa phương này, trong đó có 3 trường hợp ở quận Bhopal và 2 trường hợp khác ở quận Ujjain.
Phát biểu trên trang India Today, nhà virus học Ấn Độ Shahid Jameel cảnh báo rằng biến thể Delta Plus có thể vượt qua lá chắn bảo vệ của vaccine và kháng thể tự nhiên được tạo ra trước đó do nhiễm SARS-CoV-2. Các nhà khoa học còn lo ngại rằng biến thể Delta Plus thậm chí có thể dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta. Còn kết luận ban đầu của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG) cho rằng Delta Plus có các đặc điểm như tăng khả năng lây truyền; liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.
Delta Plus – thực ra là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra, Ấn Độ tháng 10/2020 và giờ đã có mặt tại 80 quốc gia trên thế giới. Biến thể Delta Plus được đặt tên kỹ thuật là B.1.617.2.1 hoặc AY.1, lại được phát hiện đầu tiên ở châu Âu vào tháng 3 năm nay và giờ đang khiến các nhà chức trách Ấn Độ lo lắng.
Mộc Miên (T/h)