(ĐSPL) – Lá cờ Phật giáo với chiều dài 25,58m, chiều ngang lá cờ dài 20m, diện tích 500m2, nặng 60kg. Cờ được may bằng vải 5 sắc cùng nhiều đổi mới hứa hẹn đem lại nhiều thú vị cho du khách khi về với hội xuân Yên Tử 2015.
Chiều 24/2, bà Bùi Thị Kim Thủy, Phó trưởng Ban quản lý Khu Di tích, vườn Quốc gia Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, trong hội xuân Yên Tử 2015 năm nay, lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam và thế giới sẽ được treo trên một hệ thống dây cáp có đường kính 1cm được gắn cố định giữa hai đỉnh núi giữa Chùa và Suối Giải Oan ở độ cao 200-250m.
Lá cờ Phật giáo này có chiều dài 25,58m tượng trưng Phật lịch 2558, chiều dài lịch sử Phật giáo thế giới. Chiều ngang lá cờ dài 20m, diện tích toàn bộ lá cờ là 500m2, nặng 60kg. Cờ được may bằng vải 5 sắc gồm xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Lá cờ đặc biệt này dự kiến sẽ tung bay tại núi thiêng Yên Tử liên tục trong vòng 10 ngày.
Danh thắng Yên Tử. |
Bà Thủy thông tin thêm, đến thời điểm này, nhiều hạng mục đã sắp hoàn thành để phục vụ du khách như các điểm dừng chân trên tuyến đường hành hương đi bộ; trùng tu tôn tạo Chùa Một Mái; chỉnh trang am, tháp, Mắt Rồng; lắp đặt biển chỉ dẫn, biển giới thiệu trong khu di tích... Đầu tư tạo cảnh quan tại một số điểm nhấn từ ngã tư Nam Mẫu vào Bến xe Giải Oan, khu vực lễ trường khai hội, các nhà ga cáp treo tạo không khí ngay từ những ngày đầu xuân. Hoàn chỉnh việc lắp dựng hệ thống biển chỉ dẫn; bảng nội quy Khu di tích
Để đảm bảo hội xuân diễn ra thành công, ban Tổ chức lễ hội sẽ huy động trên 100 cán bộ chiến sĩ Công an, Quân sự cùng với lực lượng hỗ trợ của Công an Tỉnh; Xây dựng kế hoạch và các phương án phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến đường vào khu di tích, thường trực phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự; trên 200 lực lượng bảo vệ các đơn vị trong khu di tích, lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia điều hành, hướng dẫn đại biểu và nhân dân về dự Lễ khai mạc và Hội xuân Yên Tử.
Đồng thời, ban tổ chức sẽ di chuyển toàn bộ dịch vụ trên tuyến từ Giải oan lên Chùa Đồng xuống phía dưới; không còn tình trạng hàng quán tạm bợ, lều bạt; Quản lý triệt để việc bán hàng rong... chèo kéo khách; Tuyệt đối không treo mắc, bán thịt động vật tươi sống trong khu Di tích; Thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết và không được tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ...
Ngày 28/2 (mùng 10 tháng giêng âm lịch), Hội xuân Yên tử sẽ chính thức khai mạc. Dự kiến trên 400 đại biểu, 2.500 phật tử tham gia lễ khai mạc; trên 300 diễn viên quần chúng và huy động lực lượng quần chúng trên địa bàn tham gia các hoạt động văn hóa tại Lễ hội.
Với những hoạt động đặc sắc như chương trình biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân, võ thuật; tổ chức giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử (cờ người) của Liên đoàn cờ Quảng Ninh; các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, ném còn của xã Thượng Yên Công; biểu diễn nghệ thuật tại nhà ga cáp treo 1.
Bên cạnh đó còn có hội hoa xuân Yên Tử, lễ mở cửa rừng và các trò chơi dân gian tại Chùa Trình và khu vực ngã tư Nam Mẫu xã Thượng Yên Công.
Theo Ban Quản lý di tích Yên Tử, lễ hội sẽ có sự tham dự của hơn 400 đại biểu, 2.500 phật tử cùng hơn 300 diễn viên quần chúng tham gia. Dự kiến sẽ có khoảng trên 2 triệu lượt khách về thăm quan, vãn cảnh Yên Tử trong dịp này.