+Aa-
    Zalo

    HỘI NGHỊ LUẬT GIA CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG LẦN THỨ VI

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đoàn cán bộ do bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế.

    Vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đoàn cán bộ do bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế, làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ VI tại Kathmandu, Nepal. Hội nghị lần này có chủ đề Thách thức đối với các quyền hòa bình, dân chủ, phát triển kinh tế và quyền con người, với sự tham gia của hơn 170 đại biểu là luật gia, luật sư của 20 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khách mời quốc tế. Hội nghị đã đề cập đến các vấn đề cụ thể gồm: Hòa bình trong khu vực và toàn cầu; Nhân quyền; Quyền kinh tế và phát triển; Tăng cường dân chủ.

    Các đại biểu tham dự Hội nghị Luật gia châu Á - Thái Bình Dương tại Nepal.

    Hội nghị COLAP được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần. Tại hội nghị lần này, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã có bài phát biểu về: Giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và việc áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Thông qua bài phát biểu của mình, đại diện Hội Luật gia Việt Nam muốn các đại biểu tham dự Hội nghị hiểu rõ hơn về tình hình ở Biển Đông cũng như các lập trường, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề này.

    Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các chuyên đề thảo luận của Hội nghị, đoàn đại biểu của Hội Luật gia Việt Nam cũng đã rất tích cực tham gia vào quá trình xây dựng tuyên bố của Hội nghị, đặc biệt là tuyên bố về quan ngại của Hội nghị trước tình hình quân sự hóa tại Biển Đông.

    Tuyên bố của Hội nghị Luật gia châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 tại Kathmandu, Nepal như sau: - Hội nghị nhắc nhở các nước có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần tuân thủ nguyên tắc quốc tế về nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời áp dụng các biện pháp hòa bình như đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của từng quốc gia để giải quyết các tranh chấp quốc tế; không làm tổn hại đến hoà bình, an ninh và công lý quốc tế. Hội nghị kêu gọi các bên liên quan tranh chấp trên Biển Đông áp dụng các cơ chế của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Công ước về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đàm phán, đối thoại, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nhau. (Trích Tuyên bố)

    Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thành lập Hiệp hội luật gia Châu Á – Thái Bình Dương, là một tổ chức sẽ kế thừa các tôn chỉ, mục đích của các Hội nghị COLAP trước đây, trong đó quan trọng nhất là tạo diễn đàn cho giới luật gia trong khu vực trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng phấn đấu bảo vệ nhân quyền, hòa bình, dân chủ và thực thi Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hội Luật gia Việt Nam được đề nghị cử 1 đại diện làm Phó Chủ tịch Hiệp hội mới thành lập này, Hội đang cân nhắc việc nhận lời tham gia.

    PHẠM XUÂN ANH(thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-nghi-luat-gia-chau-a---thai-binh-duong-lan-thu-vi-a138804.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan