+Aa-
    Zalo

    Hội nghị Bộ trưởng TPP kéo dài hơn dự kiến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định kéo dài hội nghị diễn ra tại thành phố Atlanta.

    Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định kéo dài hội nghị diễn ra tại thành phố Atlanta, miền Nam nước Mỹ.

    Đây được coi là một nỗ lực của 12 nước, thể hiện quyết tâm hoàn tất tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này trong năm nay sau nhiều lần lỡ hẹn.

    Bộ trưởng Thương mại 12 nước thành viên tham gia đàm phán TPP chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 1/10. Ảnh: Reuters/TTXVN.

    Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ban đầu hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 30/9-1/10, song các bộ trưởng đã quyết định kéo dài hội nghị để nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng. “The World Trade Online dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết hội nghị có thể sẽ phải kéo đến cuối tuần này nhằm đạt được thỏa thuận về vấn đề linh kiện ô tô, sản phẩm bơ sữa và bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng sinh dược.

    Theo Bộ trưởng Guajardo, mặc dù các bên đã rất nỗ lực để hoàn tất đàm phán tại cuộc họp lần này, song một số mục tiêu vẫn còn khá xa. Tuy nhiên, ông Guajardo nhấn mạnh: “Tin tốt lành là không nước nào muốn rời khỏi bàn hội nghị mà không có thỏa thuận”. Sau ngày làm việc đầu tiên, các bên tham gia đàm phán đã đạt được tiến triển lớn trong vấn đề dỡ bỏ rào cản thuế quan đối với sản phẩm linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ.

    Cụ thể, phía Mexico và Canada muốn ô tô được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất 45\% bộ phận được sản xuất bởi các nước trong khối. Tuy nhiên, Nhật Bản muốn tỷ lệ nội khối này chỉ ở mức 32,5\%. Một nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán ngày 2/10 cho biết Mỹ, Nhật Bản, Mexico và Canada đã gần như hoàn tất một thỏa thuận về vấn đề này, song từ chối nói rõ chi tiết do đàm phán vẫn đang diễn ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy con đường để đi tới thỏa thuận”.

    Như vậy, hai nút thắt hiện nay ngăn cản các nước tiến tới thỏa thuận cuối cùng là vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Nguồn tin từ phái đoàn Canada cho biết “một diễn biến bất ngờ” hoàn toàn có thể xảy ra vì Chính phủ Canada đã cam kết bồi thường thiệt hại cho nông dân một khi nước này mở cửa thị trường.

    Về bất đồng liên quan tới thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm sinh dược, 6 nước gồm Peru, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia và Brunei tiếp tục phản đối nỗ lực của Mỹ muốn áp đặt khung thời gian giữ bảo hộ độc quyền 8 năm. Các nước này cho rằng thời gian giữ độc quyền 5 năm là hợp lý đối với các sinh phẩm được bào chế từ tế bào sống và được dùng để điều trị bệnh ung thư hay một số bệnh khác. Phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ ngày 2/10 cho biết Washington chưa đưa ra đề xuất chính thức cho vấn đề này, song các bên liên quan đang “tiếp tục thảo luận để tiến tới thỏa thuận”.

    Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với Thủ tướng Australia Malcom Turnbull về tiến trình đàm phán TPP. Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết sớm hoàn tất hiệp định. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với các nhà đàm phán Mỹ tại Atlanta.

    Thượng Nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã kêu gọi Đại diện Thương mại Mỹ Micheal Froman phải bảo đảm kết quả đàm phán tạo thuận lợi hơn đối với việc tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Mỹ. Ông cũng ủng hộ việc loại bỏ mặt hàng thuốc lá khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) để mở đường cho các biện pháp của các nước bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

    Trong khi đó, một nhóm 45 Hạ nghị sĩ đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Froman yêu cầu đàm phán TPP phải đẩy mạnh tự do hóa thị trường đường giữa các nước thành viên TPP, cho rằng để đổi lại việc tăng quyền tiếp cận thị trường đường của Mỹ cho các nước thành viên TPP, các nước thành viên khác trong TPP phải mở cửa thị trường cho các nhà xuất xuất nông sản Mỹ.

    Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch hôm 29/9 tuyên bố Chính quyền Obama “không nên vội vàng” kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác theo luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA) đã được Quốc hội Mỹ thông qua, nếu không, thỏa thuận đạt được sẽ khó được quốc hội nước này phê chuẩn.

    Giới phân tích nhận định nếu Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta không đạt được thỏa thuận cuối cùng, thì tiến trình đàm phán TPP vẫn có thể được hoàn tất trong năm nay khi các nhà đàm phán gặp lại nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới ở Philippines.

    Theo TTXVN

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]zuv6FEmVlR[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-nghi-bo-truong-tpp-keo-dai-hon-du-kien-a113381.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.