+Aa-
    Zalo

    Hối lộ tình dục: Chứng minh hành vi phạm tội thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Việc đưa hối lộ tình dục vào luật không hề đơn giản, bởi việc chứng minh có hành vi phạm tội là cực kỳ khó khăn.

    (ĐSPL) –“Khó khăn lớn nhất trong việc đưa hối lộ tình dục vào luật là việc chứng minh có hành vi phạm tội là cực kỳ khó. Vì tội phạm dạng này thường được thực hiện rất tinh vi, đôi bên cùng có lợi, và không có ai trong cuộc sẽ tố cáo, vì chính hành vi của người tố cáo cũng sai phạm”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận định.

    Mới đây, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa Hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của họ từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đưa ra đề xuất về việc này.
    Trước đề xuất trên của ông Nguyễn Doãn Khánh, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn các chuyên gia pháp lý để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy định này ở Việt Nam.
    Thưa luật sư, xin luật sư cho biết như thế nào thì được coi là hối lộ tình dục, căn cứ vào đâu để xác định?
    Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, Đoàn luật sư TP.HCM: Hiện trong hệ thống văn bản pháp luật, khái niệm “hối lộ tình dục” chưa tồn tại, cho nên về mặt pháp lý chưa có căn cứ nào để xác định. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, “hối lộ tình dục” được hiểu là người đưa hối lộ dùng “tình dục” để hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu người đó thực hiện hoặc không thực hiện một việc gì đó vì lợi ích của mình.
    Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. HN: Theo tôi, trước tiên phải làm rõ khái niệm của hối lộ, hối lộ là hành vi của một người vì động cơ vụ lợi cá nhân mà đã đưa lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho người có chức vụ, quyền hạn để họ thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi, quyết định nào đó có lợi cho mình hoặc người mà người hối lộ huớng tới. Như vậy hối lộ theo tôi không chỉ có lợi ích vật chất là tiền bạc...mà còn cả lợi ích tinh thần phi vật chất khác. Như vậy hối lộ luôn có người thực hiện hành vi hối lộ và người nhận hối lộ. Vừa qua đã có những đề xuất quy định hành vi hối lộ tình dục trong Bộ luật Hình sự sửa đổi tới đây.
    Theo tôi đây là một đề xuất rất mới cần phải nghiên cứu thêm vì nếu chỉ xử lý hành vi hối lộ tình dục tức là chỉ xử lý người đưa hối lộ trong khi không xử lý người nhận hối lộ là chưa thỏa đáng. Một vấn đề nữa là hối lộ tình dục ở đây cần làm rõ tình dục khác giới tính hay cả đồng tính. Vì chẳng hạn như một người có chức vụ quyền hạn mắc bệnh đồng tính đã nhận hối lộ tình dục đồng tính của người khác khi bị phát hiện có xử lý hay không?
    Đưa hối lộ tình dục vào luật: Khó chứng minh hành vi phạm tội

    Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: "Hối lộ tình dục ở đây cần làm rõ tình dục khác giới tính hay cả đồng tính".

    Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.HN: Để hiểu khái niệm hối lộ tình dục là gì, trước tiên ta phải làm rõ khái niệm về hối lộ, thuật ngữ hối lộ được sử dụng trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay. “Hối lộ”, theo Đại Từ điển Tiếng Việt, được hiểu là: “Lén lút đưa tiền của để nhờ kẻ có quyền làm điều trái với pháp luật nhưng có lợi cho mình”. Còn trong Tiếng Anh, “Bribery” (hối lộ) có nghĩa là “một dạng tham nhũng, là hành vi đưa tiền hoặc quà nhằm thay đổi thái độ của người nhận”. Dưới góc độ chính trị, “hối lộ là một trong những loại bổng lộc của quyền lực và là một hình thức trao đổi chung giữa quyền lực và sự giàu có”.
    Hiện tượng hối lộ làm mất niềm tin của công chúng đối với cả các chính trị gia và hệ thống chính trị. Nhìn chung, các học giả và đa số các quốc gia đều thống nhất chung “hối lộ” là một loại hành vi tham nhũng. Hiện tượng này đang có xu hướng xảy ra nhiều tại những nơi thiếu sự minh bạch và thiếu sự tôn trọng các quy tắc đạo đức, đồng thời tác động trở lại làm cho bộ máy nhà nước trở nên trì trệ, thối nát và quan liêu. Đặc biệt, hối lộ cũng hủy hoại đạo đức và trách nhiệm của những người thực thi chức trách, làm mất lòng tin của công chúng vào hoạt động công vụ...
    Các loại hối lộ cụ thể bao gồm: Lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi; đề nghị hoặc chấp nhận những món quà, tiền thưởng, ơn huệ hay hoa hồng không chính đáng; hối lộ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế hay các chi phí khác; hối lộ để hỗ trợ lừa đảo; hối lộ để trốn tránh trách nhiệm hình sự; hối lộ để hỗ trợ cho những hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hối lộ trong khu vực tư; hối lộ để có thông tin bí mật hay “nội bộ”.
    Ngoài ra, “hối lộ” được coi là một tội phạm, “là hình thức tham nhũng thể hiện bằng cách một người đưa tiền để thuyết phục một công chức Nhà nước chấp thuận để làm hoặc không làm một việc có lợi cho mình”. Như vậy, dù dưới góc độ nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể nhận thấy một điểm đặc trưng là “hối lộ” luôn thể hiện bản chất của một hiện tượng tiêu cực và gây hậu quả nặng nề đến đời sống xã hội.
    Dưới góc độ khoa học Luật hình sự nước ta, khái niệm “hối lộ” được hiểu bao gồm ba loại hành vi phạm tội tương ứng với ba tội hối lộ cụ thể - tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ. Còn trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không định nghĩa thế nào là “hối lộ”. Theo đó, các phạm trù “hối lộ”, “đưa hối lộ” và “làm môi giới hối lộ” chỉ được hiểu thông qua khái niệm “nhận hối lộ” đã ghi nhận tại Điều 279 Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ. Theo đó, nhận hối lộ là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào… để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
    Còn đối với Điều 289 Bộ luật hình sự thì chỉ quy định Tội đưa hối lộ như sau:  "Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm...". Tương tự như vậy, Điều 290 Bộ luật hình sự quy định về Tội làm môi giới hối lộ như sau: Người nào làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm...
    Như vậy, về khách thể - giá trị mà các bên hướng tới khi tham gia quan hệ “hối lộ” này, về phía người đưa hối lộ là mong muốn người nhận hối lộ thực hiện hay không thực hiện công việc thuộc chức vụ, quyền hạn theo hướng có lợi cho mình hoặc cho cá nhân, tổ chức mà mình quan tâm. Về phía người nhận hối lộ, giá trị hướng tới khi tham gia quan hệ “hối lộ” là một lợi ích không chính đáng - “của hối lộ” (cho bản thân hoặc cho người khác). Của hối lộ ở đây có thể là tiền, tài sản hay một lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào. Nội dung, quan hệ “hối lộ” thể hiện qua việc trao - nhận, hứa hẹn trao - nhận giữa các bên: Bên hối lộ trao của hối lộ, nhận về cách giải quyết có lợi đối với công việc đang quan tâm; còn bên nhận hối lộ nhận của hối lộ và giải quyết việc thuộc chức vụ, quyền hạn của mình theo cách thỏa mãn yêu cầu bên đưa hối lộ.
    Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì giá trị mang hối lộ là lợi ích vật chất được định giá được bằng tiền từ 2 triệu đồng trở lên... Còn nếu "hối lộ" bằng việc người có mục đích bất chính (người đưa hối lộ) đồng ý để người có chức vụ quyền hạn (người nhận hối lộ) được quan hệ tình dục hoặc giao người thứ ba cho người có chức vụ quyền hạn quan hệ tình dục để đổi lại lợi ích cho mình thì chưa được coi là hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ. Nếu muốn hình sự hóa những hành vi này thì phải mở rộng đối tượng mang hối lộ, không chỉ là lợi ích vật chất, tiền, tài sản mà còn cả các giá trị phi vật chất khác như "tình dục" thì mới có căn cứ để xử lý hình sự đối với các hành vi này.
    Luật sư có nhận định như thế nào về hành vi hối lộ tình dục hiện nay?
    Luật sư Nguyễn Kiều Hưng:  Đây là một thực trạng khá phổ biến, tồn tại từ rất lâu. Điển hình của hành vi này là dùng “tình dục” để mua công việc, thăng quan tiến chức, thậm chí nó còn được dùng làm công cụ để “đấu đá”, tranh giành địa vị, lợi ích giữa những người trong nội bộ hoặc mua bất cứ thứ gì vì lợi ích của người đưa hối lộ. Thậm chí nó còn len lỏi vào các cơ quan tiến hành tố tụng, “tình dục” có thể mua được cả kết luận điều tra hay bản án. Vụ thẩm phán Nguyễn Thanh Triều ở TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị kỷ luật có quan hệ bất chính với đương sự vừa qua là một ví dụ.
    Luật sư Đặng Văn Cường: Theo lời phát biểu của một số đại biểu quốc hội nước ta trong kỳ họp quốc hội và các thông tin báo chí thì hiện tượng dùng "tình dục", "mỹ nhân kế" để làm thay đổi, sai lệch kết quả pháp lý trong cơ quan nhà nước là có (gọi là hối lộ tình dục) tuy nhiên chưa có chế tài để xử lý. Đồng thời những hiện tượng sai phạm này có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát. Hiện tượng này đang phát triển cùng với sự phát triển của nạn mại dâm, lối sống sa đọa, buông thả của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần hình sự hóa các quan hệ tình cảm này để quản lý vấn đề quan hệ tình dục bất chính và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quản lý nhà nước.
    Đưa hối lộ tình dục vào luật: Khó chứng minh hành vi phạm tội

    Luật sư Đặng Văn Cường: "Không nên hình sự hóa tất các các quan hệ xã hội bởi luật hình sự là những quy phạm có chế tài nghiêm khắc nhất, nếu không sử dụng đúng thì sẽ phản tác dụng và gây hại cho công dân và xã hội".

    Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định về việc xử lý hình sự với hành vi quan hệ tình dục đổi lại một kết quả trái pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước (có thể gọi là hối lộ tình dục). Tuy nhiên, ở nước ta có hình sự hóa quan hệ này không là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi của quy định pháp luật và tác dụng trong công các quản lý xã hội. Nếu hành vi làm trái các quy định về quản lý nhà nước xuất phát từ quan hệ tình dục không lành mạnh thì cũng đã có chế tài hình sự để xử lý tại chương XXI Bộ luật hình sự và các quy định khác của bộ luật hình sự. Nếu việc làm sai lệch, thiên tư đó chưa đến mức hình sự thì cũng đã bị xử lý hành chính, kỷ luật. Vì vậy, không thể nói là hành vi hối lộ tình dục thiếu chế tài xử lý. Việc quy định rõ hơn, cụ thể hơn trong một điều luật nào đó trong bộ luật hình sự thì chỉ để cá biệt hóa hành vi cụ thể với một tội danh cụ thể mà thôi.
    Trong xã hội có nhiều loại quan hệ xã hội và đồng thời cũng có nhiều loại quy phạm điều chỉnh như pháp luật, đạo đức, quy tắc của các tổ chức, đoàn thể... Đối với hành vi quan hệ tình dục tự nguyện của những người từ đủ 16 tuổi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nếu hành vi quan hệ tình dục đó không xuất phát từ tình cảm, mà lại xuất phát từ một mục đích trái pháp luật nào đó thì hành vi quan hệ tình dục không bị xử lý, còn hành vi trái pháp luật vừa nảy sinh cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nếu quan hệ tình dục giữa đôi bên, sau đó bên có chức vụ quyền hạn vẫn làm đúng theo pháp luật thì không nguy hiểm cho xã hội, không bị xử lý về hành vi thứ hai đó; Nếu hành vi quan hệ tình dục giữa người có chức vụ quyền hạn với công dân mà vi phạm quan hệ hôn nhân, thể hiên lối sống không lành mạnh... thì cũng đã có chế tài theo luật hành chính, kỷ luật Đảng... để xử lý.
    Vì vậy, nếu sử dụng đạo đức xã hội, quy tắc của các tổ chức, xử lý hành chính, kỷ luật là cũng đủ để xử lý đối với hành vi quan hệ tình dục không lành mạnh của người có chức vụ quyền hạn. Còn đối với hành vi thứ hai xuất phát từ quan hệ tình dục là hành vi trái pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật với những chế tài hiện có. Không nên hình sự hóa tất các các quan hệ xã hội bởi luật hình sự là những quy phạm có chế tài nghiêm khắc nhất, nếu không sử dụng đúng thì sẽ phản tác dụng và gây hại cho công dân và xã hội.
    Việc xử lý hối lộ tình dục đặt ra những khó khăn gì, thưa luật sư?
    Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Khó khăn lớn nhất trong việc đưa hối lộ tình dục vào luật là việc chứng minh có hành vi phạm tội là cực kỳ khó. Vì tội phạm dạng này thường được thực hiện rất tinh vi, đôi bên cùng có lợi, và không có ai trong cuộc sẽ tố cáo, vì chính hành vi của người tố cáo cũng sai phạm. Mặt khác, vấn đề lợi ích tinh thần trong trường hợp này rất khó định lượng nên khó khăn trong việc định tội, định khung hình phạt. 
    Đưa hối lộ tình dục vào luật: Khó chứng minh hành vi phạm tội

    Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: "Khó khăn lớn nhất trong việc đưa hối lộ tình dục vào luật là việc chứng minh có hành vi phạm tội là cực kỳ khó".

    Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã nói ở trên, khái niệm "hối lộ tình dục" bao gồm hai hành vi, hành vi thứ nhất là hành vi quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn. Hành vi thứ hai là hành vi thực hiện một thẩm quyền theo yêu cầu của người đã tự nguyện quan hệ tình dục.... Nếu quy định hai hành vi này kế tiếp nhau gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự thì phải chứng minh được hai hành vi (quan hệ tình dục và hành vi thực hiện theo yêu cầu ) trong mặt khách quan của tội phạm; Chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hai hành vi này. Đồng thời phải chứng minh được động cơ, mục đích sử dụng tình dục để làm sai lệch kết quả theo quy định pháp luật, với lỗi cố ý..(mặt chủ quan của tội phạm). Việc cung cấp, thu thập chứng cứ sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
    Với hành vi quan hệ tình dục thì việc thu thập chứng cứ cũng giống như một số tội xâm phạm danh dự nhân phẩm (Dâm ô, giao cấu, cưỡng dâm...) hoặc một số tội vi phạm quan hệ hôn nhân và gia đình hoặc một số tội phạm liên quan tới hoạt động mại dâm.
    Vậy, theo luật sư thì có nên đưa hối lộ tình dục vào luật, hình thức xử lý như thế nào và việc này liệu có khả thi?
    Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Theo tôi là khi chưa có một nghiên cứu cụ thể và đầy đủ về hành vi này ở các góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn thì chưa đưa vào luật. Vì có đưa vào thì cũng không thể áp dụng trên thực tế, gây lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, nếu có chứng cứ chứng minh có sự thoả thuận trao đổi “tình dục” vì một lợi ích nào đó, như bằng ghi âm, ghi hình, tin nhắn … thì có thể bổ sung ngay hành vi này vào nhóm bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Điều lệ Đảng…
    Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu tách bạch hai hành vi như đã nói ở trên thì tùy vào tính chất mức độ, hậu quả của từng hành vi, chúng ta vẫn có đủ chế tài để xử lý. Việc gộp hai hành vi này lại để cho ra khái niệm mới "hối lộ tình dục" cũng chỉ làm phong phú, đa dạng hơn các quy định của luật hình sự mà thôi. Về bản chất pháp lý thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Với quy định pháp luật hiện nay, nếu quan hệ tình dục bất chính, không lành mạnh giữa cán bộ, đảng viên hoặc cán bộ, công chức với công dân hoặc gái mại dâm thì sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính... Nếu hành vi cố ý làm sai nhiệm vụ quyền hạn vì bất cứ lý do gì (tình cảm, tình dục hay lợi ích vật chất tiền bạc) thì đểu bị xử lý theo pháp luật. Việc nhóm hai hành vi này vào để tạo ra một tội danh hoặc ghép vào một tội danh chỉ làm đa dạng hóa quan hệ pháp luật hình sự như đã nói ở trên. Việc quy định cụ thể vào luật hình sự hay không đều có tính hai mặt của nó. Còn nếu nói về tính khả thi thì đương nhiên khả thi như đã phân tích ở trên.
    Xin cảm ơn các luật sư!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-lo-tinh-duc-chung-minh-hanh-vi-pham-toi-the-nao-a67080.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan