Hội chứng đám đông dẫn đến một hiện tượng gọi là Hiệu ứng đám đông, là thuật ngữ dùng để chỉ cách mà con người bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh trong việc lựa chọn những hành vi, xu hướng của mình.
Hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến xem lực lượng chức năng vây bắt tội phạm; Ảnh Zing |
Tò mò, hiếu kỳ dẫn đến đám đông
Những ngày vừa qua, chúng ta phải chứng kiến quá nhiều cảnh tưởng người dân ùn ùn kéo nhau đi đền chùa để dâng sao giải hạn, cướp lộc, bỏ tiền thật mua tiền giả để đốt cho yên tâm. Khi được hỏi tại sao lại làm vậy thì phần lớn những người được hỏi trả lời" "Thấy người khác làm vậy thì mình cũng làm theo cho yên tâm, chứ bản thân không hề biết việc làm đó có lợi hay có hại gì...".
Hay vụ vây giáp đối tượng buôn bán ma túy ôm lựu đạn và súng cố thủ ở Hà Tĩnh tối 15/2. Cục C04 Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Hà Tĩnh truy bắt nhóm nghi phạm vận chuyển ma túy bằng ôtô. Cuộc vây bắt kéo dài từ chiều đến tối, các nghi phạm lao xe xuống ruộng ở đến đường liên xã Lâm Giang và Sơn Giang (huyện Hương Sơn) nhưng vẫn ngoan cố dùng súng, lựu đạn cố thủ.
Biết được thông tin cảnh sát vây bắt nhóm nghi phạm nguy hiểm, hàng trăm người dân địa phương kéo nhau đi xem. Khi lực lượng chức năng đang phải "căng" mình để đối phó với tên tội phạm liều lĩnh kia lại phải lo thêm bảo vệ an toàn cho người dân "hiếu kỳ" vây kín như đi xem hội.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các nghi phạm đã bị cảnh sát khống chế thành công, những người kéo nhau ra về bàn tán "hào hứng" vì vừa được tận mắt chứng kiến cảnh như trong phim hành động.
Chứng kiến những hình ảnh người dân "hiếu kỳ" kéo đến theo dõi cuộc vây giáp các nghi phạm được các PV ghi lại tại hiện trường nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của "Hội chứng đám đông" hay bình luận họ là những người "Điếc không sự súng"?
Lý giải về hiện tượng này, một số chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là biểu hiện của "tâm lý đám đông" bắt nguồn từ tập quán canh tác nông nghiệp, lối sống sinh hoạt cộng đồng. Từ những việc tích cực luôn đoàn kết bên nhau khi "tắt lửa tối đèn có nhau" đến "con gà tức nhau tiếng gáy" sự ganh đua thiếu lành mạnh. Khi người dân cứ thấy có việc gì chú ý sẽ “hùa theo”, tập trung đến cho dù việc này tốt hay không. Ở khu vực nông thôn, đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, người ta thường tập trung để vui vẻ sau vụ mùa nhưng cũng chính ở nơi này tạo nên các hiềm khích để rồi dẫn đến việc dè bỉu, thù hằn thậm chí giữa các gia đình, dòng họ hay làng, xã với nhau.
Cướp lộc một hình ảnh xấu xí ở nhiều lễ hội đầu năm; Ảnh Internet |
Thói quen xấu xí cần thay đổi
Hội chứng theo số đông có lẽ xảy ra từ khi loài người chung sống cộng đồng với nhau. Xưa kia, hội chứng này thường diễn ra một cách tự nhiên nhưng thời đại ngày nay, nó có thể do chính con người dựng nên. Trong kinh doanh, người ta hay lợi dụng hội chứng này để lôi kéo những người thiếu hiểu biết tham gia vào những hoạt động thương mại của họ bằng cách tạo ra hay tổ chức những sự kiện, những trào lưu có quy mô lớn, trong đó lồng ghép vào những thông tin, quan điểm khiến người ta cảm nhận đó là mang tính xã hội. Với các chính trị gia, thành công của họ chính là biết tận dụng tối đa sức mạnh của đám đông, bởi vậy họ tìm mọi biện pháp từ tình cảm đến vật chất và cả hình phạt để tác động vào tâm lí đám đông, dẫn dắt họ vào việc thực hiện mục đích của mình.
Việc người dân tập trung đến khu vực đông đúc thể hiện sự tò mò của bản thân. Khi người dân tò mò, hoặc có nhu cầu tiếp cận thông tin đang diễn ra trong nhiều trường hợp họ quên mất việc phải làm chủ hành vi của mình. Thấy người ta xô vào chen lấn để giành bằng được "lộc thánh, ấn quan" mình cũng cuốn vào cướp bằng được mà người ta vẫn thường thấy ở nhiều lễ hội hay những hoạt động bất thường khác cũng gây ra sự "tò mò" cho họ. Thực trạng diễn ra đến mức phổ biến khiến chính những người Việt chúng ta phải than phiền: "Nhàn cư vi bất thiện". Cứ rảnh rỗi, an nhàn dễ sinh ra tệ nạn, thói hư tật xấu hay những hệ lụy khác cho bản thân và xã hội.
Đây cũng là gốc rễ của những "thói quen xấu xí" mà một số chuyên gia nước ngoài chỉ ra ở một bộ phận người Việt chúng ta như:
- Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).
- Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
- Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
- Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
- Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
- Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản.
- Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
- Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
- Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
- Nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
Đây là những vấn đề thuộc về thói quen, tập quán đã ăn sâu vào đời sống cộng đồng và trở thành một phần của văn hóa. Muốn thay đổi nó thì phải cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền và tình hình sẽ được cải thiện dần dần khi dân trí ngày một phát triển.
Vương Xuân Nguyên/Khỏe 365