+Aa-
    Zalo

    Học viên phi công bị bỏ rơi: Vietjet bị tố "làm lơ" thỏa thuận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hãng hàng không Vietjet bị học viên tố "làm lơ" thỏa thuận trách nhiệm đã ký trong vụ hơn 70 phi công bị bỏ rơi tại Mỹ mà 21 người là do VietJet đưa sang.

    (ĐSPL) - Hãng hàng không Vietjet bị học viên tố "làm lơ" thỏa thuận trách nhiệm đã ký trong vụ hơn 70 phi công bị bỏ rơi tại Mỹ mà 21 người là do VietJet đưa sang.

    Giấc mơ trở thành phi công

    Mặc dù VietJet Air phủ nhận trách nhiệm trong vụ việc học viên phi công bị bỏ rơi tại Mỹ nhưng thời gian qua, Báo Đời sống & Pháp luật nhận được phản ánh của bạn đọc cho rằng, hãng hàng không này đã không thực hiện đúng thỏa thuận.

    Anh N.V.T (ngụ tại TP.HCM) phản ánh, cuối năm 2013, anh T. và nhiều người nhận được thông tin tuyển dụng từ CTCP hàng không Vietjet (VJC) về việc đào tạo phi công tại Mỹ.

    Đến tháng 3/2014, Công ty VJC tổ chức tuyển chọn gắt gao cho khoảng 50 người. Trong đó, 21 người nhận được thông báo trúng tuyển của Công ty VJC đi đào tạo phi công tại Mỹ vào tháng 5/2014.

    Thỏa thuận của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet với học viên (học viên cung cấp)

    Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển anh T. và 20 học viên còn lại kí thỏa thuận với Công ty VJC. Trong bản thỏa thuận, Công ty VJC cam kết giới thiệu gói vay của ngân hàng HD Bank để hỗ trợ các học viên có đủ kinh phí đi tham gia đào tạo.

    “Công ty VJC cam kết sau khi chúng tôi hoàn thành khóa học và có các chứng chỉ của phi công cơ bản thì công ty sẽ giới thiệu và cho đi học chuyển loại Airbus A320.

    Chương trình này sẽ do Vietjet và Airbus phối hợp thực hiện tại các trung tâm chuyển loại của Airbus như Toulouse tại Pháp, hoặc Bắc Kinh tại Trung Quốc.

    Phí tổng cộng cho việc chuyển loại là 35.000 USD. Trong đó, công ty hứa sẽ hỗ trợ 21.000 USD. Số tiền này sẽ được trừ vào lương hàng tháng sau khi học viên được nhận vào làm việc. Số tiền còn lại, học viên sẽ đóng 7.000 USD, còn Air bus sẽ đóng 7.000 USD”, anh T. cho biết.

    Cũng theo anh T., trước khi qua Mỹ, các học viên đóng 4.000 USD phí quản lí cho công ty VJC. Công ty VJC cũng cam kết sẽ kí hợp đồng lao động 05 năm với học viên/phi công sau khi hoàn thành khóa học và đủ điều kiện theo yêu cầu của VJC.

    Anh T. đã gửi cho chúng tôi bản thỏa thuận giữa VietJet với anh về chương trình đào tạo, trong đó nêu rõ nhiều điều khoản. Tuy nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi sau này nên anh T. xin phép không nêu đích danh.

    Sự phủ nhận của Vietjet?

    Theo anh T, tháng 5/2014, anh T. và 20 học viên khác được đưa sang Mỹ đào tạo sao khi ký kết và thỏa thuận tất cả những điều nói trên.

    Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.

    Tháng 6/2015, anh T. và một số học viên khác hoàn thành tất cả các khóa học đã về nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của anh T., phía Công ty VJC không có một động thái gì như cam kết.

    “Sau nhiều lần liên lạc, phía Công ty VJC đã đưa ra những khoản phí chưa từng có trong hợp đồng và những lần làm việc trước đó”, anh T. cho biết

    Theo đó, phía Công ty VJC đã ra quyết định về chi phí của chương trình huấn luyện trên A320. Những học viên đã hoàn thành khóa đào tạo phi công phải tự đi chuyển loại Airbus A320 tại các trung tâm được Cục hàng không Việt Nam (CAAV) công nhận với phí trung bình là 25.000 USD (chưa bao gồm tiền vé máy bay, tiền ăn và ở trong 01 tháng học), cùng với 35.000 USD phí đào tạo bay (line training). Trong tổng số tiền phí đào tạo bay, công ty sẽ hỗ trợ 50\% học phí/học viên. Số tiền này sẽ trừ vào tiền lương mỗi tháng của học viên trong vòng 3 năm. Như vậy, tổng số tiền mà chúng tôi phải đóng tiếp là 42.500 USD.

    Cùng chung cảnh ngộ, anh H., một học viên đã kí kết thỏa thuận với công ty VJC để đi đào tạo phi công ở Mỹ Trước cho biết, anh H. đã nhiều lần liên lạc với công ty VJC nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

    “Chúng tôi yêu cầu Công ty VJC phải có trách nhiệm với chúng tôi và gia đình chúng tôi trong việc đã tổ chức khóa đào tạo như thế này”, anh H. cho hay.

    Trước đó, trả lời báo Đời sống & Pháp luật, đại diện của Hãng hàng không Vietjet Air cho hay, các học viên được đưa ra nước ngoài theo hợp đồng với một doanh nghiệp đào tạo độc lập. Vietjet chỉ hứa hẹn sẽ nhận những học viên đủ tiêu chuẩn sau khi hoàn thành khóa học. VietJet không đứng ra tuyển dụng học viên như nội dung được phản ánh.

    "Tất cả các học viên kí kết hợp đồng với Công ty Đức Minh và một số công ty khác." - Đại diện VietJet cho hay.

    HOÀNG THƠ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-vien-phi-cong-bi-bo-roi-vietjet-bi-to-lam-lo-thoa-thuan-a118699.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.