Học sinh lớp 1 ở Thanh Hóa nghi bị bạn học ném viên bi sắt vào mắt, bị tổn thương nặng phải nhập viện phẫu thuật và chưa xác định khả năng phục hồi.
Trường tiểu học Hoằng Kim, nơi cháu Khôi đang theo học. |
Tiền sử tăng động, hay đánh bạn
Chị Đỗ Thị Tuyền (SN 1991, trú tại số 12, Hiệp Thành, xã Hoằng Kim, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, khoảng 15h35 ngày 26/11, gia đình nhận được điện thoại của cán bộ trạm Y tế xã Hoằng Kim thông báo con trai của chị là cháu Nguyễn Đỗ Trọng Khôi (SN 2014), đang học lớp 1B, trường tiểu học Hoằng Kim đang được cấp cứu tại đây. Khi tới nơi, vợ chồng chị Tuyền thấy con trai mình đang nằm tại trạm Y tế xã Hoằng Kim trong tình trạng chảy máu ở mắt, mũi, tổn thương võng mạc mắt và kêu khóc.
Theo chỉ định của bác sĩ, cháu Khôi được gia đình chuyển gấp lên bệnh viện Mắt Thanh Hóa. Sau khi thăm khám, do bị tổn thương nặng nên bệnh nhân được chuyển ra bệnh viện Mắt Trung ương tại Hà Nội.
Ngày 27/11, cháu Trọng Khôi được phẫu thuật lần đầu tiên, dự kiến ngày 30/11 sẽ phẫu thuật lần hai. Nhưng sau khi hội chẩn, các bác sĩ chưa quyết định thời gian thực hiện ca mổ tiếp theo với cháu Khôi. Cùng ngày, gia đình chị Tuyền đã trình báo Công an xã Hoằng Kim, yêu cầu vào cuộc điều tra làm rõ sự việc.
Theo lời chị Tuyền, sau khi sự việc xảy ra, chị đã tìm gặp cháu A. T., học sinh lớp 3, trường tiểu học Hoằng Kim (người chứng kiến sự việc). Cháu A.T. kể lại với chị rằng, giờ ra chơi chiều 26/11, Khôi đang chơi trò cá sấu lên bờ với 2 bạn khác tại sân trường. Do bị mệt, Khôi ra gốc cây ngồi nghỉ, gần đó có các bạn D. (Biệt danh là Su Mô) và Q. (cùng học lớp 3) đang chơi bi sắt với nhau.
D. đã dùng viên bi sắt to gần bằng ngón chân cái học sinh ném vào mắt trái của Khôi khiến em này ôm mặt kêu khóc. A. T. đã báo với cô Thảo - chủ nhiệm lớp 3 và cô đã cùng một số giáo viên khác đưa Khôi tới trạm Y tế xã. Thông tin của chị Tuyền chia sẻ với PV vẫn đang được cơ quan chức năng kiểm chứng và chưa có kết luận cuối cùng.
Chị Tuyền cũng thông tin, D. có tiền sử bệnh tăng động, trong quá trình học tại trường thường xuyên gây gổ, đánh bạn. Một số phụ huynh đã nhiều lần thông báo với Hiệu trưởng trường tiểu học Hoằng Kim và đề nghị nhà trường cùng với gia đình đưa em này tới trường chuyên biệt học.
Chị Tuyền cho rằng, việc lãnh đạo nhà trường và giáo viên không cùng với gia đình đưa con mình từ trạm Y tế xã Hoằng Kim đi bệnh viện Mắt Thanh Hóa thể hiện sự thiếu quan tâm.
Hình ảnh cháu Khôi đang điều trị tại bệnh viên sau khi nghi bị bạn ném viên bi sắt vào mắt. |
Giáo viên thiếu sót, xin rút kinh nghiệm
Ông Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng trường tiểu học Hoằng Kim - cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã nhanh chóng đưa em Khôi tới trạm y tế xã cấp cứu. Hiện, nhà trường đang phối hợp với Công an xã Hoằng Kim trích xuất camera, thu thập thông tin của các học sinh chứng kiến vụ việc để sớm đưa ra kết luận việc em Khôi bị thương ở mắt.
Lãnh đạo nhà trường cùng ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường đã trực tiếp ra Hà Nội thăm hỏi em Khôi và trao một số tiền do các giáo viên và phụ huynh quyên góp, để hỗ trợ gia đình trong công tác điều trị cho em tại bệnh viện.
Theo ông Thọ, khi vào học, gia đình em D. cũng đã thông báo với nhà trường là em có tiền sử bệnh tăng động. Nhà trường đã yêu cầu gia đình em D. bổ sung hồ sơ, bệnh án để chứng minh bệnh tình của em, nhưng họ không bổ sung được. Theo quy định của ngành giáo dục, nhà trường buộc phải tiếp nhận cho em D. vào học.
Trong quá trình học tập tại trường, em D. có nô đùa quá mức với bạn bè, có khi dùng chân đạp vào bạn và nhà trường đã nhắc nhở, chấn chỉnh. Ông Thọ cũng đã nhận được phản ánh, đề nghị của một số phụ huynh cho em D. chuyển trường để đảm bảo an toàn cho con em họ. Tuy nhiên, do không có hồ sơ, bệnh án nên nhà trường không có cơ sở thực hiện.
Ông Thọ cũng phân trần, do sự việc xảy ra đột ngột, sau khi từ trạm y tế xã về, lãnh đạo trường và các giáo viên phải tập trung rà soát để truy tìm nguyên nhân và do "luống cuống" nên không cùng với gia đình đưa em Khôi lên bệnh viện Mắt Thanh Hóa. Đây là một sự thiếu sót và nhà trường xin rút kinh nghiệm.
Trẻ tăng động và trẻ hiếu động khác nhau như thế nào Rối loạn tăng động giảm chú ý là một chứng bệnh tâm lý thường gặp ở một số trẻ em có biểu hiện hiếu động hơn bình thường đi kèm giảm khả năng tập trung chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm sẽ không liên tục và thường có chủ tâm, còn các bé bị tăng động giảm chú ý thường không điều chỉnh được hành vi và điều này ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống. Ví dụ như khi xem phim hoạt hình, truyện tranh, trẻ nhỏ thường phải tập trung cao độ để theo dõi từ đầu tới cuối, thế nhưng đối với trẻ tăng động, dù bộ phim đó có hay đến đâu, chúng cũng không thể tập trung để ngồi xem trong một thời gian dài. |
Phạm Xuân Chinh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (49)