(ĐSPL) - Theo dự thảo Luật Phí và lệ phí, thì học phí sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự Luật Phí và lệ phí mà chuyển sang cơ chế giá thị trường.
Việc chuyển học phí ở bậc đại học sang cơ chế giá thị trường nhận được sự đồng tình, nhưng việc chuyển học phí phổ thông sang cơ chế giá thị trường lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì đây là vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình còn khó khăn. Đồng thời nó cũng được xem là có thể tác động lớn đến công tác trồng người...
Những câu hỏi hóc búa
Trước hết, cần phải khẳng định rằng chuyển học phí sang cơ chế giá thị trường là hướng đến việc huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư cung cấp dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản là như vậy, đặc biệt là đối với bậc học phổ thông.
Chị Nguyễn Thu Hà (quê Thái Bình, hiện đang bán hàng tại phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ khi PV cung cấp thông tin theo dự thảo Luật Phí và lệ phí, học phí sẽ được áp cơ chế giá thị trường. Chị chia sẻ: “Hiện giờ hai vợ chồng tôi làm thuê tại Hà Nội tổng thu nhập cả tháng mới tạm đủ trang trải tiền ăn học cho ba cháu ở quê.
Giờ mà học phí của các con tôi lại tính theo giá dịch vụ thì chắc tôi không kham nổi. Tôi hy vọng là học phí vẫn giữ ở mức như hiện nay, điều đó sẽ tốt hơn cho những người lao động nghèo như chúng tôi. Như thế cũng là tạo điều kiện cho các con của tôi được đến trường, cho con cái chúng tôi có cơ hội thoát nghèo, cơ hội đổi đời”.
Chuyển học phí sang cơ chế giá có làm hẹp cửa cho học sinh nghèo? (Ảnh minh họa). |
Một phụ huynh khác, anh Nguyễn Thanh Tùng (Định Công, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm không
Những điểm mới của dự thảo Luật Phí và lệ phí Dự thảo Luật Phí và lệ phí có điểm khác so với Pháp lệnh Phí và lệ phí là xác định cụ thể về danh mục phí và lệ phí. Theo đó, dự thảo luật đã bỏ một số khoản phí để chuyển sang thực hiện cơ chế giá dịch vụ theo quy luật thị trường đối với các dịch vụ không phải do cơ quan Nhà nước thực hiện mà do các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. Trong đó một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là học phí, viện phí, phí qua đò, phí qua phà, phí dẫn đường, phí kiểm định phương tiện vận tải, phí đường bộ qua trạm thu BOT... |
đồng tình việc “dịch vụ hóa” học phí ở bậc học phổ thông. Anh Tùng đặt câu hỏi: “Tôi thấy như thế không ổn, vì trường tốt chắc chắn mức thu học phí theo dịch vụ sẽ cao, thế có phải là chỉ con nhà giàu mới được học ở trường tốt, còn con nhà nghèo thì phải học chung với nhau trong những trường lớp kém chất lượng? Tôi nghĩ học phí bậc phổ thông vẫn cần có một mức giá chung để đảm bảo công bằng tương đối”.
Câu chuyện đặt ra là, ai sẽ có lợi nếu vận hành theo cơ chế này? Những người nghèo sẽ tiếp cận với nền giáo dục phổ thông như thế nào? Đây là những câu hỏi không phải có thể trả lời ngày một, ngày hai nếu nó được áp dụng.
Đi tìm một giải pháp “hợp tình hợp lý”
Các chuyên gia kinh tế nhận định, xã hội phát triển, Nhà nước không thể mãi mãi bao cấp cho giáo dục. Còn các nhà giáo dục lại khẳng định, Nhà nước không thể phó mặc hoàn toàn lĩnh vực giáo dục cho thị trường, vì điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy về công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân.
Cần phải hiểu rằng, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học rất khác nhau về bản chất. Nếu giáo dục đại học tập trung vào việc trang bị khả năng sáng tạo và kỹ năng lao động bậc cao thì giáo dục phổ thông là dạy người, rèn luyện phẩm chất công dân, đem lại những kiến thức cơ bản.
Như vậy, bài toán về chi phí giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học phải có những “lời giải” khác nhau. Để làm rõ vấn đề đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận này, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu và ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia.
Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ: Theo cơ chế thị trường, nhưng phải có định hướng
Người ta hay nói “tiền nào của nấy”, học phí nếu tính đúng, tính đủ sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có định hướng, nghĩa là cần phải xem xét tính đúng, tính đủ với ai và như thế nào? Những người hàng tháng lương năm, bảy chục triệu thì phải có trách nhiệm trả đủ học phí nhưng với những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa thì phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước.
Ví dụ như với những gia đình có thu nhập trung bình thì Nhà nước cho vay để đi học mà không tính lãi, sau khi ra trường sẽ phải trả lại tiền cho Nhà nước. Còn những em có hoàn cảnh khó khăn thì được cấp học bổng để đi học. Như thế các em sẽ có trách nhiệm hơn, còn những em nhà giàu bỏ tiền mà không học thì mất, những em nhà kinh tế trung bình thì phải cố gắng học để kiếm việc trả tiền còn những em nhà nghèo thì phấn đấu để đạt được học bổng.
Tính đúng, tính đủ vừa khiến học sinh học hành tốt hơn mà còn giúp giáo viên và nhà trường làm việc trách nhiệm hơn. Nếu anh không làm tốt, dạy không chất lượng thì học trò không học, dẫn đến việc anh không có thu nhập hoặc bị đào thải. Nếu chính sách được thực hiện đồng bộ như thế thì sẽ có hiệu quả xã hội tốt.
Tiến sỹ luật Trần Đức Hoàng - Đồng sáng lập Công ty luật Ezlaw: Nhà nước không nên “kinh doanh”, hay thu lợi nhuận từ giáo dục
Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó các nước tham gia công nhận giáo dục trung học sẽ được phổ cập tới tất cả mọi người bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt là bằng cách từng bước áp dụng giáo dục không mất tiền. Theo tôi, Nhà nước vẫn nên giữ và quyết định học phí với cấp trung học (trường công) để đảm bảo lộ trình cung cấp giáo dục trung học miễn phí trong tương lai. Theo tôi Nhà nước không nên “kinh doanh”, hay thu lợi nhuận từ giáo dục. Còn đối với các trường tư lập các cấp thì tôi ủng hộ việc để họ quyết định giá học. Đó là vấn đề dịch vụ của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Hiệp SỸ CNTT 2007: Sẽ tạo sự cạnh tranh chất lượng
Tôi đồng tình về việc chuyển học phí sang cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, thị trường là đơn vị định giá thông minh nhất trong xã hội. Việc “thả nổi” học phí sẽ tạo sự cạnh tranh về chất lượng giữa các nơi cung cấp dịch vụ, đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh về giá. Lúc đó các trường sẽ hoạt động như các doanh nghiệp, nơi nào bán sản phẩm tốt với giá phải chăng thì sẽ thu hút được người dân. Người ta sẽ phải tính toán làm sao để có thể cạnh tranh.
Để đạt được điều đó thì Nhà nước cần tạo sân chơi kinh tế thị trường minh bạch. Tuy nhiên, trong xã hội luôn có người yếu thế, những người cần sự hỗ trợ để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu. Nhiều người lo ngại rằng việc “thả nổi” học phí sẽ khiến những người này không được đến trường nhưng tôi cho rằng không phải vì thế mà Nhà nước phải bao cấp.
Ta có thể tính đến việc tạo ra một ba-rem hỗ trợ 30\% đến 70\% học phí để khuyến khích học sinh nghèo đến trường, ba-rem này đồng thời cũng tạo động lực cho các em cố gắng. Về tổng thể, như thế sẽ tốt cho sự phát triển chung.
Khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông Ngày 21/9, bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 49 của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau năm học 2014-2015. Nghị định học phí mới này sau khi được Chính phủ phê duyệt sẽ được áp dụng từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Tuy nhiên, trong khi chờ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định cũ đã hết hiệu lực, bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục như quy định cũ cho đến hết học kỳ I năm học 2015-2016. Theo đó, khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông là từ 40.000 đến 200.000 đồng/tháng/học sinh đối với các trường ở thành thị, từ 20.000 đến 80.000 đồng/tháng/học sinh đối với các trường khu vực nông thôn và từ 5.000 đến 40.000 đồng/tháng/học sinh đối với các trường khu vực miền núi. |
Thanh Xuân
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]xtSixsJkIQ[/mecloud]