(ĐSPL) - Học khối B có thể kinh doanh được không là thắc mắc của rất nhiều bạn trẻ, bởi trong thời đại hiện nay, đa phần các bạn trẻ đều rất tự tin, dám nghĩ dám làm và có mong muốn lập nghiệp bằng con đường kinh doanh.
Ảnh minh họa. |
Nhiều bạn trẻ thường có suy nghĩ rằng, phải học các chuyên ngành kinh doanh thì mới có thể kinh doanh được. Tuy nhiên, sinh viên sau khi ra trường không phải ai cũng làm đúng ngành mình đã học. Quy luật "học khối gì, ngành gì làm nghề ấy" đã không còn đúng trong xã hội hiện đại.
Nếu các bạn đam mê kinh doanh, các bạn có thể học bất kỳ khối nào và sau đó áp dụng kinh doanh. Kinh doanh là một ngành nghề mà ở tất cả các khối, sinh viên học ra đều có thể tự kinh doanh được. Ví dụ, sinh viên học kỹ sư xây dựng khối A sau này có thể kinh doanh thêm các mặt hàng thiết bị xây dựng. Nếu học khối B làm Y - Bác Sỹ, bạn có thể kinh doanh thuốc hoặc các loại dược phẩm, thiết bị y tế.
Việc kinh doanh có thuận lợi và phát triển hay không còn tuỳ thuộc vào tố chất, năng lực của mỗi người, thêm vào đó là cái duyên của nghề. Nhưng hầu hết những người kinh doanh giỏi đều là những người có khả năng giao tiếp tốt, năng động và nhanh nhạy, và đặc biệt là phải biết nhiều thông tin về thị trường. Nếu bạn muốn sau này làm kinh doanh thì từ bây giờ hãy tập thói quen đọc báo, các thông tin về kinh tế, xã hội...
Muốn kinh doanh cần có những gì?
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay khao khát muốn “làm chủ”, và họ luôn nghĩ rằng chỉ cần có tiền là kinh doanh được. Song trên thực tế, để kinh doanh thành công, ngoài vốn ra bạn cần nhiều yếu tố hơn nữa. Đó là:
Một cái đầu lạnh: “Lạnh” ở đây không có nghĩa là vô cảm. Bạn cần phải thật lí trí và có trách nhiệm trước những quyết định. Bạn không được sợ sệt, không được chùn bước trước những tình huống ngoài ý muốn. Chính bạn phải tự tin ra quyết định, và tự tin thực hiện đến cùng, cho dù khó khăn đến đâu.
Một nhóm làm việc nghiêm túc: Không nhất thiết đây là bạn thân của bạn, hoặc người quen. Đây là một nhóm người có cùng tính cách và nghiêm túc trong công việc, không phân biệt lứa tuổi. Bạn không thể thành công khi chỉ làm một mình. Bạn cần rất nhiều người hỗ trợ để kế hoạch được thực hiện hoàn hảo.
Mối quan hệ rộng: Khi kinh doanh buôn bán, điều cần thiết nhất là phải thiết lập được mạng lưới. Bạn không thể kinh doanh khi không có khách hàng. Bạn cần phải có thật nhiều bạn bè và người quen để quảng bá và đồng thời chính họ cũng là một kênh để quảng bá sản phẩm cho bạn.
Cách giải quyết tình huống rủi ro: Khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần lường trước mọi sự cố ngoài ý muốn có thể xảy đến, chẳng hạn như tiền phát sinh thêm, sản phẩm không bán được thì phải làm sao, thiếu nhân lực sẽ như thế nào, nếu kinh doanh thất bại thì lí do tại sao. Nghĩ trước mọi tình huống xấu nhất có thể và tìm cách giải quyết phù hợp sẽ giúp cho bạn tự tin hơn, vì dù chuyện gì xảy ra đi nữa bạn vẫn có cách xử lí.
Kế hoạch phân công cụ thể: Bạn là người đứng ra kinh doanh, nhưng không có nghĩa là bạn ôm tất cả mọi việc, từ việc chỉ đạo đến việc đóng bàn ghế. Cần có sự phân công nhân lực phù hợp và trả cho họ đúng với những gì họ bỏ ra. Có như vậy mọi thứ mới hoàn thành một cách khoa học, cụ thể, đúng quy trình.
Thiên thời — địa lợi: Nơi bạn kinh doanh phải có vị trí địa lí tốt, chẳng hạn như gần trường học, nơi đông dân cư, vị trí kinh doanh phải thoáng mát, rộng rãi. Đừng bỏ qua khoản này vì nơi bạn kinh doanh là nơi quyết định sự thành — bại của bạn.
Thái độ: Nếu bạn làm việc với thái độ hăng say, tích cực, tự khắc bạn sẽ truyền được cảm hứng cho người khác và họ cũng lạc quan hơn. Điều này tạo nên một nguồn năng lượng tác động đến nhiều người xung quanh hơn nữa, và tự khắc bạn sẽ kinh doanh thuận lợi. Đừng quá lo lắng hay u sầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn đấy. Vì những người thất bại trong kinh doanh thường là những người dễ nản, hay lo và thiếu tự tin.
AN LÊ (tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]gHRA6Azu1i[/mecloud]