Dù nắm binh quyền trong tay nhưng người con thứ 12 của Khang Hi Đế lại quyết định không "chà đạp" lên các huynh đệ ruột thịt của mình để chiếm lấy ngai vàng.
Người Trung Quốc xưa thường nói: "Vô tình nhất là tộc đế vương". Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên vào năm 221 trước Công nguyên, việc thành lập vương triều phong kiến bắt đầu trở thành mọi nguồn cơn cho những cuộc tranh đoạt “ngai vàng” đẫm máu.
Lịch sử Trung Quốc đã ghi nhân quá nhiều bi kịch đã xảy ra trong cuộc chiến tranh quyền đoạt vị. Anh em vì ngôi vị "cửu ngũ chí tôn" mà trở mặt, người thân vì quyền lực mà thành thù, hoàng gia vì vậy bị gán cho danh hiệu tàn nhẫn khiến thiên hạ phải nể sợ.
Có thể kể đến như "biến Huyền Vũ Môn" do Đường triều Lý Thế Dân phát động tiêu diệt chính 2 người anh em ruột của mình để lên ngôi, hay lần đấu trí, đấu dũng đây gay cấn giữa Đường Huyền Tông Lý Long Cơ với người cô của mình là Thái Bình Công chúa.
Ngay cả đến thời nhà Thanh, dù là điều cấm kỵ nhưng việc tranh quyền đoạt vị vẫn diễn ra vô cùng kịch liệt, mà nổi tiếng nhất chính là sự kiện "Cửu tử đoạt đích" thời Ung Chính.
Tuy nhiên, hoàng thất nhà Thanh vẫn có một vị hoàng tử dù nắm binh quyền trong tay nhưng lại không tham gia bất kỳ cuộc tranh đoạt nào. Vị hoàng tử này được vua Càn Long Đế tôn kính và trọng dụng, sống bình yên đến hết đời.
Ông là Ái Tân Giác La Dận Đào (1686 - 1763), hoàng tử thứ 12 của hoàng đế Khang Hi, cũng là em ruột của Ung Chính Đế sau này. Tuy nhiên, do mẫu thân ông trong hậu cung chỉ là thứ phi, địa vị vô cùng thấp, khiến bà không đủ tư cách để nuôi dưỡng hoàng tử. Do đó, Dận Đào được mang đến giao cho một cung nữ lớn tuổi là Tô Ma Lạt Cô nuôi dưỡng.
Tô Ma Lạy Cô là là một thị nữ hầu hạ thân cận của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu. Dù không phải là người hoàng tộc, nhưng bà lại được Khang Hi Đế vô cùng kính trọng.
Khác với những phi tần luôn hi vọng con trai mình có thể dành được địa vị, "mẹ nuôi" Tô Ma Lạy Cô lại luôn yêu thương và rèn luyện tính khiêm tốn cho Dận Đào. Bà chỉ hi vọng thập nhị hoàng tử luôn được bình an.
Do đó, Dận Đào luôn thờ ơ với danh vọng và địa vị trong hoàng cung, cũng không kết bè kết đảng với bất kỳ hoàng tử nào. Vào những năm cuối thời Khang Hi trị vì, ông được sắc phong là Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, được vua cha vô cùng trọng dụng.
Năm 1722, Khang Hi Đế băng hà, lúc bấy giờ, con trai của ông còn sống sót lại chỉ còn 24 người, nhưng trong đó đã có 9 người tham dự sự kiện đoạt đích - sử gọi "Cửu tử đoạt đích".
Vào thời điểm này, Dận Đào thân làm Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, nắm binh quyền trong tay, lại không mảy may quan tâm đến nội sự, không thừa cơ khơi dậy binh biến và từ chối mọi lời mời mọc của các hoàng tử.
Sau khi Ung Chính giành được chiến thắng cuối cùng và lên ngôi, ông ban đầu cũng không yên tâm với người em Dận Đào, từng nhiều lần hạ chức quan, thậm chí phế bỏ tước vị.
Thế nhưng, Dận Đào không để tâm, ông vẫn vui vẻ và thoải mái cho dù không còn tước vị. Sự độ lượng và bất cần này của Dận Đào không chỉ gây ấn tượng mạnh với Ung Chính mà còn khiến cháu mình là Càn Long sau này vô cùng kính trọng.
Sau khi Càn Long nối ngôi, ngay lập tức tán thưởng người chú của mình, không những khôi phục toàn bộ đãi ngộ trước đây, mà còn phong ông làm Lý Thân Vương. Ông thậm chí còn được Càn Long Đế xếp vào vị trí đứng đầu trong những người có thể ngồi kiệu thượng triều.
Có người cho rằng Dận Đào đã đánh mất một cơ hội tốt để trở thành hoàng đế, là tự chọn cho mình sự thất bại. Nhưng ở một góc độ khác, đối với một người không mưu cầu danh lợi như vậy, thay vì theo đuổi thứ mình không thích, chi bằng chọn cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người thân của mình.
Sự lựa chọn này không chỉ thể hiện thiện chí và lý tưởng của Dận Đào, mà còn cho phép ông có một cuộc sống yên bình đến tận 78 tuổi, độ tuổi mà người xưa vẫn nói "thất thập cổ lai hi".
Hoa Vũ (Theo Sohu)