+Aa-
    Zalo

    Hoang mang vì 50\% cơ sở kinh doanh TPCN không đạt chất lượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Nhiều loại thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng. Tuy nhiên việc không công bố danh tính gần 50\% cơ sở kinh doanh không đạt chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang.

    (ĐSPL)- Nhiều loại thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng "siêu đẳng", có thể chữa được cả bệnh nan y, ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên việc không công bố danh tính gần 50\% cơ sở kinh doanh không đạt chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang.
    Sau khi kết thúc đợt thanh tra, hàng chục cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đã bị đình chỉ do không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt đó chỉ như "mang chuông gõ cửa nhà sấm"; vì sao bộ Y tế không công khai tên cơ sở kinh doanh vi phạm?
    "Lên chín tầng mây" kiểm nghiệm... công dụng?
    ông Trần Quang Trung - Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục vừa kết thúc đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm chức năng (TPCN). Theo báo cáo ban đầu, trong số 3.781 mẫu được kiểm tra có 1.830 mẫu không đạt (48,4\%), 14 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 105 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành.
    Từ đầu năm đến nay, cục An toàn thực phẩm đã thu hồi 9 giấy xác nhận công bố chất lượng; trong 5 tháng đầu năm 2014 đã xử phạt 35 cơ sở vi phạm với số tiền gần 700 triệu đồng, trong đó chủ yếu là các lỗi về ghi nhãn, vi phạm về chất lượng. "Hiện tại trong tay chúng tôi đang có 26 hồ sơ các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đang trong quá trình xác minh để xử phạt nghiêm. Từ nay đến cuối năm, việc thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục rất quyết liệt", ông Trung cho biết thêm.
    Đại diện cục An toàn thực phẩm cho hay, qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan quản lý đã phát hiện, thu hồi nhiều sản phẩm vi phạm chất lượng. Các vi phạm về chất lượng của TPCN từng được phát hiện là sản phẩm có chứa tân dược (như chất vardenafil là hoạt chất trong thuốc điều trị bệnh ở nam giới lại có trong TPCN tăng cường sinh lực cho quý ông). Hoặc hàm lượng các thành phần như vitamin, khoáng chất trong TPCN thấp hơn công bố. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có chất cao hơn mức công bố quá nhiều cũng phải thu hồi vì đó là liều điều trị, chỉ được chấp nhận trong tân dược. Điển hình, Cục đã yêu cầu Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn dừng lưu hành, thu hồi sản phẩm Super Fat Burner nhập khẩu từ Mỹ vì có chứa Shibutramine. Đây là chất không được sử dụng trong TPCN, có gây tác động xấu đến tim mạch làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
    Từ kết quả thanh tra TPCN vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt trên chẳng khác nào "mang chuông gõ cửa nhà sấm". Việc quảng cáo tràn lan, thổi phồng công dụng của các cơ sở kinh doanh trên các trang web không được kiểm soát dẫn đến việc người tiêu dùng bị lạc vào ma trận! Trao đổi với PV, đại diện cục An toàn thực phẩm thừa nhận: "Khó kiểm soát và ngăn chặn các trang web đăng tải thông tin về TPCN với quảng cáo "một tấc lên giời". Trong khi đó, không ít doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm, tái phạm và các cơ quan chức năng phải "đuổi theo" để xử lý vi phạm!
     
    Gần một nửa cơ sở kinh doanh TPCN không đạt chất lượng
    Mẫu kiểm nghiệm những sản phẩm này hàm lượng không đạt như tiêu chuẩn nhà nhập khẩu công bố.
    Sẽ công bố danh tính trên báo chí?
    Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên các trang web, TPCN được quảng cáo rầm rộ. Thậm chí, TPCN còn được thổi phồng công dụng "siêu đẳng" có thể chữa được cả bệnh nan y, ung thư giai đoạn cuối. Thậm chí, các loại TPCN bị làm nhái, làm giả, "đội lốt" sản phẩm ngoại nhập đang "làm mưa làm gió" trên thị trường.
    ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 15 cho biết, gần đây trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều TPCN có nguồn gốc từ Trung Quốc thẩm lậu về Việt Nam. Những mặt hàng này khi thẩm lậu vào trong nước lại được "hô biến" thành các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ, Nhật... nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Đáng chú ý, Đội vừa bắt giữ 24.000 viên trà giảm cân đóng trong 24 túi nilon đều in chữ Trung Quốc trên bao bì.
    Trước đó, nhiều sản phẩm được dán nhãn mác có xuất xứ từ Nhật, Mỹ, úc, gồm: Viên nở ngực Đào Hồng Đơn; nhau thai cừu Queen 9, sữa ong chúa Costar Royal Jelly, thuốc uống giảm cân; tảo spirulina Japan Algae Nhật Bản được lực lượng chức năng phát hiện đều là hàng mua trôi nổi ở Trung Quốc theo dạng ký về đóng gói, dán nhãn.
    Trước thực trạng TPCN không rõ nguồn gốc "đội lốt" hàng nhập ngoại vào thị trường cùng với việc các cơ sở kinh doanh quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, cục An toàn thực phẩm cần cung cấp danh tính của các đơn vị vi phạm để người dân không lâm vào cảnh "mù mờ" thông tin. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Văn Giang- Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho hay: "Theo quan điểm của bộ Y tế, những đơn vị vi phạm sẽ được công bố danh tính để đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải lỗi vi phạm nào cũng nêu danh tính (có những lỗi nhỏ, không do lỗi chủ quan-PV) vì khi nêu danh tính trên thông tin đại chúng là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp".
    Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết: Theo quy định, sau khi thanh tra, cục An toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra các đơn vị kinh doanh và "chốt" biên bản thì phía thanh tra sẽ mời doanh nghiệp lên làm việc. Đình chỉ có thể là đình chỉ tạm thời (đình chỉ tại chỗ-PV), sau đó trong khoảng thời gian từ 7- 30 ngày, doanh nghiệp giải trình và khắc phục theo quy định tại Điều 30 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Trong quãng thời gian đó, các doanh nghiệp không khắc phục được thì cục An toàn thực phẩm mới tiến hành công bố danh tính thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của người sản xuất, tên sản phẩm không phù hợp và mức độ không phù hợp của sản phẩm".
    Nhìn nhận về thực trạng TPCN được quảng cáo sai sự thật, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng Thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "TPCN là một trong những sản phẩm quảng cáo quá chất lượng thực của sản phẩm một cách khủng khiếp nhất. Những quảng cáo hấp dẫn trên các TPCN đã "đánh gục" sự tỉnh táo của người tiêu dùng. Điều nguy hại, hiện nhiều hãng TPCN còn liên kết với chính quyền các địa phương để tiếp thị sản phẩm. Hội đã nhận được những khiếu nại liên quan đến TPCN, thậm chí qua quá trình tiếp nhận hồ sơ, Hội đánh giá nhiều cơ sở quảng cáo có tính chất lừa đảo người tiêu dùng. Chỉ vì túi tiền, nhiều đơn vị không có trách nhiệm xã hội. Hội đã yêu cầu các doanh nghiệp bị phản ánh về chất lượng sản phẩm phải giải trình rõ ràng và chuyển khiếu nại đến cục An toàn thực phẩm xử lý nghiêm. Điển hình trước đây, sản phẩm Tâm Não khang từng được quảng cáo sai công dụng và sau đó sản phẩm này đã bị "biến mất" khỏi thị thường. "Theo tôi, bộ Y tế cần chỉ đích danh những đơn vị vi phạm, công khai danh tính trên các phương tiện truyền thông để người dân tẩy chay những đơn vị làm ăn gian dối", ông Tuấn nhấn mạnh.
    Trao đổi với PV, LS. Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho biết: "Việc các đơn vị quảng cáo quá sự thật được xem là một hành vi gián tiếp (người bị bệnh tật, tin theo sản phẩm mua về sử dụng-PV) làm kéo dài thời gian điều trị bệnh nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi, người sử dụng sản phẩm bị ảnh hưởng, thiệt hại  đến sức khoẻ- "mối quan hệ nhân quả" thì  mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quảng cáo sai sự thật là hành vi lừa dối khách hàng. Việc quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định về quảng cáo.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoang-mang-vi-50-co-so-kinh-doanh-tpcn-khong-dat-chat-luong-a40091.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cho phép bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng: Lợi thì có lợi…

    Cho phép bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng: Lợi thì có lợi…

    (Sức khỏe Online) - Bắt đầu có mặt tại Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, các loại thực phẩm chức năng (TPCN) chưa bao giờ "bùng nổ" như thời điểm hiện nay. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tính đến năm 2013 tại Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN và hiện có tới 10.000 loại TPCN đang lưu hành trên thị trường (trong đó có khoảng 40\% là nhập khẩu).