Cái tên Vũ Dũng đã không còn xa lạ với giới mỹ thuật Việt Nam thời gian gần đây. Họa sĩ trẻ Vũ Dũng (tên thật là Vũ Quốc Dũng) sinh năm 1982 tại Thanh Hóa, là một trong những cái tên nổi bật của làng hội họa đương đại Việt Nam.
Xuất thân ban đầu không phải từ ngành hội họa, Vũ Dũng tốt nghiệp Đại học Thiết kế Công nghiệp trước khi theo đuổi đam mê vẽ tranh. Tuy nhiên, đam mê mê nghệ thuật cầm cọ của anh bắt nguồn từ rất sớm. Để hiểu rõ hơn về họa sĩ Vũ Dũng, người kết hợp hội họa truyền thống và Zen (Phong cách Thiền của Nhật Bản, hướng tới một lối sống ung dung, chậm rãi, hoà hợp với vũ trụ và thiên nhiên), tôi đã có cuộc gặp gỡ với họa sĩ và nghe anh chia sẽ về những câu chuyện của mình. Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh trở thành họa sĩ trong khi ngành học của anh lại không liên quan tới hội họa. Họa sĩ Vũ Dũng chia sẻ:
“Dũng nhớ hồi đó khoảng 3,4 tuổi, cứ sau mỗi cơn mưa là mình lại chạy ra sân, nhặt cành cây rơi làm bút, vẽ nguệch ngoạc trên nền cát. Đôi lúc vào bếp phụ mẹ nấu ăn, cầm than vẽ những hình ảnh đơn giản lên tường Những lúc như vậy không biết xung quanh đâu, cũng thả hồn vào lắm. Nhưng mà kiểu gì cũng bị người lớn trong nhà trách mắng vì làm bẩn ra tường. Tuy nhiên con đường đến với hội họa không đến sớm. Bước vào giảng đường đại học, thay vì chọn hội họa, mình lại chọn ngành thiết kế, bởi lúc đó ngành này có tương lai, nhiều doanh nghiệp rất cần.
Nhưng mình không thấy được niềm vui khi đi làm, mình quyết định đi dậy mỹ thuật cho trẻ em tại các trường học. Cảm giác phiêu linh như hồi bé cầm cây vẽ chỉ trở lại trong 1 đêm ngồi soạn giáo án. Mọi thứ hiện ra trong tâm trí và tuôn trào qua những nét cọ. Từ đấy mình thấy: Chỉ có con đường hội họa, được trực tiếp vẽ, trực tiếp phiêu mới mang lại cho mình niềm hạnh phúc. “Khi Tâm khởi thì trùng trùng duyên khởi” sau đó mình thấy nghiệp hội họa mang lại cho mình nhiều điều tốt lành, hữu duyên gặp nhiều người có niềm yêu thích về cái đẹp.”
Theo họa sĩ trẻ chia sẻ hành trình nghệ thuật của anh gắn liền với sự truyền cảm hứng từ thiên nhiên. Năm 2018, anh đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và cảm nhận. Anh muốn tìm sự bình yên trong nội tâm, muốn lên núi hay đến những nơi vắng vẻ để suy ngẫm. Sau đó anh có giác như duyên số đã đến, may mắn được lên núi và đến Đà Lạt trong một khoảng thời gian. Từ đó trong suy nghĩ của anh bắt đầu nảy sinh ý tưởng xây dựng hình ảnh về thiền theo phong cách Châu Á kết hợp phật giáo một cách nhẹ nhàng, dễ dàng tiếp cận.
Họa sĩ Vũ Dũng hướng tới một hình tượng mang phong cách Phật giáo châu Á. Đó có thể là hình ảnh Phật hoặc Bồ Tát, hoặc một cao tăng. Anh kết hợp các ấn tay trong Phật giáo vào bản vẽ, mang tính biểu tượng, sử dụng phong cách vẽ của các nước châu Á, đôi khi lấy cảm hứng từ phong cách Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, tập trung vào mô tả chi tiết kiểu búi tóc, đường nét khuôn mặt thanh tịnh, trầm, chiêm nghiệm để thể hiện ý nghĩa giác ngộ.
Những tác phẩm zen của Họa sĩ Vũ Dũng mang hơi thở của sự an nhiên, tự tại, thể hiện qua nét vẽ thanh thoát, đơn giản và những màu sắc tương tự. Bởi vậy, những người có tâm hồn thư thái, thích một cuộc sống có trật tự đã yêu thích và sưu tầm các tác phẩm này. Khi nhìn vào chúng, họ có được cảm giác tĩnh lặng, nhẹ nhõm và cảm thấy gần gũi với triết lý của Phật giáo.
Zen đã trở thành nguồn cảm hứng cho Họa sĩ Vũ Dũng. Những tác phẩm tuy giản dị nhưng được chắt lọc từ sự động viên nội tâm và tâm trạng hoà hợp với cuộc sống. Chính vì vậy mà các bức tranh Zen đã tạo ra được ấn tượng mạnh đến mức những người xem cảm thấy an nhiên và tự tại khi chiêm ngưỡng chúng.
Họa sĩ Vũ Dũng không chỉ sáng tác những tác phẩm theo phong cách Phật giáo châu Á chứa đựng sự thanh tịnh và giác ngộ. Anh còn tạo ra những tác phẩm mang đề tài “tự tại”, lấy cảm hứng từ tượng Phật nhưng gần gũi với con người Việt Nam.
Theo Thời báo Văn học nghệ thuật
Link nguồn: arttimes.vn/my-thuat/hoa-si-vu-dung-su-hoa-quyen-giua-nghe-thuat-va-loi-song-thien-c15a32378.html