+Aa-
    Zalo

    Họa sĩ Chu Nhật Quang: “Gia đình là điểm tựa để tôi thỏa sức với sơn mài”

    (ĐS&PL) - Với Họa sĩ Chu Nhật Quang được sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật, đây là điểm tựa vững chắc để anh được thỏa sức với đam mê nghệ thuật sơn mài.

    Vẽ ở bất cứ nơi đâu có thể vẽ

    Những ngày tháng 9, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với chàng họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang (SN 1995, Hà Nội). Thoạt nhìn không ai có thể nhận ra Chu Nhật Quang lại là một chàng họa sĩ trẻ đa tài bởi anh không có phong cách bụi bặm như nhiều người làm nghệ thuật khác. Nhưng quả thật khi càng tìm hiểu, càng trò chuyện mới thấy ẩn sâu trong trái tim của người họa sĩ trẻ ấy là một niềm đam mê mãnh liệt dành cho nghệ thuật sơn mài.

    Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn - một hoạ sĩ đam mê khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá làng quê Bắc Bộ thông qua nghệ thuật sơn mài. Bố là NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long. Cứ thế, dòng máu nghệ thuật từ ông, cha từ sớm đã nuôi dưỡng, hun đúc tình yêu và niềm đam mê sơn mài truyền thống trong con người của Chu Nhật Quang.

    Bà Hồ Thị Cẩm Thạch (Mẹ của họa sĩ Chu Nhật Quang) cho biết, từ ngày còn rất nhỏ khoảng 3-4 tuổi con trai đã mê vẽ, vẽ ở nhà tập thể, vẽ lên tường và bất cứ đâu có thể vẽ là đều có nét vẽ của Quang.

    Bà Hồ Thị Cẩm Thạch chia sẻ về niềm đam mê hội họa của Chu Nhật Quang.

    Bà Hồ Thị Cẩm Thạch chia sẻ về niềm đam mê hội họa của Chu Nhật Quang.

     

     

    “Thích lắm, mê vẽ từ bé. Thấy con có năng khiếu nên chồng tôi cho con đi học các lớp vẽ, cùng với được ảnh hưởng các lối vẽ của ông nội, được ông nội dạy cách vẽ truyền thống của tranh sơn mài, nên niềm đam mê hội họa cứ ngấm dần trong Quang”, bà Cẩm Thạch chia sẻ về năng khiếu đặc biệt của con.

    Sau này, khi lớn lên Chu Nhật Quang có thời gian theo học hội họa tại Trường Santa Ana, California (Mỹ), tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc). Những tưởng quãng thời gian này Chu Nhật Quang sẽ rẽ hướng sang ngành thiết kế hoặc một lĩnh vực sáng tạo hiện đại, thế nhưng cái duyên với sơn mài vẫn âm ỉ cháy trong con người của Quang, chàng trai ấy đã lựa chọn quay về Việt Nam để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật sơn mài – loại hình hội họa mang bản sắc độc đáo của mỹ thuật Việt.

    Bà Cẩm Thạch bồi hồi nhớ lại, khi con trai đi du học về nước có một hôm Chu Nhật Quang mang về 2 tác phẩm đầu tay về tĩnh vật. “Khi cầm hai tác phẩm này về thì chồng tôi “sững sờ” và có nói với Quang “con đi theo nghiệp sơn mài”. Tôi dù không am hiểu về hội họa nhưng cũng rất xúc động với hai tác phẩm đầu tay của con. Nhưng chính bố - NSƯT Chu Lượng là người đã phát hiện, vun đắp và bồi dưỡng để cho Quang được thỏa sức với niềm đam mê nghệ thuật của mình”, bà Cẩm Thạch chia sẻ.

    Đắm đuối với nghệ thuật sơn mài

    Với Chu Nhật Quang, làm sơn mài và vẽ tranh sơn mài là một hành trình nghệ thuật nhằm tôn vinh, tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống. Quang dành hầu hết quỹ thời gian của mình để đắm đuối với sơn mài, anh vẽ, vẽ miệt mài không ngừng nghỉ, không có thứ Bảy, Chủ nhật. Cứ thế, đến nay dù còn trẻ nhưng Chu Nhật Quang đã sở hữu “khối tài sản khổng lồ” đó là 50 tác phẩm tranh sơn mài với các tác phẩm thấm đẫm giá trị hồn cốt văn hóa của dân tộc Việt.

    Chu Nhật Quang tâm sự: “Trong quá trình lớn lên, tôi được tiếp xúc thường xuyên với sơn mài nên đã có cái cảm và độ ngấm về loại hình này. Thế nhưng, để nhìn nhận thực sự về giá trị đích thực của sơn mài chính là thời điểm tôi đi du học xa quê hương. Trong thời gian đó, tôi được tiếp xúc và học tập biết thêm nền hội họa của thế giới điều đó đã giúp tôi nhận ra và trân trọng tất cả những giá trị của sơn mài Việt Nam mang lại”.

    Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang bộc bạch về quá trình làm và vẽ tranh sơn mài.

    Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang bộc bạch về quá trình làm và vẽ tranh sơn mài.

     

    Một ngày làm việc của Chu Nhật Quang sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng. Trước khi lên xưởng vẽ Quang dành ít thời gian để đọc các bài báo, xem tư liệu truyền hình về giá trị bản sắc văn hóa của Việt Nam. Đây là khung giờ cố định mà Quang đã tận dụng như một cách để có thêm kiến thức, cảm hứng trước khi đến xưởng tranh thỏa sức sáng tạo nghệ thuật với tinh thần thoải mái nhất.

    “Khoảng thời gian tiếp theo từ buổi sáng cho đến tận tối thì mọi công việc chỉ xoay quanh ngồi miệt mài lên tiếp các lớp màu cho bức tranh”, Quang nói.

    Chu Nhật Quang đắm đuối với các tác phẩm tranh sơn mài.

    Chu Nhật Quang đắm đuối với các tác phẩm tranh sơn mài.

     

    Theo lời của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang, sơn mài là chất liệu có nhiều khác biệt trong hội họa. Để hoàn thành một tác phẩm, người họa sĩ phải mất rất nhiều thời gian, trải qua quy trình nhiều bước, thậm chí phải kỳ công gấp nhiều lần so với các chất liệu mỹ thuật khác. Nhiều mồ hôi, công sức, đôi khi, họa sĩ còn không chủ động được về màu sắc trên bức tranh. Nhưng bù lại là những cảm xúc rất hồi hộp, thú vị và mong chờ.

    Để một bức tranh được hoàn thiện, riêng quy trình làm vóc sơn mài trên (gỗ), phải trải qua 10-11 công đoạn. Đầu tiên là “bồi vóc”, tức là bọc vải kín trên bề mặt, sau đó phủ sơn, rồi tiếp tục bọc vải, lại tiếp tục phủ sơn. Quá trình này diễn ra rất nhiều lần đảm bảo cho trong quá trình sử dụng vóc không bị nứt vỡ.

    Sau đó lại tiếp tục trải sơn đều trên mặt vóc, chờ sơn khô (1 ngày), dùng giấy giáp hoặc đá mài nhẵn bề mặt trước khi tiếp tục các công đoạn sau như: Sơn lót để tạo nền; sơn màu và sáng tác (vẽ hoặc chạm trổ các họa tiết trang trí trên bề mặt vóc, bằng các kỹ thuật như cẩn trứng, cẩn vỏ trai, hoặc khảm bạc, vàng); sơn phủ hoàn thiện.

    Mỗi bức tranh sơn mài trước khi hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kỳ công, kiên nhẫn của nghệ sĩ sáng tác.

    Cuối cùng, sản phẩm sẽ được mài và đánh bóng cho đến khi đạt được độ bóng và mịn hoàn hảo trên bề mặt. Riêng quy trình làm vóc sơn mài thường diễn ra trong khoảng 30 ngày (với tranh khổ dưới 80cm), hoặc 2 tháng (với tranh có khổ trên 80cm-1,2m). Trên 1,2m sẽ lên tới 3-4 tháng.

    Sáng tác tranh sơn mài là “sáng tác trong gian khổ”.

    Với họa sĩ Chu Nhật Quang, khi sáng tác tranh sơn mài anh cũng phải trải qua đầy đủ các công đoạn, quy trình như trên. Vì thế, mỗi tác phẩm để hoàn thành phải mất ít nhất 4-6 tháng, lâu có thể lên đến vài năm.

    Hiện bức tranh có thời gian làm lâu nhất của Chu Nhật Quang đã bước sang năm thứ 3 và đang đi vào hoàn thiện (có kích thước 1m8 x 1m2).

    “Chất” riêng trong tranh sơm mài của Chu Nhật Quang đó chính là ở cái “hồn” thông qua các câu chuyện được truyền tải qua từng tác phẩm của chàng họa sĩ trẻ. Hầu hết câu chuyện, chủ đề mà Quang mang vào tranh của mình đều gắn với nghệ thuật truyền thống, vẻ đẹp của phong cảnh đất nước, con người Việt Nam như các tác phẩm: “Đồng áng ở vùng cao”…

    Có thể thấy, những tác phẩm của Chu Nhật Quang đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, mang đến những khung cảnh làng quê Bắc bộ bình dị mà sâu lắng, thẫm đẫm hồn dân tộc.

    Họa sĩ Chu Nhật Quang: “Gia đình là điểm tựa để tôi thỏa sức với sơn mài” - 4

     

    Họa sĩ Chu Nhật Quang: “Gia đình là điểm tựa để tôi thỏa sức với sơn mài” - 5

     

    Họa sĩ Chu Nhật Quang: “Gia đình là điểm tựa để tôi thỏa sức với sơn mài” - 6

     

    Một số tác phẩm tranh sơn mài của Chu Nhật Quang.

    Một số tác phẩm tranh sơn mài của Chu Nhật Quang.

     

    Chu Nhật Quang tiết lộ, 50 tác phẩm sơn mài của anh sẽ được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long vào dịp 10/10 tới đây, triển lãm không chỉ là dịp để chàng họa sĩ trẻ giới thiệu những tác phẩm sơn mài Việt Nam tới công chúng yêu hội họa mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản văn hóa và đổi mới sáng tạo.

    “Thông điệp tôi muốn truyền tải thông qua triển lãm là đề cao tôn vinh các giá trị văn hoá nước nhà. Đây cũng là tiền đề để thúc đẩy sự tìm tòi thêm về những giá trị văn hóa, mạch nguồn dân tộc và các di tích danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó, có thể giúp tôi làm phong phú thêm bộ sưu tập tranh sơn mài của mình trong tương lai”, Chu Nhật Quang bộc bạch.

    Với họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang, để có thể nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài truyền thống, có được bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật “đồ sộ” như hiện nay thì gia đình chính là điểm tựa để anh tự do được thỏa sức sáng tạo.

    Cùng với đó, anh mong muốn thông qua các tác phẩm của mình sẽ góp phần nhỏ bé truyền cảm hứng cho các họa sĩ trẻ về niềm đam mê, tự hào về nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hoa-si-chu-nhat-quang-gia-inh-la-iem-tua-e-toi-thoa-suc-voi-son-mai-a465016.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan