Tại một số tỉnh, thành phố đang có tình trạng doanh nghiệp (DN) khuyến khích người lao động (NLĐ) lớn tuổi nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng bằng cách hỗ trợ “một cục”.
Đáng chú ý, nhiều người trong số hơn 80% lao động nữ trên 35 tuổi tại các khu công nghiệp sau khi bị đào thải hoặc tự nghỉ việc rất khó tìm được việc làm trở lại.
PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để làm rõ vấn đề này.
PV: Theo thông tin phản ánh, một số DN trên địa bàn các tỉnh phía Nam đưa ra chính sách khuyến khích NLĐ lớn tuổi nghỉ việc bằng khoản hỗ trợ với tên gọi khá hấp dẫn “ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc”, vậy thực tế tình trạng này trên cả nước diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Tôi khẳng định, tình trạng DN thải loại NLĐ sau tuổi 35 là có thật và đã diễn ra cách đây 7 năm. Một vài năm trở lại đây và đặc biệt năm nay, tình trạng này diễn ra phổ biến và rõ hơn. Hiện, chúng tôi chưa có số liệu cụ thể nhưng bằng các thông tin trong hệ thống công đoàn và hoạt động liên đoàn, quan hệ lao động của chúng tôi là khảo sát và điều tra ở 64 DN, các khu công nghiệp thì thấy, công nhân làm việc ở các DN thời gian trung bình 6 - 7 năm. Số lao động trên, độ tuổi lao động trung bình chỉ là 31. Lao động trên 35 tuổi rất ít.
Cùng số liệu bên bảo hiểm giải quyết chế độ thất nghiệp cho thấy, năm 2017, ở Hà Nội cũng có tình trạng DN có chính sách thải loại NLĐ lớn tuổi (sau tuổi 35 – PV). Sở dĩ có tình trạng trên vì chủ yếu họ là lao động trực tiếp làm trong các khu vực cường độ lao động cao. Mà những lao động trên 35 tuổi, sức khỏe, độ nhanh nhạy không tốt. Vì thế, để họ làm các công việc thiên về yếu tố khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới hay nhằm tăng năng suất lao động là điều khó. Trong lúc đó, chi phí về bảo hiểm xã hội, tiền lương, chi phí khác cao hơn. Từ đó DN điều chỉnh chính sách, có nhiều biện pháp đẩy những người này ra khỏi DN.
PV: Theo ông, thực trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cả NLĐ cũng như DN?
Ông Lê Đình Quảng: Có DN thỏa thuận với NLĐ lớn tuổi chi cho họ một khoản, kể cả khoản đó cao hơn quy định của pháp luật để NLĐ lớn tuổi ấy nghỉ việc. Tình trạng này đáng báo động do ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của NLĐ, cũng như chính sách an sinh xã hội và chính sách giải quyết việc làm bền vững. Số người này đưa ra khỏi DN sẽ rất khó có cơ hội tìm việc làm mới ở khu vực có quan hệ lao động. Trước tiên, họ tìm về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia bảo hiểm xã hội nữa và hầu hết họ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, việc thải loại NLĐ lớn tuổi ở nhiều DN như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn lực lao động. Vì tuổi lao động của nam giới đến 60 tuổi, nữ giới đến 55 tuổi, mà 35 tuổi ra khỏi khu vực lao động này nên rất lãng phí. Đồng thời sẽ còn rất nhiều vấn đề khác kéo theo.
PV: Vậy theo ông, để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần có những biện pháp như thế nào?
Ông Lê Đình Quảng: Có lẽ, về mặt pháp luật chúng ta phải xem xét sửa đổi theo hướng việc làm bền vững. Báo chí cũng có vai trò rất lớn trong việc truyền thông tăng cường vai trò xã hội của DN. DN phải có trách nhiệm xã hội với NLĐ đã gắn bó với mình từ thời tuổi trẻ. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho NLĐ hiểu bản chất vấn đề, vì nhiều NLĐ thấy lợi trước mắt khi DN đưa ra khoản trợ cấp cao hơn quy định của pháp luật để họ nghỉ việc mà không nghĩ tới lâu dài. Những đối tượng này rơi nhiều vào DN sử dụng đông lao động gia công chế biến yêu cầu kỹ thuật, trình độ không nhiều, đào tạo một vài ngày có thể thay được lao động cũ. Về mặt bảo hiểm xã hội, công đoàn cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để làm sao tất cả DN có thể chấm dứt hợp đồng lao động, thải loại người lao động trái quy định của pháp luật cần xử lý kịp thời. Tăng cường vai trò của công đoàn trong giám sát DN thực hiện các chế độ chính sách Nhà nước. Khi thay đổi cơ cấu công nghệ DN hoặc tự do kinh tế phải có phương án sử dụng lao động, muốn chấm dứt từ 2 lao động trở lên phải có phương án gửi cho cơ quan quản lý Nhà nước trước 30 ngày. Hầu như các DN “lách luật” để làm việc này.
Chính vì thế, việc tăng cường giám sát thực thi pháp luật cũng là một biện pháp giảm thiểu tình trạng nêu trên.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật