+Aa-
    Zalo

    Hồ sơ sai phạm của ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Sagri vừa bị đình chỉ công tác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng vừa bị UBND TP.HCM đình chỉ công tác do vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả.

    Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng vừa bị UBND TP.HCM đình chỉ công tác do vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành SAGRI.

    Chiều 12/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI) đối với ông Lê Tấn Hùng.

    Quyết định đình chỉ nêu rõ, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác vì đã có các sai phạm được Thanh tra TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước và Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận, thể hiện ông Hùng vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty SAGRI.

    Vay Euro về gửi ngân hàng

    Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI). Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

    Theo Kết luận Thanh tra Thành phố HCM, năm 2016 và 2017, SAGRI ký vay 3 hợp đồng ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam với số tiền là 11,3 triệu Euro, quy đổi thành VNĐ là 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động.

    Tuy nhiên, trái ngược với điều khoản được hai bên ký trong hợp đồng, sau khi nhận được tiền, SAGRI đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác. Tại thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro quy đổi tiền VNĐ là 299,722 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc phải trả ngân hàng là 24,995 tỷ đồng.

    Theo Kết luận Thanh tra TP.HCM, năm 2016 và 2017, SAGRI ký vay 3 hợp đồng ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam với số tiền là 11,3 triệu Euro, quy đổi thành VNĐ là 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động.

    Trong tháng 9 và 10/2016, SAGRI ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành. Mục đích khoản vay là góp vốn thành lập pháp nhân mới theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 83 ngày 13/5/2017 và hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 ngày 2/8/2016.

    Thực tế số vốn góp của SAGRI vào hai pháp nhân mới này đã được các đối tác giải ngân cho SAGRI vay không lãi suất trong thời gian 3 năm, do đó mục đích vay tiền góp vốn thành lập pháp nhân mới là không cần thiết. Sau khi có tiền, SAGRI đã đi gửi có kỳ hạn vào ngân hàng khác, sử dụng vốn sai mục đích. Con số thiệt hại do chênh lệch lãi suất đến nay chưa xác định được cụ thể.

    Kết luận cho thấy, tại các thời điểm ký hợp đồng vay tiền, “ngân khố” của SAGRI vẫn rủng rỉnh với một lượng lớn tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nên SAGRI đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết, làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.

    "Qua mặt" lãnh đạo Thành phố

    Ông Lê Tấn Hùng đã bị đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc SAGRI do có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Ảnh: Người Lao Động

    Theo Kết luận Thanh tra số 05 của Thanh tra Thành phố, ngày 28/12/2017, HĐTV SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở Phước Long B, quận 9 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).

    Điều đáng nói, SAGRI sử dụng 3,75ha đất hợp tác khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ chỉ là 28%, trong khi Tổng công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ lên tới 78%.

    Kết luận thanh tra chỉ ra SAGRI chuyển nhượng vốn góp là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú "nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường".

    Với dự án này, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng của Thành phố kiểm tra, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án, việc xác định giá trị chuyển nhượng, việc SAGRI cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do thay đổi quy hoạch dự án.

    Sai phạm của SAGRI tiếp tục xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò. Được biết, năm 2004, SAGRI liên doanh với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án Láng Le – Bàu Cò có quy mô 89ha, với tổng mức đầu 683 tỷ đồng. Năm 2010, SAGRI đã tự ý thay đổi đối tác từ Công ty Hồng Lĩnh sang Công ty cổ phần Phong Phú mà không có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố.

    Khu đất được UBND Thành phố giao cho SAGRI đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp có nguồn gốc từ đất công, thuộc trường hợp phải đấu giá khi chuyển đổi chủ đầu tư. Việc chuyển đổi chủ đầu tư được xác định là trái với quy định của Luật Đất đai.

    Trước đó, Thanh tra Thành phố cũng vào cuộc xác minh đơn tố cáo Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21%) đã bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2. Việc bán 36.617m2 giá bèo nói trên được xác định là trái quy định, vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.

    Trái quyết định của Thủ tướng

    Dự án phát triển nhà ở tại KP.4, phường Phước Long B mà SAGRI chuyển nhượng “giá bèo”. Ảnh: Thanh niên

    Theo kết luận số 387 của Kiểm toán Nhà nước, SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của SAGRI) từng ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719m2 (1.919ha). 

    Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn, (từ năm 2015 đến 2016), lãnh đạo SAGRI đã ký thành lập 3 pháp nhân mới để hợp tác kinh doanh trên diện tích hàng triệu mét vuông đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

    Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, ngày 9/12/2015, Tập đoàn Trung Thuỷ và Công ty Agrimexco (công ty 100 vốn của SAGRI) ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 463, thành lập Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri được thành lập, UBND Thành phố chưa ban hành quyết định phê duyệt danh mục các cơ sở phải di dời, Công ty Agrimexco chưa tính toán tổng mức đầu tư của dự án để đảm bảo khả năng tài chính. Đồng thời, việc góp vốn thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn theo Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng, thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định số 91 của Chính phủ.

    Sai phạm chưa dừng lại ở đó, từ năm 2015 đến 2017, SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794ha.

    Kết luận Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, công tác quản lý đất đai tại SAGRI cũng rất lỏng lẻo. Đối với đất giao khoán, qua kiểm toán cho thấy, diện tích đất giao khoán là 1.883ha với 774 hợp đồng giao khoán, trong đó có 417 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, không đúng với quy định của pháp luật hiện hành; 14 hộ gia đình, cá nhân có diện tích nhận khoán vượt hạn mức đất giao khoán theo quy định.

    Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tổng diện tích đất của SAGRI bị tranh chấp, lấn chiếm cũng lên đến 235.062m2.

    Đây là khu đất 650 ha tại huyện Củ Chi mà Sagri mang đi hợp tác trái pháp luật với Tập đoàn Trung Thủy

    Như vậy, tổng diện tích đất giao sai đối tượng, vượt hạn mức, bị lấn chiếm, chuyển nhượng, cho thuê lại và sử dụng để liên doanh, hợp tác đầu tư sai quy định pháp luật về quản lý đất đai, không đúng lĩnh vực mà SAGRI được phép đầu tư là rất lớn, gần 2 triệu m2, tương đương gần 2.000 ha.

    Mất 12 tỷ đồng tiền tạm ứng

    Kết luận Kiểm toán Nhà nước cũng như kết luận của Thanh tra TP.HCM cho thấy, SAGRI đã “ném” hàng chục tỷ đồng cho đối tác một cách rất dễ dãi. Theo đó, SAGRI và Công ty Đức Nguyên đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn để UBND tỉnh Đắc Lắc giao 4.000 ha đất tại huyện Ea Sup để trồng cao su. Sau khi ký hợp đồng, thực hiện uỷ quyền của SAGRI, trong hai năm 2011 và 2012, Công ty Bò sữa đã tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên 12 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh Đắc Lắc thu hồi chủ trương lập dự án của SAGRI, dự án bị dừng vô thời hạn.

    Mặc dù giải ngân số tiền lớn như vậy, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, SAGRI và Công ty Bò Sữa đã không có biện pháp yêu cầu Công ty Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.

    Sau khi nhận được 12 tỷ tạm ứng nhưng dự án bị dừng, SAGRI bắt đầu gửi văn bản thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Đức Nguyên vẫn không hề phản hồi. Và vì vậy, 12 tỷ đồng cũng chưa rõ thời điểm nào sẽ đòi lại được.

    Đầu tư thua lỗ

    Theo số liệu báo cáo, tình trạng điều hành bết bát, kém năng lực của ban lãnh đạo tại SAGRI cũng được thể hiện ở các công ty mà doanh nghiệp này tham gia góp vốn. Kết luận Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2017, SAGRI đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với tổng số vốn đều tư là 1.038 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cho thấy có 9/25 đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ, số lỗ luỹ kế của 10/25 đơn vị đến thời điểm 31/12/2017 là 382 tỷ đồng.

    Ký khống gần 20 tỷ đồng tiền đồng phục, cho nhân viên đi nước ngoài

    Theo Kết luận thanh tra số 38 của Thanh tra TP.HCM, trong 2 năm (2015, 2016), SAGRI chi hơn 5,8 tỷ đồng mua đồng phục cho người lao động trong tổng công ty. Tuy nhiên, Kết luận thanh tra số 38 khẳng định, đối với 5,2 tỷ đồng để trang bị đồng phục, lễ phục năm 2016 thì không có danh sách phát đồng phục, không có chữ ký nhận đồng phục, lễ phục của các các nhân có tên trong danh sách.

    Đặc biệt, từ ngày 3/10 đến ngày 1/11/2016, Tổng Giám đốc SAGRI đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga… với tổng giá trị 13,3 tỷ đồng. Thế nhưng, qua kiểm tra 10 người đang công tác tại Công ty Bò Sữa và 12 người đang công tác tại Công ty Cây trồng có tên trong danh sách đi nước ngoài do Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng ký thì không có người nào tham gia chuyến đi.

    Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP.HCM cũng xác nhận, 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

    Đặc biệt, để đối phó với sai phạm này, đoàn thanh tra nhận thấy Tổng Giám đốc Lê Tấn Hùng có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hoá vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-so-sai-pham-cua-ong-le-tan-hung-tong-giam-doc-sagri-vua-bi-dinh-chi-cong-tac-a279673.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan