UBND TP.HCM có quyết định đình chỉ công tác ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI).
Ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI). Ảnh: VTC News |
Theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều ngày 12/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI) đối với ông Lê Tấn Hùng, theo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Quyết định do Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký nêu rõ: "Đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, đã có các sai phạm được Thanh tra TP, Kiểm toán Nhà nước và Chủ tịch UBND TP kết luận đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty".
Ông Lê Tấn Hùng không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty.
Trước đó, ngày 21/2/2019, Thanh tra TP ban hành kết luận thanh tra số 05 về thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước, trong đó có sai phạm về đất đai và tài chính của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)…
Đối với việc sử dụng vốn vay sai mục đích, KTNN nêu cụ thể Sagri có 4 hợp đồng vay 11 triệu Euro và 150 tỷ đồng mục đích vay là bổ sung vốn lưu động nhưng lại chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Cụ thể, Sagri ký vay 3 hợp đồng ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam với số tiền là 11,3 triệu Euro, quy đổi thành VNĐ là 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Sagri đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác.
Do đó, tại thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro quy đổi tiền VNĐ là 299,722 tỷ đồng. Kết luận của Thanh tra TP.HCM sau đó khẳng định khẳng định chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc phải trả ngân hàng là 24,995 tỷ đồng.
Mặc dù có một lượng lớn tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nên Tổng công ty này đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết, làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Về quản lý và sử dụng đất đai, hàng nghìn ha đất do Sagri quản lý đã lần lượt bị “chia năm xẻ bảy”, sử dụng sai mục đích.
Cụ thể, năm 2016, Tập đoàn Trung Thuỷ và Sagri ký hợp đồng hợp tác và thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri với vốn điều lệ ban đầu là 164 tỷ đồng, trong đó Sagri đóng góp 36% vốn điều lệ (tương đương 59 tỷ đồng) và Tập đoàn Trung Thuỷ đóng 64% (tương đương 104 tỷ đồng). Pháp nhân mới này ra đời để thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi trên khu đất của Công ty Bò sữa.
Việc bàn giao đất cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND TP.HCM chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm quy định tại Điều 2, Quyết định công nhận quyền sử dụng đất số 5039, bởi Sagri "không được chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.
Riêng đối với trường hợp ông Lê Tấn Hùng- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI), thông tin trên VTC News, kết luận của Thanh tra thành phố chỉ ra 2 sai phạm của ông Lê Tấn Hùng về quản lý đất đai và điều hành Sagri. Trong đó, sai phạm liên quan đất đai đã xảy ra từ 2 nhiệm kỳ trước, còn sai phạm trong quản lý điều hành thuộc về ông Lê Tấn Hùng.
Bên cạnh đó, ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy - kế toán trưởng - có liên quan trực tiếp đến việc ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
UBND TP.HCM đã có quyết định kỷ luật ông Hùng bằng hình thức khiển trách, sau đó nâng lên cảnh cáo vì bị xác định vi phạm nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003.
Bạch Hiền (t/h)