+Aa-
    Zalo

    Hộ khẩu tỉnh có thể mua nhà ở thành phố Hồ Chí Minh không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người có hộ khẩu ở tỉnh có thể mua nhà ở TP Hồ Chí Minh được không? Nếu có, cần phải làm những thủ tục gì?

    (ĐSPL) - Người có hộ khẩu ở tỉnh có thể mua nhà ở TP Hồ Chí Minh được không? Nếu có, cần phải làm những thủ tục gì?
    Cho mình hỏi :
    Mình sống chung với gia đình, hộ khẩu ở tỉnh, mình không có hộ khẩu riêng, vậy mình có thể mua nhà ở TP Hồ Chí Minh được không?
    Vì mình muốn mua nhà riêng để ở khi có điều kiện, như vậy mình phải làm những thủ tục gì?
    Mình xin chân thành cảm ơn rất nhiều!

    Hộ khẩu tỉnh có thể mua nhà ở thành phố Hồ Chí Minh không?

    Xin tư vấn cho bạn như sau:
    Bạn không có hộ khẩu ở TPHCM, bạn vẫn có thể mua nhà ở TPHCM. Hồ sơ thủ tục như sau:
    Mua bán nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở
    Hồ sơ bao gồm:
    - Hợp đồng mua bán có chứng nhận của công chứng Nhà nước
    - Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở…
    - Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).
    - Đối với cá nhân là người Việt kiều còn phải kèm theo giấy tờ như: bản sao Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam
    Trình tự, thủ tục mua bán nhà ở:
    - Bước 1: Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và giấy tờ tuỳ thân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.
    - Bước 2: Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).
    Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.
    - Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
    - Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.
    - Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
    Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
    Mua bán nhà ở không có quyền sử dụng đất ở
    Về hồ sơ mua bán bao gồm:
    - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);
    - Hợp đồng mua bán nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;
    - Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở.
    Đối với cá nhân là người Việt kiều còn phải kèm theo giấy tờ như: bản sao Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam
    Về trình tự, thủ tục mua bán nhà ở
    Trình tự, thủ tục mua bán nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp mua bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần trên đây.
    Trong trường hợp này bên bán không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà bên mua chỉ phải nộp lệ phí trước bạ (bằng 1\% giá trị nhà ở theo quy định).
    Nếu bạn đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, bạn cần làm trước các giấy từ liên quan đến tạm trú hoặc thường trú để dễ dàng cho việc mua nhà sau này hơn.
    Để được cấp KT3 (đăng ký tạm trú dài hạn) cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ sau):
    a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);      
    b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6   Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp) gồm:
    - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
    - Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
    - Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
    - Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
    - Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
    - Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
    - Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
    - Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
    - Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
    c, Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú.          
    Trong trường hợp nếu không có một trong số giấy tờ ghi ở khoản b có thể làm văn bản cam kết về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng.
    Điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
    Cụ thể, công dân đang tạm trú nếu có đủ 3 điều kiện dưới đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
    1- Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương.
    Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.
    2- Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
    Trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các chỗ ở đó.
    Nghị định cũng nêu rõ, thời hạn tạm trú liên tục được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú là Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an.
    3- Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
    Riêng trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành TP Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
    5 trường hợp không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới
    Theo Nghị định, không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới, thuộc một trong 5 trường hợp:
    1- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng.
    2- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép.
    3- Chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau).
    4- Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    5- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Thời hạn đăng ký thường trú
    Nghị định nêu rõ, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
    Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.
    Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
    Luật Gia Đồng Xuân Thuận
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-khau-tinh-co-the-mua-nha-o-thanh-pho-ho-chi-minh-khong-a92191.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan