"Ngủ đông giữa mùa hè"
Hai năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có mang tên COVID-19. Những đợt dịch liên tục bùng phát khiến ngành du lịch gần như “đóng băng”, thiệt hại nặng nề.
Theo ước tính của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chỉ tính riêng năm 2020, ngành du lịch đã thiệt hại lên tới 23 tỷ USD do COVID-19.
Năm 2021 được kỳ vọng là ngành du lịch có thể từng bước phục hồi sau khi hứng chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Song, làn sóng COVID-19 lần thứ tư như bồi thêm cú đấm mạnh khiến ngành du lịch càng kiệt quệ, khó khăn chồng chất.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021 khách quốc tế đến Việt Nam ước tính chỉ đạt 105.000 lượt khách, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách quốc tế năm 2020 cũng là mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Tương tự, lượng khách nội địa 8 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đạt 31,2 triệu lượt với doanh thu hơn 136.000 tỷ đồng, giảm gần 5,5% về số lượt khách và gần 36,5% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2020.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Hộ chiếu vắc-xin và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ" do BizLIVE tổ chức, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đánh giá những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra vô cùng nặng nề.
Theo đó, Lào Cai có 5.000 doanh nghiệp trong đó có 400 doanh nghiệp du lịch, số lao động hoạt động trong lĩnh vực này là trên 14.000 người. Sau 4 đợt dịch COVID-19, lao động bị mất việc làm, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của cả tỉnh. Cả doanh thu và số du khách đến Lào Cai đều sụt giảm nặng nề, từ hơn 10.000 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 8.000 tỷ đồng năm 2020. Dự kiến sang năm 2021, doanh thu ngành du lịch chỉ còn 3.000 tỷ đồng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp không có bất cứ một khoản thu nào, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu tình trạng giãn cách tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp này cũng không thể trụ được.
“Theo dự tính, mùa hè năm 2021 sẽ là “mỏ vàng” để doanh nghiệp du lịch phục hồi sau một năm khó khăn chồng chất. Song, hiện tại đội du thuyền của công ty đang buộc phải “ngủ đông giữa mùa hè” vì không có khách”, ông Hà chia sẻ.
Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp gần như đều đã cạn kiệt nguồn lực và cần đến “ống thở” để duy trì sức khỏe doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo ông việc sớm trở lại trạng thái bình thường mới để các doanh nghiệp có thể dần hồi phục và phát triển kinh tế là rất cần thiết.
Đâu là giải pháp?
Vừa qua, Chính phủ có kế hoạch cho đón khách quốc tế tại Phú Quốc thông qua “hộ chiếu vắc-xin”. Theo đó, khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa có chứng nhận “hộ chiếu vắc-xin” sẽ được phép tới du lịch tại đảo Phú Quốc. Riêng khách quốc tế sẽ cần có thêm chứng nhận âm tính bằng xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ và đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành. Có thể nói, “thẻ xanh COVID-19” hay “hộ chiếu vắc-xin” là tia hy vọng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vực dậy sau gần 2 năm cầm cự.
Ông Đặng Mạnh Cường, Giám đốc CTCP Du lịch Mỹ An (Huế) cho rằng, việc áp dụng “thẻ xanh” và “hộ chiếu vắc-xin” sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của toàn bộ các doanh nghiệp nói chung và ngành du lịch nói riêng trong tương lai gần. Theo ông Cường, để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, cần triển khai ngay việc chứng nhận “thẻ xanh” cho người có đủ điều kiện. Đồng thời, sớm mở lại các đường bay quốc tế, tăng cường xây dựng các điểm đến của địa phương, triển khai các gói kích cầu du lịch, xây dựng các gói sản phẩm du lịch phong phú nhằm thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, xen giữa những kỳ vọng, vẫn còn đó những nỗi lo về nguồn lực để triển khai cũng như cần nhiều hơn các giải pháp đồng bộ mới có thể vực dậy ngành du lịch. PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” hay “thẻ xanh” là một điều kiện để mở ra cách cho người dân được đi lại, được tiếp xúc. Điều này là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Phu cũng lưu ý việc không nên quá đề cao những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vì bản chất của việc tiêm vắc-xin là giúp tránh các triệu chứng nặng dẫn đến tử vong, chứ không phải hoàn toàn không có nguy cơ nhiễm bệnh.
Đặc biệt, những người đã tiêm vắc-xin có thể đi lại trong những vùng có nguy cơ cao, nhưng cần cảnh giác là những người này vẫn có thể bị nhiễm bệnh và vẫn có khả năng lây nhiễm sang người khác.
Vì vậy, theo ông, với những địa phương đã đạt miễn dịch cộng đồng thì có thể thực hiện, còn các địa phương có tỉ lệ tiêm chưa cao thì cần cân nhắc thêm. Theo đó, cần đảm bảo việc mở cửa phải bền vững, không gây bùng phát dịch hay hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang cho rằng, "thẻ xanh" COVID-19 và "hộ chiếu vắc-xin" đang được kỳ vọng là phao cứu sinh cho ngành du lịch, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cần thận trọng.
“Để thực hiện tốt các biện pháp trên, đầu tiên cần chú ý phải phân vùng tiếp đón khách. Thứ hai, tất cả các khách sạn đón khách theo chương trình này phải được tiêm vắc-xin đủ hai mũi và nên áp dụng cho nhân viên ở lại luôn khách sạn không về nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng. Bên cạnh đó, các sân bay và vận chuyển cũng phải có lối đi riêng biệt phục vụ cho đối tượng khách này”, ông Sơn bày tỏ quan điểm.
Bàn thêm về những giải pháp kích cầu du lịch, ông Murali Viswanathan – Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon nhận định, khách nội địa vẫn là “bình thở” cho ngành du lịch nên cần tập trung vào khách nội địa trước.
Phương Ly
Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (151)