Sáng 14/1, trong buổi tọa đàm tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2024 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Lê Hiếu Giang, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói rằng hiện chưa có quy định nào cấm trường đại học dạy học cho học sinh THPT.
Chương trình giáo dục nghề nghiệp của nước ta đã tuyển sinh học sinh từ lớp 9. “Chúng tôi là trường tự chủ nên có quyền công nhận tín chỉ của các em học sinh phổ thông. Ở nước ngoài, các em học sinh được học phân luồng từ rất sớm. Có trường phổ thông công nghiệp, phổ thông kinh tế và các em được tiếp cận nghề nghiệp từ lớp 9. Ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp, vừa có chứng chỉ hành nghề. Việc này rất tốt cho tương lai của học sinh”, ông Giang nói.
Ông Giang giải thích thêm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ tổ chức dạy miễn phí những môn học nhập môn để học sinh hiểu thêm về ngành đã học, chứ không đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật. Việc này không ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của học sinh. Nếu học sinh tiếp tục học đại học tại trường Sư phạm Kỹ thuật thì sẽ được công nhận tín chỉ những môn học đó.
Trao đổi rõ hơn về việc chấp nhận tín chỉ của học sinh phổ thông, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), khẳng định, về mặt nhận thức học thuật, việc này không có vấn đề gì, nhất là với những môn học về nhập môn, như nhập môn kinh tế, nhập môn kỹ thuật. Tuy vậy, ở Việt Nam, khung pháp lý về vấn đề này chưa hoàn toàn đầy đủ.
Theo bà Thuỷ, số lượng tín chỉ tối thiểu được yêu cầu ở bậc đại học là 120 tín chỉ. Với trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân của nhà trường đều có số tín chỉ cao hơn con số này. Do đó, phần dôi dư ra đó có thể thiết kế những môn học phù hợp. Nhà trường có thể chấp nhận các tín chỉ với học sinh THPT, nhưng không được làm ảnh hưởng đến đến số lượng tín chỉ tối thiểu và đáp ứng đúng chuẩn đầu ra của môn học.
“Phải có quy định về số lượng tín chỉ, không được đào tạo quá nhiều để ảnh hưởng đến chương trình đào tạo chung. Vấn đề trên cho thấy pháp lý chưa theo kịp thực tiễn, nên luật cũng cần điều chỉnh dần cho phù hợp với thực tế”, bà Thủy nói.
Trước đây, tại Hội nghị thường niên năm 2023, được tổ chức sáng 22/12, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã thông tin về việc xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học.
Theo ông Vũ Hải Quân, năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của ĐH Quốc gia TP.HCM theo phương thức thực hiện trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Hình thức này sẽ được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu.
Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, hình thức này mở ra nhiều lợi ích cho học sinh có tài năng. Các em có cơ hội được tiếp cận với giáo dục đại học sớm, từ đó có thể hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn.
Ngoài ra, học sinh được định hướng nghề nghiệp, làm quen sớm với môi trường đại học. Sinh viên có thể rút ngắn thời gian học đại học tối đa khoảng 1 năm nếu trước đó tham gia học tập hình thức này.
"ĐH Quốc gia TP.HCM phải mạnh dạn làm vì Nghị quyết 45 đã nói ra phải tạo cơ chế chính sách vượt trội cho hai đại học quốc gia”, ông Vũ Hải Quân nói, theo Giáo dục và Thời đại.
Phương Linh(T/h)