Lợi dụng sự non nớt, không có điều kiện phản kháng của các bé gái, nhiều đối tượng đã có hành vi xâm hại tình dục các em. Hậu quả của sự việc sẽ khiến các em phải đeo mang suốt cả cuộc đời nhưng không phải kẻ phạm tội nào cũng bị đưa ra ánh sáng khiến nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đây là vấn đề nhức nhối dư luận, xã hội, nhiều người đã đặt ra câu hỏi làm sao bảo vệ con trẻ trước nanh vuốt của “yêu râu xanh”?
Luật sư của những bé gái bị “yêu râu xanh” xâm hại Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ: Thời gian gần đây, trẻ em bị xâm hại ở các khu nhà trọ chiếm tỉ lệ cao trong tổng số vụ mà hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tiếp nhận. Những người tưởng chừng thân thiết, họ hàng, ở nơi cứ ngỡ an toàn lại trở thành nơi nguy hiểm cho các bé gái.
“Yêu râu xanh” ẩn mình trong khu trọ
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư thuộc hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên ban Thường vụ hội Bảo vệ quyền trẻ em, bắt đầu câu chuyện bằng tiếng thở dài khi nhắc đến số vụ xâm hại trẻ em mà hội tiếp nhận trong mùa giãn cách xã hội vừa qua bằng năm 2017. Khoảng thời gian giãn cách xã hội, trẻ em không đến trường nhưng đa số cha mẹ vẫn phải đi làm. “Người lớn cứ nghĩ trẻ con ở nhà sẽ an toàn nhưng không, nơi an toàn lại trở thành chốn nguy hiểm nhất”, luật sư Ngọc Nữ cho biết.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. |
Nữ luật sư đơn cử một vụ việc vừa xảy ra trong khoảng thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh covid – 19 ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Cụ thể, một nhân viên làm ở khách sạn trong lúc rảnh rỗi, nhìn thấy có nhiều trẻ nhỏ ở nhà, nhà trọ mà không có người lớn quản lý. Người này lần lượt xâm hại nhiều cháu nhỏ mà không bị phát hiện. Một số cháu bị xâm hại nhưng gia đình không trình báo cơ quan chức năng mà lẳng lặng rời đi, chỉ có 5 nạn nhân thông báo cho cha mẹ. Biết chuyện, người thân của các bé tức giận, đến cơ quan công an trình báo. Ban đầu, người này còn quanh co chối tội nhưng hành vi của anh ta đã bị camera quay lại.
“Hiện nay, số vụ xâm hại trẻ em diễn ra nhiều nhất ở các nhà trọ. Ở khu vực có nhà trọ, nhiều phòng sát nhau, sinh hoạt của các bé dễ bị các đối tượng tội phạm xâm hại chú ý. Cha mẹ của các em lại tất bật với việc mưu sinh nên không có thời gian quan tâm con cái. Nhiều cha mẹ cho con gái ăn mặc hở hang, trẻ nhỏ có khi chỉ mặc áo không có quần. Các đối tượng lợi dụng mối quan hệ thân thiết ở khu trọ mà nảy sinh những hành vi xâm hại trẻ em khi có cơ hội”, luật sư Ngọc Nữ phân tích.
Luật sư Ngọc Nữ cho biết: “Vụ bé gái bị đến 4 người xâm hại ở khu trọ xảy ra ở phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM là một ví dụ xót xa. Mẹ của bé tin tưởng 1 người trong dãy trọ và thường gọi người này bằng ba, gọi vợ của ông bằng mẹ. Đi đâu, chị cũng gửi con gái cho ông bà này trông nom. Tuy nhiên, khi vợ ra ngoài, ông này ở nhà một mình với bé gái và cho bé xem phim đen rồi thực hiện hành vi xâm hại. Lúc này, bé mới 5 tuổi. Đến khi nghe con gái kể lại, chị này mới ngỡ ngàng nhưng không biết chứng minh hành vi phạm tội bằng cách nào. Chỉ đến khi bé bị người cuối cùng xâm hại, vụ việc mới được phát hiện. Người này hành nghề xe ôm, xâm hại bé gái 2 lần, bị bắt do có hình ảnh được camera ghi lại”.
“Người này thường xuyên chở 1 người đàn ông sống cùng dãy trọ với bé gái. Hằng ngày, khi chở khách qua phòng trọ của bé, hắn nảy sinh dục vọng rồi xâm hại bé gái”, luật sư Ngọc Nữ cho biết thêm.
Một vụ khác bé gái chỉ mới 2 tuổi 6 tháng 22 ngày bị gã hàng xóm sống ở phòng trọ đối diện xâm hại đến thủng trực tràng. Đối tượng thực hiện hành vi trong cơn “ngáo đá” và đã phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên hậu quả của hành vi thú tính ấy sẽ không thể nào xóa nhòa, bù đắp.
Tội phạm xâm hại dùng mạng ảo dụ dỗ trẻ em
Ngoài những nguy cơ hiện hữu ở nhà trọ, đối tượng lợi dụng mạng ảo để hẹn hò, dụ dỗ xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng xấu sử dụng tài khoản ảo mời gọi các em tham gia các chương trình sẽ được một số tiền lớn với điều kiện phải thoát y chụp lại ảnh khỏa thân, quay clip gửi cho đối tượng. Nhiều em có cuộc sống khó khăn, suy nghĩ non nớt, muốn giúp đỡ gia đình đã tự quay clip, chụp ảnh khỏa thân gửi cho kẻ xấu. Sau khi có hình ảnh nóng của trẻ, kẻ xấu sử dụng những thứ này để tống tình các em, nếu không chúng đe dọa sẽ tung ảnh, clip nhạy cảm lên mạng.
Nữ luật sư cho biết: “Với những vụ việc như thế, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm ra chứng cứ bởi các đối tượng xấu đã có sự chuẩn bị từ trước. Điển hình, vụ một bé gái bị đối tượng dụ dỗ đến nhà để lấy tiền thanh toán việc mua hàng qua mạng. Khi đến nơi, bé bị kẻ này hiếp dâm và quay phim lại”.
Sau đó, tên này tiếp tục sử dụng đoạn clip này tống tình bé gái, ép bé đi khách sạn. Sợ bị ba mẹ phát hiện, bé gái phải đi. Khi ra công an, tên này đã cắt toàn bộ đoạn video ghi lại cảnh xâm hại bé mà chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra đoạn clip quay cảnh bé gái đến khách sạn với mình. Đối tượng biện minh việc bé gái đến khách sạn đều hoàn toàn tự nguyện.
Nhiều vụ việc phức tạp khiến nữ luật sư trăn trở, ngủ không yên giấc. Ví như, vụ bé gái bị hiếp dâm nhưng giám định lại từ 14 tuổi thành 17 tuổi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trong vụ việc này, bà không yên lòng đến mức ăn Tết cũng không thấy vui. Đã vậy, khó khăn, phức tạp của vụ việc khiến bà mất lòng, đụng chạm nhiều người.
“Những vụ chứng cứ không thật mạnh mẽ nhưng tôi vẫn cố gắng đeo bám, tìm lại công bằng cho trẻ. Tôi có niềm tin nội tâm rằng, trẻ con không bao giờ nói dối, nhất là chuyện bị xâm hại. Khi tôi đấu tranh cho những đứa trẻ, tôi phải đánh đổi nhiều thứ khác như mất lòng với cơ quan điều tra, VKS,... nhưng tôi thấy xứng đáng”, luật sư Ngọc Nữ bày tỏ.
Cảnh giác với những kẻ mang danh người tốt Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh: “Hiện tại, trong những vụ việc chúng tôi tiếp nhận, đa số các bé sống trọ cùng gia đình. Khi cha mẹ đi làm, các em ở nhà một mình thì “yêu râu xanh” giả bộ vào chơi, rồi dâm ô, xâm hại. Hoặc, cha mẹ bận việc, nhờ người quen, họ hàng đưa đón con nhưng không ngờ các bé lại bị những người này xâm hại. Thêm nữa, tình trạng bạn bè của cha mẹ, họ hàng đến chơi, tìm cách tạo lòng tin rồi xâm hại trẻ cũng đáng lo ngại. Không hiếm trường hợp con gái bị người tình của mẹ xâm hại...”. |
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (115)