Bang Massachusetts (Mỹ) có một hệ thống giao thông công cộng rất thuận tiện gồm tàu điện ngầm, ô tô buýt, tàu ngoại tỉnh nối thành phố Boston - thủ phủ của bang và các thành phố lân cận (commuter rail), phà, tàu thuỷ và xe đưa đón tận nhà cho người lớn tuổi hoặc người khuyết tật.
Ga tàu Xanh. |
Tàu điện ngầm là phương tiện phổ biến và phục vụ một số lượng hành khách không nhỏ. Nhịp sống của thành phố gắn liền với tàu điện ngầm. Thời chưa có smart phone, trong toa tàu, dù đông, dù vắng, ai cũng cầm một cuốn sách chăm chú đọc. Kể cả những ai không có chỗ ngồi, cũng một tay nắm dây, hoặc bám vào cột, một tay cầm sách, mắt dán vào trang sách theo nhịp lắc lư của con tàu. Tàu điện ngầm giống như một thành phố thông minh, nhộn nhịp dưới lòng đất. Hành khách hồ hởi chào nhau, chuyện trò với nhau, rồi chia tay nhau bằng những lời chúc một ngày tốt lành hoặc hẹn gặp lại. Nhiều khi họ trở thành bạn bè chỉ vì hàng ngày gặp nhau ở bến tàu.
Hệ thống tàu điện ngầm gồm có 5 đường mang tên theo màu sắc của con tàu và nhà ga: Tàu Đỏ, Tàu Xanh biển, Tàu Xanh lá cây, Tàu Cam và Tàu Bạc. Mỗi cái tên đều có nguồn gốc gắn liền với lịch sử của thành phố. Đường tàu kết thúc tại đại học Harvard mang tên “Red - Tàu Đỏ” – vì màu của đại học Harvard là màu đỏ sẫm. Đường tàu chạy ra phía tây của thành phố Boston là nơi có nhiều cây xanh, được gọi là đường tàu “Green – Tàu Xanh lá cây”. Đường ra sân bay quốc tế Logan, có một đoạn đi dưới lòng biển, được mang tên “Blue – Tàu xanh biển”. Còn đường Tàu Cam thì chạy dưới lòng đất, nơi bên trên là con phố có tên “Ogrange – màu cam”. Đường Sylver – Tàu Bạc, mới xây dựng sau này, thực chất là đường ô tô chạy ra sân bay, không thấy ai nói tới vì sao nó có tên gọi như thế.
Covid – 19 làm đảo lộn hết mọi trật tự. Hình ảnh nhộn nhịp của các ga tàu điện ngầm nay không còn nữa. Ga vắng tanh không một bóng người. Ngay sau khi thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 10/3/2020, các trường học đóng cửa, nhiều công ty, cơ quan cho nhân viên làm việc ở nhà trừ những người bắt buộc phải đi làm như nhân viên y tế và dịch vụ thiết yếu. Tàu điện ngầm bị cắt chuyến từ 5 -7 phút/chuyến sang 10-15 phút/chuyến, ngay lập tức gặp phải sự phản đối của hành khách vì ít chuyến sẽ dẫn đến đông người trong toa và nguy cơ lây lan virus rất cao. Sau một ngày, tàu chạy trở lại như lịch cũ, nhưng mỗi bến chỉ có 1-2 người lên xuống, trong toa chỉ có 3-4 người. Về mặt kinh tế – là một sự lãng phí khủng khiếp. Về nguy cơ lây lan trong tàu điện ngầm thì không thể lường trước được vì coronavirus có thể sống trong không khí chừng 3 giờ, và trên bề mặt kim loại chừng 2-3 ngày. Đã có nhân viên lái tàu bị nhiễm virus mặc dù hành khách đã không được phép lên tàu tại cửa trước nơi người lái tàu ngồi, như thông lệ, mà phải lên cửa giữa hoặc cuối toa. Lại có một bệnh nhân “xổng” khỏi bệnh viện, nhao vào Tàu Cam ngày 28/3/2020, liếm bên trong tàu, khiến cho đường tàu này ngừng hoạt động và hành khách – những người không thể không đi làm, sẽ hốt hoảng không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cơn bão dữ dằn này. Ngành giao thông công cộng khuyến cáo người dân không nên đi tàu nếu không thực sự cần thiết.
Bến Kendall MIT |
Tàu điện ngầm không chỉ là phương tiện đi lại, nó còn là một nét văn hoá của thành phố. Ga tàu Kendall MIT – là nơi ghi lại các mốc lịch sử của thành phố Cambridge, (trước kia có tên gọi là Newtown) và của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Hành khách trong khi chờ tàu có thể đọc thông tin trên tường như đứng trong viện bảo tàng. Giờ đây, tiếng loa thông báo giờ đến giờ đi, tiếng tàu vào ra, ngược xuôi, tiếng bước chân hối hả của một thành phố trí tuệ như thuộc về quá khứ xa xăm... Với tình trạng “đại dịch” tại Massachusetts mà tổng thống Donald Trump vừa ban bố hôm nay, chưa biết khi nào thành phố thông minh dưới lòng đất sẽ hồi sinh trở lại. Nhưng chúng ta luôn có quyền hy vọng vào một ngày không xa.
Cambridge, 28/3/2020