Bày cách bùng nợ
Sự nở rộ của các app (ứng dụng) cho vay tiền online đi kèm với thủ tục vay dễ dành, đơn giản, giải ngân nhanh chóng đã góp phần hình thành một bộ phận người chuyên tìm cách bùng nợ. Chỉ cần gõ tìm kiếm “Hội bùng app”, trên mạng xã hội đã xuất hiện la liệt hội nhóm (group). Đáng chú ý là các group này dù là nhóm công khai hay riêng tư (nhóm kín) đều có số lượng thành viên đông đảo, từ vài nghìn đến vài chục nghìn người.
Hầu hết thành viên của các nhóm này đều đã có kinh nghiệm vay tiền qua app, thậm chí là nhiều app với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, mỗi bài đăng của các thành viên mới đều nhận được vô số lời tư vấn nhiệt tình nhằm bùng khoản nợ đã vay song vẫn tiếp tục lấy được tiền từ các ứng dụng cho vay.
Thành viên T.N trong “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” có hơn 10.000 người vô tư khoe chiến tích: “Đã bùng Senmo, Tamo, Vamo, Oncredit, dtĐồng, Atm Online, robocash, 7 app nhỏ H5 citycredit (15-45 ngày). Ấy vậy hôm nay đăng ký webvay nó vẫn giải ngân cho 1 triệu”.
Một tài khoản có tên X.B.M hưởng ứng: “Bình thường nhé, mình bùng ổ H5 30 con, các con tự động, ổ vdong, ổ siêu đồng, max đong. Bùng được gần 2 tháng rồi thế mà vẫn vay webvay, takomo, cần vay, hiway, uni, cashbee, cashbery, f6668,… đầy luôn”.
Tồn tại nhiều hội nhóm bùng nợ vay tiền qua app online với số lượng thành viên đông đảo.
Ghim ngay đầu trang trong phần thảo luận, nhóm này đã có bài chia sẻ mẹo vay tiền cho các thành viên mới. Theo đó, để được giải ngân dễ dàng, người vay cần đăng ký lương tầm 7-12 triệu đồng theo tuổi của bản thân sao cho phù hợp, lưu ý đừng khai quá cao. Lần đầu vay chỉ khoảng khoảng 500.000–1.000.000 đồng thì khả năng được duyệt cao, nên chọn công việc ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, quản lý, bác sĩ hoặc công nhân… Rồi lên mạng tìm kiếm và điền bừa tên một đơn vị công ty nào đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là người vay cần chụp CMND/CCCD đủ sáng, rõ nét nếu không sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. Tài khoản ngân hàng phải chính chủ, trùng với CCCD/CMTND…
Bên cạnh những người rất “may mắn”, dù đã bùng nhiều app nhưng vẫn tiếp tục được giải ngân những khoản vay mới thì cũng có không ít người ngậm ngùi khi mới chỉ vay đôi lần đã không thể nào vay tiếp. Tuy nhiên, những khoản “tiền tươi thóc thật” mà không cần bỏ sức lao động vẫn luôn có sức hút và con nợ một khi đã “bất cần” thì sẵn sàng trao đổi thông tin cá nhân, nhờ những người may mắn hơn vay tiền, nếu được giải ngân 2 bên chia nhau.
“Em mới vay 2 app mà tạch hoài, ai cần em cho mượn CCCD, số tài khoản và ảnh. Vay được em xin tý vào bờ thôi”, tài khoản H.K đăng bài mời gọi.
Ngoài ra, thị trường này còn có bộ phận bùng nợ khá chuyên nghiệp gắn mác “nhà đầu tư”. Theo đó, những người này góp vốn hoặc đầu tư 100% để trả khoản nợ cũ để được giải ngân khoản vay mới có giá trị lớn hơn. Sau đó hai bên bùng nợ và ăn chia số tiền kiếm được.
Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội), những trường hợp lợi dụng app vay tiền để bùng nợ, nếu đủ căn cứ chứng minh, các đối tượng có thể bị xử lý theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. |
Nhiều hệ lụy
Mặc dù việc vay tiền qua app dễ dàng với thủ tục đơn giản, song người vay cần phải cung cấp những thông tin cá nhân như CMTNN/CCCD, số tài khoản chính chủ, số điện thoại người tham chiếu là người thân trong gia đình, lãnh đạo nơi làm việc… Thậm chí, có app còn có thể truy cập được toàn bộ danh bạ của con nợ. Chính vì thế, khi bùng nợ, các con nợ cũng gặp phải nhiều hệ lụy phiền toái.
Tài khoản N.T, thành viên trong nhóm “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” chia sẻ: “Em vay ổ h5, ổ vay home, ổ ví liên hoa, ổ cây phát tài, ổ vạn phú với loạt app và web lẻ. Tính đơn lẻ ra cũng trên 40 con. Ban đầu cần tiền, tính vay 1-2 con rồi trả, nhừng ai biết đâu chữ ngờ, rồi cái này gánh cái kia lên cả trăm triệu. Tới khi quá tải thì bắt đầu trả chậm và bị đe dọa, rồi cày danh bạ, gửi ảnh, đăng ảnh lên mạng xã hội.
Cũng tính chỗ nào nhẹ nhàng tử tế thì thu xếp trả dần, nhưng tới ngày mùng 1 đầu tháng không biết bên nào cày danh bạ em và chửi… liêm sỉ em vứt bỏ luôn từ đó. Khi không dọa được nữa thì chúng quay sang nhẹ nhàng bảo giãn nợ với cả trả gốc. Giờ sau 2 tháng, mọi thứ đã giảm chỉ còn một số cuộc gọi tự động. Em khuyên các bác, nếu đã các định bùng thì coi như điếc”.
Thành viên trong “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” khoe “chiến tích” bùng app.
Một tài khoản khác có tên H.N.S cũng cho biết: “Em bị 10 hôm dội điện thoại, tổng trên 30 app, số tiền lên cả trăm triệu rồi. Em chặn số các kiểu nên chúng không làm gì được, giờ nó quay sang gọi điện đe dọa người thân rồi gửi video lúc em đăng ký vay tới 529 số điện thoại trong danh bạ. Nhưng giờ thì hết liêm sỉ rồi, chẳng quan tâm làm gì hết, vẫn đi lại bình thường gặp mọi người, ai nói thì cười coi như điếc, đến nước này rồi phải chai mặt và lì”.
Mặc dù một số thành viên trong nhóm cho rằng, việc bùng nợ còn có thể khiến người vay bị liệt vào danh sách nợ xấu và không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, những hệ lụy trên vẫn không đủ sức ngăn cản “đam mê bùng nợ” bởi con nợ có nhiều cách để có thể tiếp tục vay tiền khi có một bộ hồ sơ mới nhờ mở tài khoản ngân hàng mới, ghép ảnh, chỉnh sửa CMTND/CCCD, làm mới thẻ nhân viên, hóa đơn chuyển khoản, giấy phép lái xe, cavet xe…
Nhan nhản app lừa đảo, cho vay lãi suất cao
Ngoài những chiến tích bùng nợ thì nhiều thành viên của nhóm “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” cho biết đã bị mất oan một khoản tiền đặt cọc nhưng không được vay tiền và bị chặn liên lạc.
Cụ thể, để vay 1.500.000 đồng từ app ví liên hoa, tài khoản N.X.Đ phải chuyển khoản đặt cọc số tiền 600.000 đồng, tuy nhiên sau khi chuyển khoản xong, người này bị chặn liên lạc và cũng không vay được tiền từ ví liên hoa.
Thị trường xuất hiên nhiều app cho vay tiền online từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu, thậm chí là tiền tỷ.
Hay như app money, đối với mọi khoản vay, ứng dụng này đều yêu cầu người vay phải đóng 10% để thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều thành viên của nhóm cho biết, app này lừa đảo, sau khi chuyển tiền người vay vẫn không được giải ngân.
Một số thành viên thì than rằng, app cho vay lấy lãi quá cao. L.H.N cho biết vay app senmo 1.000.000 đồng, sau 12 tháng số tiền phải trả là 1.500.000 đồng, sau khi thanh toán đủ, app sẽ được nâng hạn mức vay lên 4.000.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi thanh toán xong nợ cũ, app sẽ không giải ngân khoản vay mới.
Theo quy định của khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này sẽ phạm vào tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật hình sự 2015, và khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của app và phần lãi suất tối đa là 20%.
App money yêu cầu người vay phải đóng 10% để thẩm định hồ sơ.
Liên quan đến hoạt động vay tiền qua app, phía Bộ Công an từng lên tiếng khẳng định ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.
Việc vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ.
Do đó, Bộ Công an khuyên người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…).