Năm 2006, bà Wojcicki- người đang phụ trách Google Videos và các thương vụ thâu tóm vô tình xem được video hai chàng trai Trung Quốc hát nhép ca khúc "As Long As You Love Me" của nhóm nhạc Backstreet Boys.
Hai chàng trai say sưa hát nhép bất chấp bạn cùng phòng đang làm bài tập ở phía sau vô cùng hài hước.
Thời điểm này, đại gia Google "để mắt" tới YouTube- một startup Silicon Valley chưa có gì trong tay.
"Đó là video khiến tôi nhận ra, 'Ồ, mọi người khắp thế giới đều có thể sáng tạo nội dung mà không cần phải ở trong studio”, bà Wojcicki chia sẻ tại một sự kiện.
Một suy nghĩ loé lên trong đầu bà và 6 tháng sau, bà dẫn đầu nỗ lực thâu tóm YouTube của Google trị giá 1,65 tỷ USD. Bà yêu thích YouTube từ khi xem video ấy và bản thân bà trở thành CEO vào tháng 2/2014.
Số tiền hơn 1,6 tỷ USD khi đó dường như quá lớn so với một startup mới 1,5 năm tuổi. Vài nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Google “bị hớ” và điên rồ vì phải gánh quá nhiều trách nhiệm với YouTube. Chính Google cũng thừa nhận YouTube chưa xứng đáng với số tiền bỏ ra vào thời điểm mua lại.
Đáng nói, thời điểm thông tin này được tung ra, YouTube vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tài chính và pháp lý, khiến nhiều người đã gọi Google là "gã khờ".
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đây là thương vụ đem lại núi tiền khổng lồ cho Google. Từ một nền tảng chưa có gì trong tay, chưa có nguồn thu nhập nào, ngày nay, YouTube đã trở thành "đế chế" video trực tuyến.
Chỉ riêng năm 2020, YouTube đã mang về 20 tỷ USD, tương đương 11% tổng doanh thu Alphabet (công ty mẹ Google). YouTube có hơn 2 tỷ người dùng tích cực hàng tháng và là website được truy cập nhiều thứ hai thế giới.
Chia sẻ của CEO YouTube còn thú vị ở chỗ người Trung Quốc đã mang Google và YouTube lại với nhau nhưng hiện giờ Google lại đang bị chặn ở Trung Quốc.
Bạch Hiền (t/h)