Thời gian gần đây, cái tên Hồ Văn Cường đang là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên trên các nền tảng tìm kiếm, mạng xã hội của Việt Nam.
Quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí năm 2016" được dư luận quan tâm do những ồn ào xung quanh mâu thuẫn chuyện tiền cát-xe 5 năm đi hát của Hồ Văn Cường và công ty quản lý.
Chiều ngày 11/10, nam ca sĩ cùng bố mẹ nhận toàn bộ tiền cát-xê, tiền thưởng lúc đăng quang từ quản lý cố nghệ sĩ Phi Nhung. Ngoài ra, công ty cũng tặng thêm cho gia đình nam ca sĩ 500 triệu đồng như đúng lời hứa của mẹ nuôi trước đó. Giọng ca sinh năm 2003 cũng tuyên bố tách khỏi công ty, tự lập, ra sống riêng.
Ngay sau đó, Hồ Văn Cường cũng đã đăng bức tâm thư khá dài để giải thích về mọi chuyện, đồng thời tuyên bố rời khỏi công ty của người mẹ nuôi quá cố cũng như trả lại các kênh mạng xã hội.
"Hiện Facebook cá nhân, Fanpage và YouTube của con đều thuộc quyền sở hữu của công ty nên con xin được được gửi trả lại. Con sẽ thông báo cho mọi người khi con có Facebook và Fanpage mới".
Đáng chú ý, sau gần 1 ngày thông báo, mới đây, cư dân mạng phát hiện ra kênh Youtube Hồ Văn Cường chính thức "bay màu" sau lùm xùm cát-xê.
Khi truy cập vào đường link trang chủ Youtube của kênh Hồ Văn Cường thì lại hiện lên dòng thông báo "Kênh này không khả dụng".
Kênh YouTube của Hồ Văn Cường được lập ngày 3/8/2016. Theo thống kê từ SocialBlade, kênh này có thể mang về cho con nuôi Phi Nhung từ 2.000 - 32.700 USD/tháng, tương đương với 45,5 triệu - 744 triệu đồng.
Tính theo doanh thu 1 năm, kênh YouTube mà Hồ Văn Cường trả lại công ty có thể mang đến thu nhập từ 24.500 USD - 392.500 USD (tương đương khoảng 557.6 triệu - 8,9 tỷ đồng.
Dù thông tin chưa được phía Hồ Văn Cường hay công ty quản lý xác nhận nhưng cư dân mạng vẫn chia sẻ rầm rộ.
Nhiều người cho rằng nếu con số này là thật thì số tiền kiếm được từ kênh YouTube là một nguồn thu nhập cố định không nhỏ. Tiền kiếm được từ YouTube do công ty quản lý và Hồ Văn Cường liệu có được nhận phần doanh thu nào từ nguồn nảy hay không?
Cũng phải nói lại, bảng danh sách thống kê của Social Blade này dựa trên nhiều yếu tố và tiêu chí để xếp hạng: số lượng theo dõi (subscribers), số lượng video được đăng tải trong kênh, tổng lượt xem video trên kênh, các thông số tăng giảm cũng như doanh thu ước tính từ kênh YouTube đó cũng như điểm số đánh giá riêng từ chính Social Blade về "chất lượng" của toàn kênh.
Các số liệu Social Blade đưa ra là độc lập, và đến từ một bên thứ ba, không phản ảnh thực chất con số thu nhập của một kênh YouTube.
Theo nhiều chuyên gia về công nghệ, con số SocialBlade đưa ra chỉ khớp với một số trường hợp nhất định, còn lại mọi thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chứ không chính xác 100%.
Bạch Hiền (t/h)