Cổng thông tin điện tử Chính phủ Nga Obyasnyaem.rf cho biết, Oreshnik là loại IRBM duy nhất hiện được sử dụng trong biên chế quân đội Nga. Oreshnik có cả phiên bản hạt nhân và phi hạt nhân.
Oreshnik có tầm hoạt động tối đa 5.500km và có thể bay với vận tốc Mach 10 (tương đương 12.400km/h) và có thể mang được đầu đạn có trọng lượng 1,5 tấn.
"Ở phiên bản hạt nhân, Oreshnik có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với tổng sức công phá lên đến 900 kiloton (gấp 45 - 50 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945)”, cổng thông tin cho biết.
Nếu được khai hỏa từ bãi thử Kapustin Yar trên lãnh thổ Nga, Oreshnik chỉ mất 17 phút để bay tới trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, 15 phút tới căn cứ không quân Mỹ Ramstein ở Đức và 11 phút tới căn cứ tên lửa Mỹ Redzikowo ở Ba Lan.
Ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố sức mạnh tấn công của tên lửa đạn đạo Oreshnik mới của Nga tương đương với một vụ va chạm thiên thạch. Ông nói thêm rằng vũ khí siêu vượt âm này có khả năng tấn công thành công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chủ nhân Điện Kremlin tiết lộ Moscow có một số tên lửa như vậy trong tay và đã bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống vũ khí tiên tiến này.
"Vụ tấn công của Oreshnik giống như một thiên thạch lao xuống. Chúng ta biết từ lịch sử nơi thiên thạch đã rơi xuống và hậu quả là gì. Những hồ nước nào đã được hình thành", nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Theo RT, một trong những hồ miệng núi lửa va chạm lớn nhất thế giới - Hồ Manicouagan ở Canada - có cấu trúc nhiều vòng với đường kính lên tới khoảng 100km. Đường kính vòng trong của nó là khoảng 70km.
"Nếu bạn sử dụng nhiều tên lửa như vậy trong một cuộc tấn công cùng một lúc - 2,3,4 quả - thì sức mạnh của nó sẽ tương đương với một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng nó không phải là vũ khí hạt nhân vì nó có độ chính xác cao và nó không được trang bị thiết bị nổ hạt nhân. Nó không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng sức mạnh của nó sẽ tương đương", ông Putin tuyên bố.
"Bất cứ thứ gì nằm trong trung tâm tấn công đều bị xóa sổ thành các hạt nguyên tố, biến thành bụi", nhà lãnh đạo cho hay.
Tổng thống Nga đồng thời khẳng định Oreshnik là “tên lửa không thể bắn hạ”.
Thông tin chi tiết về Oreshnik được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự Ukraine leo thang với việc Kiev tiếp tục sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Trong hai vụ việc gần nhất vào các ngày 23/11 và 25/11, đòn tập kích ATACMS của Ukraine vào bang Kursk của Nga đã làm hư hại radar của tổ hợp phòng không S-400, khiến một số quân nhân Nga thương vong. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã kiểm soát tình hình tại những khu vực bị tập kích và "đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa".
Trước đó, hôm 21/11, Nga phóng Oreshnik tấn công Nhà máy chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn nhất Ukraine đặt tại thành phố Dnipro, để đáp trả việc Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa ATACMS vào lãnh thổ Nga. Quả đạn Oreshnik mang theo nhiều đầu đạn và đánh trúng mục tiêu ở Dnipro với tốc độ cao.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nhận định tên lửa Oreshnik trong vụ tập kích Dnipro mang 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 quả đạn con. Thời gian bay của tên lửa từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan của Nga đến Dnipro là 15 phút, với tốc độ ở pha cuối là trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h).
Báo RiaNovosti của Nga khi đó cũng tiết lộ, các đầu đạn từ Oreshnik sau khi đánh xuống mặt đất ở Dnipro không gây ra các vụ nổ lớn. Tờ này đề cập khả năng đầu đạn được sử dụng trong vụ tập kích đầu tiên là loại đạn rỗng, không mang khối nổ, nhằm mục tiêu thử nghiệm và răn đe.