Một báo cáo nội bộ về tình hình vốn góp của PVC vào PVC Hà Nội cho thấy, dưới thời điều hành của Trịnh Xuân Thanh, PVC đã không chuyển 106,6 tỷ đồng tiền vốn góp cho PVC Hà Nội. Đây là nguyên nhân khiến công ty này luôn thiếu vốn là 120 tỷ đồng do tài sản PVC góp vốn đến nay không thu hồi được.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2014 của Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) có ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty CP xây lặp dầu khi Hà Nội (PVC Hà Nội) PVC HN 107 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính này không có phần chi tiết của khoản đầu tư. Theo giải thích, từ tháng 12.2014, PVC không còn nắm giữ quyền kiểm soát đối với PVC Hà Nội, tỷ lệ biểu quyết của PVC tại các công ty này cũng chiếm từ trên 20% đến dưới 50%. Tính đến thời điểm 31.12.2013, tỷ lệ vốn góp của PVC tại PVC Hà Nội là 36%. Theo đó, khoản đầu tư vào các công ty này được phân loại sang đầu tư vào công ty liên kết.
Dưới thời Trịnh Xuân Thanh, PVC đã không góp vốn theo đúng như báo cáo, khiến PVC Hà Nội luôn bị thiếu vốn là 120 tỷ đồng
Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình góp vốn của PVC tại PVC Hà Nội, tính đến cuối năm 2012, PVC góp vào 55 tỷ đồng vào PVC Hà Nội. Tổng hợp các loại tài sản vốn góp, thì tổng giá trị tài sản mà PVC Hà Nội nhận từ tài sản góp vốn từ PVC thực tế bị giảm đi 120 tỷ đồng.
Vì vậy, phần vốn của PVC ở PVC Hà Nội tại thời điểm 31.12.2009 (chỉ tính các loại tài sản nêu trên là âm 51,6 tỷ đồng, chứ không phải dương 68,4 tỷ đồng như quyết định 599/QĐ-XLDK ngày 31.5.2010 của HĐQT PVC. Như vậy, để PVC Hà Nội được ghi nhận khoản vốn góp là 55 tỷ đồng của PVC thì PVC phải chuyển cho PVC Hà Nội là 106,6 tỷ đồng.
“PVC không những chưa chuyển số tiền trên mà còn buộc PVC HN ghi nhận phải trả PVC là 13,4 tỷ đồng để thanh toán công nợ về sau”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng cho biết, theo quyết định số 599/QQD-XLDK thì PVC Hà Nội (nếu chỉ tính riêng cho các loại tài sản nêu trên) luôn thiếu vốn là 120 tỷ đồng do tài sản PVC góp vốn đến nay không thu được.
“PVC Hà Nội chưa đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng làm tăng chi phí lãi vay phải trả do việc thiếu vốn trên, ước tính con số này vào khoảng 60 tỷ đồng”, báo cáo viết.
Không những thế, PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh đã khiến Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) phải hứng chịu những khoản nợ có khả năng mất trắng.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015 của PVN đã cho thấy mối quan hệ giữa PVN và PVC. PVC khiến PVN hứng chịu khoản nợ có khả năng mất trắng lên tới gần 2.100 tỷ đồng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, những khoản nợ xấu chính của PVN lên tới 6.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ xấu của PVN tại PVC lên tới gần 2.100 tỷ đồng. PVN cho rằng đó là “các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày”.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015 của PVC, tổng công ty này ghi nhận tổng nợ phải trả là 2.687 tỷ đồng. Có thể thấy, số tiền PVC nợ PVN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của PVC.
Hồi cuối năm 2014, con số này “chỉ” là 1.793 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa nợ xấu của PVN tại PVC phát sinh thêm hơn 300 tỷ đồng trong năm 2015. PVN không nêu rõ khoản nợ của PVC phát sinh từ những giao dịch nào.
Khả năng PVN lấy lại toàn bộ khoản nợ này từ PVC là rất thấp vì hiện tại, PVC trong tình trạng khá bê bết. Tại thời điểm cuối quý II.2016, lỗ lũy kế của PVC là 2.919 tỷ đồng. Trước đó, công ty này đã trải qua thời gian dài thua lỗ triền miên.
Mặc dù PVC sở hữu lượng tiền lên tới 903 tỷ đồng nhưng do nợ dài hạn của công ty lên tới 2.081 tỷ đồng nên tổng công ty này khó xoay xở.
Trần Giang
Nguồn: Dân Việt
Video đang được xem nhiều: [mecloud]iu83eUcd9z[/mecloud]