Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ mới đây cho biết, những số liệu do Lầu Năm Góc thống kê chỉ ra rằng Nga có thể đã chi tới 211 tỷ USD để trang bị, triển khai và duy trì quân đội cho các hoạt động ở Ukraine. Moscow cũng đã tổn thất hơn 10 tỷ USD do việc hủy hoặc hoãn bán vũ khí.
Quan chức này cho biết thêm, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến ít nhất 20 tàu hải quân cỡ vừa và cỡ lớn của Nga bị đánh chìm ở Biển Đen, khoảng 315.000 quân nhân nước này thiệt mạng hoặc bị thương. Mức tăng trưởng kink tế dự đoán đến năm 2026 của Nga cũng được cho là đã giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ USD do xung đột.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ cũng thừa nhận trong giai đoạn chiến sự hiện tại, Ukraine mới là bên rơi vào tình thế bấp bênh chứ không phải Nga. Nguyên nhân là do sự không chắc chắn trong nguôn viện trợ từ phương Tây cũng như việc chiến sự tiếp tục kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao.
Sau nhiều tháng chiến đâu, lực lượng Ukraine ngày 17/2 đã buộc phải tuyên bố rút lui khỏi Avdiivka – thành phố cửa ngõ quan trọng của tỉnh Donetsk để bảo toàn lực lượng và vũ khí, đặc biệt là kho đạn dược vốn đang dần cận kiệt. Kiểm soát hoàn toàn Avdiivka cũng được nhận định là bước tiến lớn nhất của Nga sau khi họ giành được Bakhmut hồi tháng 5/2023.
Quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nhận định, chiến tuyến trì trệ phần lớn do tình trạng thiếu đạn dược, vốn ngày càng trầm trọng hơn kể từ cuối năm ngoái khi Lầu Năm Góc hết ngân sách để viện trợ cho Ukraine đồng thời cảnh báo rằng các vấn đề ở Avdiivka có thể không dừng lại ở đó.
"Chúng tôi coi đây là điềm báo trước cho những gì sẽ xảy ra nếu Lầu Năm Góc không nhận được khoản ngân sách bổ sung này", quan chức Mỹ cho biết khi đề cập đến khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine trị giá 60 tỷ USD mà Nhà Trắng đề xuất từ năm 2023.
Thượng viện Mỹ gần đây thông qua dự luật bao gồm khoản viện trợ nói trên. Tuy nhiên, dự luật được cho là khó có thể thông qua Hạ viện khi vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Cộng hòa đang chiếm phần đa và nắm quyền kiểm soát cơ quan này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 21/1 cho biết ông hiện chưa có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về dự luật do Nhà Trắng đưa ra. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 19/2 cho biết quân đội Nga đã tập trung lực lượng dự bị tối đa và đang lợi dụng sự chậm trễ trong việc viện trợ Ukraine để tiến công.
"Tình hình cực kỳ khó khăn ở một số nơi trên tiền tuyến, nơi quân đội Nga đã tích lũy tối đa lực lượng dự bị. Họ đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine. Và đây là những vấn đề rất rõ ràng. Thiếu hụt pháo binh”, ông Zelensky nói đồng thời thừa nhận Ukraine cần thêm đạn pháo và các vũ khí có tầm bắn xa hơn dành cho lực lượng phòng không ở tuyến đầu.
Phương Uyên (Theo Reuters và Defense News)