Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc, do dòng họ Ái Tân Giác La lập ra, trải qua 12 đời vua và kéo dài trong 276 năm. Đây cũng là vương triều thứ hai được thành lập bởi một dân tộc thiểu số có nguồn gốc từ Mãn Châu.
Thanh triều tới giai đoạn trị vì của các hoàng đế Khang Hi, Ung Chính và Càn Long có thể coi là đã đạt tới đỉnh cao thịnh vượng và là chủ đề được khai thác nhiều nhất trong tiểu thuyết lẫn phim ảnh.
Hình tượng các vị hoàng đế nhà Thanh thường được xây dựng đầy uy nghi, khiến hậu cung 3000 giai lệ phải tính đủ mọi mưu kế để "tranh sủng".
Theo các tài liệu lịch sử, phi tần trong hậu cung thời nhà Thanh được chia thành 8 bậc, chỉ được phép có 1 Hoàng hậu, 1 Hoàng quý phi, 2 Quý phi, 4 Phi, 6 Tần. Các cấp bậc thấp hơn gồm Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng không giới hạn số lượng nhưng cũng không thể tùy tiện lựa chọn.
Đặc biệt, khi chế độ quản lý hậu cung đã đạt tới mức hoàn thiện và chặt chẽ nhất, thì đời sống chi tiêu của những phi tử nơi cung cấm cũng được quy định hết sức rạch ròi. Mỗi năm, các phi tần đều nhận được nhận bổng lộc khác nhau tùy theo cấp bậc.
Cụ thể, hoàng hậu có địa vị cao nhất hậu cung sẽ được nhận bổng lộc hàng năm khoảng 1000 lượng bạc, ước tính khoảng 400.000 NDT (tương đương 1,3 tỷ đồng).
Cao thứ hai là Hoàng Quý phi- chức vụ được ví như "Phó Hoàng hậu" trong cung sẽ được hưởng 800 lượng bạc mỗi năm, tương đương khoảng 320.000 NDT/năm (khoảng 1 tỷ đồng).
Tiếp đến là Quý phi. Các vị Quý phi trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp phát 600 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương khoảng 240.000 NDT/năm (khoảng 800 triệu đồng).
Với những người ở tước vị Phi tử sẽ bắt đầu có sự phân hóa rõ hơn khi chỉ nhận được bổng lộc bằng một nửa so với Quý phi là 300 lượng bạc, tương đương 120.000 NDT/năm (khoảng 400 triệu đồng).
Những người thuộc hàng Tần thường được cấp phát 200 lượng bạc mỗi năm, tương đương 80.000 NDT/năm (khoảng 268 triệu đồng).
Sau Tần là Quý nhân. Quý nhân trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp 100 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương 40.000 NDT/năm (xấp xỉ 134 triệu đồng).
Tiếp đến là vị trí Thường tại. Những người thuộc hàng Thường tại nhận bổng lộc mỗi năm chỉ vỏn vẹn 50 lượng bạc trắng, tương đương 20.000 NDT/ năm (xấp xỉ 67 triệu đồng).
Đứng cuối trong danh sách những phi tần có chức vị trong hậu cung là các Đáp ứng. Họ chỉ nhận được 30 lượng bạc để chi tiêu cho cả năm, tương đương 14.000 NDT/ năm (xấp xỉ 47 triệu đồng).
Bên cạnh số bổng lộc được xem như tiền lương kể trên, mỗi phi tần ở các thứ bậc khác nhau sẽ được hưởng những đãi ngộ khác nhau về nhu yếu phẩm. Số vật dụng này sẽ bao gồm trang sức, lụa gấm, ngọc trai, cung nữ thái giám hầu hạ…
Ngoài ra, vào dịp sinh nhật của mỗi phi tử, nhà vua sẽ ban thưởng cho họ quà tặng là những lễ vật riêng. Trong các dịp lễ tết, những phi tần có con đều được Hoàng đế phát "hồng bao".
Mức bổng lộc kể trên được coi là “mức cơ bản” trong suốt triều đại nhà Thanh. Riêng thời Càn Long, có lẽ do thừa hưởng thành quả quá lớn từ cha là Hoàng đế Ung Chính và ông nội là Hoàng đế Khang Hi, bổng lộc của nữ nhân trong cung có chút ít thay đổi.
Ghi chép vào năm Càn Long thứ 16, lúc này Phú Sát Hoàng hậu đã qua đời, Nhàn Phi năm nào giờ đã được tấn phong dần lên vị trí trung cung Hoàng hậu, mức ngân lượng của các phi tần nhận được như sau:
Na Lạp Hoàng hậu: 1 ngàn lượng bạc, 13 cung nữ
Thuần Quý phi, Gia Quý phi: 600 lượng bạc, 8 cung nữ
Thư Phi: 300 lượng bạc, 7 cung nữ
Du Phi, Lệnh Phi: 300 lượng bạc, 6 cung nữ
Di Tần, Uyển Tần, Khánh Tần, Dĩnh Tần: 200 lượng bạc, 6 cung nữ
Thận Quý nhân, Lâm Quý nhân: 100 lượng bạc, 4 cung nữ
Bách Thường tại, Quỹ Thường tại, Ngạc Thường tại: 50 lượng bạc, 3 cung nữ
Chính sự phân biệt đãi ngộ về cấp bậc như trên đã trở thành một trong những lý do khiến các mỹ nhân nơi hậu cung sẵn sàng tranh giành, đấu đá mong nhận được sự sủng ái của Hoàng đế.
Mộc Miên (T/h)