Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty nhà nước và tư nhân. Ngoài ra, Forbes cũng đánh giá nhiều tài sản khác bao gồm sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền và nhiều loại tài sản khác.
Tuy nhiên Forbes cũng thừa nhận "không biết hết sổ sách cá nhân của các tỷ phú, dù một số có cung cấp". Do đó, khi không có giấy tờ làm căn cứ, đơn vị này sẽ trừ vào tài sản ước tính.
Ngoài các tiêu chí định lượng về số cổ phần và giá cổ phiếu, Forbes cũng cho biết các phóng viên của tạp chí này sẽ đến gặp và phỏng vấn các ứng viên trong danh sách tỷ phú, cùng những người có liên quan như nhân viên, đối thủ, luật sư và các chuyên viên phân tích từ các công ty chứng khoán.
Forbes cũng theo dõi những thỏa thuận mua bán tài sản, chuyển nhượng bất động sản, mua sắm các tác phẩm nghệ thuật của các ứng cử viên. Những việc này giúp xác định tính hợp lý của việc định giá tài sản.
“Dù chúng tôi làm công việc này (xếp hạng các tỷ phú, triệu phú) từ rất lâu, nhưng đây chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Các phóng viên của chúng tôi đào bới rất sâu và đi rất xa”, Forbes thừa nhận trên trang web của mình khi công bố danh sách tỷ phú năm 2013.
Những tiêu chí định tính này có thể là nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt trong việc định giá tài sản của các tỷ phú, tạo ra sự khác nhau giữa Forbes và những đơn vị cùng công bố danh sách tỷ phú đôla.
Theo báo Tuổi trẻ, trong lịch sử xếp hạng tài sản các tỷ phú, năm 2009, tạp chí Forbes gây xôn xao dư luận khi đưa vào danh sách các tỷ phú tự làm ra tài sản (chứ không phải thừa kế) cái tên Joaquin “El Chapo” Guzman Loera - 1 “bố già” ma túy ở Mexico. Năm đó, Forbes xác định Guzman Loera có 1 tỷ USD. Chính quyền Mexico đã chỉ trích Forbes “so sánh các hoạt động đáng ghê tởm của một tên tội phạm bị truy nã ở Mexico và nước ngoài với công việc của các doanh nhân lương thiện”.
Ngoài tạp chí Forbes, hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg cũng thiết lập Chỉ số tỷ phú (Billionaires index) từ năm 2012 để theo dõi giá trị tài sản của 20 người giàu nhất thế giới. Phương pháp tính của Bloomberg cũng có những điểm tương tự Forbes. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những cách tính này có chính xác hay chỉ là phỏng đoán?
Trên báo New York Times, cây bút tài chính Kevin Roose bình luận định giá tài sản là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi rất nhiều tỷ phú có những khoản đầu tư lớn và phức tạp, một số công khai nhưng một số bí mật. Kể cả với cách tính chi tiết như trên thì các con số tài sản mà Forbes và Bloomberg công bố trên thực tế đều chỉ là “tài sản trên giấy tờ” - có thể xác định bằng phương pháp toán học dựa trên số liệu, thông tin công khai nhưng thay đổi chóng mặt hằng ngày.
Nhà báo Kevin Roose dẫn chứng: theo danh sách tỷ phú Forbes 2012, ông chủ Tập đoàn Zynga Mark Pincus sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD. Forbes nhân 112 triệu cổ phiếu của ông Pincus trong Zynga với mức giá 14,35 USD/cổ phiếu tính theo ngày 14/2/2012 - ngày Forbes chốt giá cổ phiếu để tính tài sản. Cộng với các tài sản khác mà ông Pincus có như nhà, xe, cổ phiếu các công ty khác... Forbes đưa ra con số 1,8 tỷ USD. Thế nhưng, ngày 15/2 giá cổ phiếu Zynga giảm còn 11,8 USD/cổ phiếu. Nếu dựa trên con số ngày 15/2, tổng tài sản của ông Pincus chỉ là 1,5 tỷ USD!
Để tăng sự chính xác, cả Forbes lẫn Bloomberg còn phỏng vấn trực tiếp các tỷ phú. Tuy nhiên, sự lên tiếng của các tỷ phú lại có thể dẫn đến một nguy cơ khác: nói dối.
Chẳng hạn, năm 2012 một tỷ phú châu Á muốn Forbes thay đổi ngày chốt giá cổ phiếu để tính tài sản vì hôm đó giá cổ phiếu của ông ta quá thấp. Hay một tỷ phú ở Mỹ Latin muốn tạp chí tăng giá trị tài sản của ông ta lên dựa trên một khối tài sản ông khẳng định là trị giá 3 tỷ USD, nhưng lại chưa hề tạo ra chút lợi nhuận nào.
Vân Anh(T/h)