Theo Tri Thức Trực Tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân 38 tuổi, sinh sống ở vùng cao, bị nang sán nội tuỷ ngang đốt sống C7.
Bệnh nhân kể cách đây khoảng 1,5 tháng thấy tê yếu hai chân. Bệnh tiến triển ngày càng nặng với các biểu hiện bí tiểu tiện, liệt gần như hoàn toàn 2 chân. Lúc này, người nhà mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra. Được biết, người bệnh có thói quen ăn gỏi, đồ sống.
TS.BS Nguyễn Khắc Hiếu, khoa Ngoại thần kinh, thông tin sau khi thăm khám, hội chẩn, tổn thương của người bệnh được nghĩ đến là nang sán nội tủy ngang đốt sống C7 và quyết định phẫu thuật.
Kết quả phẫu thuật đúng như hội chẩn trước mổ, bệnh nhân được lấy bỏ nang sán, giải ép thần kinh. Sau ca phẫu thuật, người bệnh đã có những tiến bộ về vận động và cảm giác hai chân.
Bệnh lý ký sinh trùng ở hệ thần kinh trung ương là bệnh lý thường gặp tại các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh kém. Trong các loại ký sinh trùng hệ thần kinh trung ương, nang sán dây lợn là bệnh lý thường gặp nhất. Bệnh gặp chủ yếu trên não, tại tủy sống chỉ chiếm từ 1,5-3%.
Tùy vị trí của nang sán trong tủy, biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau như yếu liệt tứ chi nếu tổn thương tủy cổ; đau buốt, yếu chân nếu tổn thương vùng thắt lưng cùng. Điều trị chính là nội khoa với thuốc Mebendazol, chỉ định phẫu thuật khi có chèn ép thần kinh.
Theo các chuyên gia, bệnh lý ký sinh trùng có thể chữa khỏi nhưng nếu tổn thương ở các vị trí quan trọng của thần kinh trung ương như não, tủy sống thì sẽ dẫn tới những tổn thương thần kinh nặng nề, chẩn đoán khó khăn. Nếu bệnh nhân được điều trị cơ bản cũng khó hồi phục được hoàn toàn.
VietNamNet dẫn lời khuyến cáo của bác sĩ Hiếu cho biết người dân cần giữ vệ sinh tay chân, hạn chế thói quen ăn sống, ăn gỏi. Đây là con đường đưa mầm bệnh ký sinh trùng vào trong cơ thể. Khi thấy các biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân cần được thăm khám, điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm, thần kinh.
Đinh Kim(T/h)