Chiều 29/8, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi có đề xuất từ các địa phương và ý kiến của các bộ ngành, Chính phủ đã đồng ý bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ tại 4 tỉnh bị thiệt hại do vụ xả thải của Formosa.
Chính phủ vừa đồng ý bổ sung các chủ tàu, đối tượng làm thuê trên các tàu cá công suất trên 90cv được hỗ trợ sau vụ xả thải của Formosa. Ảnh: Ngọc châu. |
Theo đó, Chính phủ đã đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu, đối tượng làm thuê trên tàu cá công suất trên 90 CV; chủ cơ sở, người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ thủy sản, có kho đông, kho lạnh; cơ sở làm nước mắm, mắm tôm; các cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tạm dừng sản xuất do ô nhiễm môi trường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Cũng theo ông Oai, trong chiều 29/8, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn ngư dân ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường. Theo đó, trên biển, các địa phương tổ chức hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt bình thường, nhưng phải lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP) hải sản khai thác.
Hải sản trước khi đưa từ tàu lên bờ (ở các cảng cá, bến cá, nơi lên cá) sẽ được lấy mẫu giám sát với tần suất 2-3 ngày/lần. Các chỉ tiêu phân tích là cadimi, chì, thủy ngân, phenol, xyanua. Các mẫu phải đảm bảo đại diện cho hải sản trên tàu, tầng sinh thái (tầng đáy, tầng nổi) và các loài hải sản khác nhau (cá, giáp xác, nhuyễn thể).
Với các lô hàng có mẫu bị phát hiện các chỉ tiêu cadimi, chì, thủy ngân vượt mức theo quy định và mẫu phát hiện có tồn dư phenol, xyanua, địa phương cần cảnh báo ngư dân về khu vực khai thác có mẫu phát hiện không bảo đảm ATTP.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản lưu ý, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, là nơi cư trú của các loài thủy sản, khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại 3 khu vực như Bộ TN&MT cảnh báo.
Đó là vùng Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2 và Hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế), cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2. Bộ NN&PTNT sẽ thông báo tọa độ cụ thể của 3 khu vực trên, sau khi có công bố của Bộ TN&MT.
Đồng thời, ngư dân 4 tỉnh trên không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngư dân có thể nuôi trồng thuỷ sản bình thường ở vùng nước mặn, nước lợ đối với tất cả các phương thức nuôi: nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm... nhưng theo hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát ATTP.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, diêm dân có thể sản xuất muối bình thường, đồng thời, cơ quan chức năng địa phương phải lấy mẫu giám sát định kỳ (1 lần/tháng) các chỉ tiêu: cadimi, chì, thủy ngân, arsen, phenol, xyanua.
Với khoảng 3.900 tấn hải sản tạm trữ tồn kho ở 4 tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Những lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm phải cấp giấy chứng nhận an toàn để lưu thông; còn nếu không đảm bảo, sẽ tiêu hủy và hỗ trợ theo quy định (được hỗ trợ 70\% giá trị lô hàng). |
Nguồn: Tiền Phong
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]dtboTnU0mx[/mecloud]