+Aa-
    Zalo

    Giọt nước mắt hạnh phúc của người từng bị đày nơi “địa ngục trần gian”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi bị đày ra Côn Đảo,phần lớn những người tù đều không dám nghĩ đến ngày bản thân sẽ được trở về đoàn viên với gia đình. Thế nhưng, đã có chuyện cổ tích xảy ra.

    (ĐSPL) - Khi bị đày ra Côn Đảo, phần lớn những người tù đều không dám nghĩ đến ngày bản thân sẽ được trở về đoàn viên với gia đình. Thế nhưng, câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích đó đã trở thành hiện thực đối với ông Châu và bà Cúc.

    Cưới xong là chạy giặc...

    Năm nay đã ở tuổi 86 và từng trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng ông Phạm Ngọc Châu (ngụ khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Hàng ngày, sau khi tự tay chăm sóc vợ, ông đi bộ sang làng bên thăm người thân.

    Mấy hôm nay, bà Lê Thị Cúc (81 tuổi, vợ ông Châu) bị cảm. Mỗi buổi sáng sớm, ông thường ra vườn hái lá chanh, lá ổi, rồi cây sả để nấu cho bà nồi lá xông. Vừa hái, ông vừa nói: “Mấy hôm nay trở trời nên bả mệt. Hái lá buổi sớm còn sương để xông là tốt lắm”.

    Ông Châu và bà Cúc là người cùng quê. Họ gặp rồi yêu nhau khi cùng tham gia phong trào cách mạng tại xã Hòa Vinh. Năm đó ông Châu 24 tuổi, là đội trưởng đội Du kích của xã Hòa Vinh, còn bà Cúc mới 19 tuổi đang tham gia phong trào phụ nữ. Đám cưới của họ diễn ra một cách vội vã trong những ngày binh lửa.

    “Hai bên gia đình định ngày cưới là 19/12 Âm lịch (nhằm tháng 1/1954) nhưng ngày 16 Âm lịch thì Pháp mở chiến dịch Átlăng nhảy dù xuống sân bay Đông Tác (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), cả xã ai cũng phải chạy đi tản cư. “Ngày cưới, nhà trai thì có mấy anh cán bộ xã ở lại bám trụ làm đại diện, còn nhà gái thì có 4 người. Bả mặc đồ bà ba, đội nón lá như đi làm đồng. Cưới xong là chạy giặc. Bả đi tản cư trên núi, còn tôi thì ở lại bám trụ địa phương”, ông Châu bồi hồi nhớ lại ngày trọng đại của hai vợ chồng.

    Mãi đến tháng 7/1954, khi Hòa Vinh ngừng tiếng súng, cặp vợ chồng trẻ mới được gặp lại nhau. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang vì những ngày tháng sau đó đối với ông Châu lại gắn liền với ngục tù. Địch đến chiếm vùng Hòa Vinh và thực hiện chiến dịch “Tố cộng” - bắt những người đang hoạt động cách mạng. Ông Châu được tin tưởng giao nhiệm vụ ở lại vùng địch để vận động tổng tuyển cử.

    Ông kể: “Năm 1955, tôi bị quản thúc 3 năm ở xã. Sau đó bị bắt giam ở thị xã Tuy Hòa. Địch không moi được gì nên năm 1961, tôi được thả. Ngay trong đêm đó, tôi không về nhà mà chạy ra căn cứ ở miền đông Tuy Hòa 1. Ngay sáng hôm sau, địch bắt cả gia đình tôi để tiếp tục quản thúc. Đến năm 1963, tôi về lại Hòa Vinh để xây dựng cơ sở và tổ chức được nhiều trận tấn công vào đồn địch. Ngày 3/1/1965, tôi bị địch bắt khi đang ở dưới hầm. Sau 4 tháng khai thác, đánh đập, không moi được gì, tòa án ở Nha Trang xử tôi tử hình. Đầu năm 1966, tôi bị đày ra Côn Đảo”.

    Giọng trầm lắng, ông Châu kể tiếp câu chuyện đời của mình. Bà Cúc ngồi bên cạnh, hướng ánh mắt xa xăm như cố nhớ chuyện ngày xưa, lúc nhìn chồng đầy yêu thương. Một chút trầm tư thoáng hiện trên nét mặt, bà nhớ lại những ký ức đau buồn: “Bác mượn tiền hàng xóm đón xe vô Nha Trang thăm ổng. Gặp được một chút thôi, thấy tay ổng bị còng, muốn khóc mà không được. Ổng biết mình bị tử hình nên nói: “Anh chắc bị bắn rồi, thôi em về lấy chồng đi. Mai này con lớn, em nói con biết là cha hy sinh vì sự nghiệp cách mạng là anh mãn nguyện rồi”. Bác nói với ổng “thôi đừng nói chuyện chồng con chi nữa” rồi giám thị trại giam không cho nói nữa, đuổi tôi về”.

    Bằng khen của ông Châu.

    Sự kỳ diệu của tình yêu

    Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người tử tù ở Côn Đảo như ông Châu mới được trở về quê. 10 năm ông ở tù, cũng là chừng ấy năm, giữa vùng địch, bà Cúc một mình chống chọi với cơm áo gạo tiền, lại tham gia phong trào phụ nữ, chạy càn, bị gọi lên kêu xuống tra hỏi. Ngày ông Châu đi, cậu con trai lớn Phạm Ngọc Chấn mới 5 tuổi, cô con gái út tròn 1 tuổi và còn người mẹ già bị mù mắt. “Con nhỏ, mẹ già, bác cực khổ biết bao nhiêu. Họ làm một ngày hai buổi, chứ bác làm cả ban đêm, làm vậy mới nuôi được con. Không chỉ vậy nhiều lần còn bị địch bắt để tra khảo. Chúng nhốt nhiều ngày liền, thương nhất là mẹ và con ở nhà bị đói. Nhưng bác vẫn không cho phép mình bỏ cuộc, vẫn tham gia phong trào cách mạng, vừa nuôi giấu cán bộ, vừa cố gắng nuôi dạy con”, bà Cúc kể.

    Kể xong, bà im lặng, phút ngưng lặng của bà khiến mọi người im lặng theo. Tôi thầm nghĩ, không biết sức mạnh từ đâu mà trong những ngày binh lửa, bà Cúc có thể một mình vượt qua, làm hậu phương vững chắc cho chồng nơi chiến trường.

    Sau ngày giải phóng, mãi đến tháng 7/1975, ông Châu mới trở về quê. Trước ngày về, ông có gửi thư nhờ chuyển cho gia đình, báo tin mình vẫn còn sống. Nhưng ngày trở về, trong nhà chỉ có đứa con trai lớn chạy tới gọi “ba” rồi ôm lấy ông mà khóc. “Vậy bác gái ở đâu?”, tôi hỏi. “Đến 6h chiều, bả mới về vì mắc cấy cho xong đám ruộng”, ông Châu nhớ lại.

    Vợ chồng ông Châu hạnh phúc bên con cháu.

    Nghe đến đây, nước mắt bỗng rơi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà Cúc. Bà khóc như đã khóc trong cái ngày bà gặp lại chồng, những giọt nước mắt mừng vui xen lẫn cả sự hờn tủi... “Bác mắc cấy cho xong bởi chẳng ai giúp. Đọc thư báo ổng còn sống và sắp về nhưng thiệt lòng, bác không tin lắm. Gần 10 năm, ngày nào người ta cũng nói ổng bị vậy là chết chứ làm gì sống được. Ngày nào cũng có người nói thôi chờ làm gì, lấy chồng khác đi, ổng chết rồi. Bác nghĩ ổng đã chết, mình ở vậy, nuôi con, đâu có nghĩ gì nữa. Đến ngày ổng về, con chạy ra nói, bác mới tin”, bà kể rồi vội đưa tay lau nước mắt trên gò má. Tiếp lời vợ, ông Châu xót xa: “Đến bây giờ, điều làm bác tiếc nuối nhất là không gặp lại được đứa con gái của mình. Ngày bác đi, cháu mới 1 tuổi, không biết mặt cha, bác cũng chỉ mới gặp được con một lần. Vậy mà ngày bác về, cháu nó đã không còn...”.

    Nói rồi ông bà lại tất tả chạy ra đón đứa cháu nội, là con của anh Phạm Ngọc Hùng, con trai út (SN 1976), ở phố về thăm. Đây là khoảnh khắc hiếm hoi tôi thấy bà Cúc cười. Đi qua những cay nghiệt cuộc đời, niềm vui của ông bà nhiều khi chỉ là được nhìn thấy con cháu khỏe mạnh. Bà Cúc hồ hởi khoe: “Giờ vợ chồng bác có 5 đứa cháu nội, chắt thì có 5 đứa rồi. Đó là “gia tài” của hai bác đấy. Đã từng không nghĩ đến chuyện sẽ gặp lại nhau nhưng giờ bác và ổng vẫn còn sống bên nhau như thế này là hạnh phúc lắm rồi!”.

    “Những năm tháng ở trong tù, tôi không nghĩ mình sẽ có được ngày hôm nay. Giờ phút gặp lại vợ, tôi hạnh phúc lắm. Vì thấy bả chung thủy với mình, chứ phận tử tù còn sống là may, nếu về mà bả đi bước nữa, thì cũng là lẽ thường... Gia đình tôi được như ngày hôm nay chính là nhờ công của bả cả đấy!”, ông Châu vừa nói vừa cười mãn nguyện.

    Gia đình có truyền thống cách mạng

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Thính, Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Đông Hòa chia sẻ: “Gia đình ông Phạm Ngọc Châu là một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của ông Châu khi còn sống cũng tham gia phong trào chống Pháp, rồi sau này ông Châu hoạt động cách mạng tại địa phương, còn em trai ông tập kết ra Bắc. Vợ ông Châu là bà Cúc. Dù chồng bị tù đày, tại quê nhà, bà vẫn hăng hái tham gia phong trào chống địch. Thời bình, gia đình ông Châu cũng đóng góp rất nhiều cho phong trào địa phương”.

    DƯƠNG KHA

    [mecloud]nCghE2vtou[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giot-nuoc-mat-hanh-phuc-cua-nguoi-tung-bi-day-noi-dia-nguc-tran-gian-a144243.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan