Bà Bảy Nhị tự nguyện đưa học sinh miễn phí từ các gia đình nằm sâu trong con rạch nhỏ đến trường, rồi lại đưa các em về nhà.
Chuyến đò miễn phí của bà Bày Nhị. Ảnh: Báo QĐND |
Bà Đoàn Thị Nhị ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được người dân nơi đây gọi thân thương là "bà Bảy đưa đò".
Đã gần 7 năm qua, ngày nào mà cũng miệt mài với công việc lái đò miễn phí đưa các em nhỏ đến trường.
Người dân ở ấp Long Trường chủ yếu làm thuê, trồng mía, trồng lúa với diện tích rất hạn chế. Cái ăn, cái mặc đã khó thì việc cho con em tới trường lại càng khó hơn.
Thêm vào đó, địa hình ấp bị sông rạch đan xen chia cắt, mọi sinh hoạt đi lại, học hành chủ yếu bằng đường thủy nên việc hàng chục học sinh không có phương tiện đi từ nhà đến trường, khoảng 2 đến 3km, lại càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, bà Bảy Nhị đã đưa ra ý kiến đưa học sinh miễn phí từ các gia đình nằm sâu trong con rạch nhỏ đến trường, rồi lại ngồi chờ để chở các em về nhà.
Bà tính toán khoảng cách từ nhà đến trường gần 2km. Nếu đưa đi rồi về, sau đó quay lại đón cháu, mỗi ngày như vậy rất tốn tiền xăng. Để tiết kiệm chi phí, bà mang theo võng nằm đợi đến khi tan trường sẽ đón các em về luôn.
Không chỉ đưa đò miễn phí mỗi ngày, bà Bảy Nhị còn thường xuyên dạy dỗ các em phải biết hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ, xa lánh điều xấu, làm nhiều việc tốt, biết giúp đỡ, yêu thương mọi người. Khi phát hiện cháu nào bỏ học, bà lại cùng thầy cô giáo tìm đến tận nhà động viên, giúp đỡ để các em trở lại trường lớp.
Lý giải về cơ duyên để trở thành người đưa đò cần mẫn gần 7 năm qua, bà Bảy Nhị cho biết, gia đình có 3 người con đi làm ăn ở Sài Gòn, vợ chồng bà đảm đương việc chăm sóc cháu, kể cả việc đưa nó đến trường.
Mỗi ngày khi đưa các cháu đi học, bà thấy nhiều học sinh khác phải lội bộ hàng cây số, băng qua những chiếc cầu khỉ nguy hiểm, những con đường sình trơn trợt; vậy là ý tưởng “sắm” chiếc “vỏ lãi” để đưa rước học sinh miễn phí đã hình thành trong suy nghĩ của bà.
Đem chuyện bàn bạc và được chồng đồng ý, bà đi vay 10 triệu đồng để mua phương tiện đưa rước học sinh. Toàn bộ công việc gia đình đã có chồng làm thay, để bà an tâm với công việc nhân ái này.
Vi An (T/h)