Tổng công ty 36 (MCK: G36, UpCom) tiền thân là Xí nghiệp xây dựng công trình 36 được thành lập theo quyết định số 400/QĐ-BQP ngày 4/4/1996 của bộ Quốc phòng, là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11).
Năm 2006, Xí nghiệp xây dựng công trình 36 chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư xây láp và thương mại 36 thuộc Tổng công ty Thành An với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Đến năm 2011, do tốc độ phát triển vượt quy mô nên Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư xây láp và thương mại 36 được điều chuyển nguyên trạng về trực thuộc bộ Quốc phòng. Cũng trong năm này, Tổng công ty 36 chính thức ra đời, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.
Trước khi cổ phần hóa vào năm 2016, Tổng công ty 36 được biết đến là chủ đầu tư lớn, nhà thầu đa năng hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, thủy điện, giao thông, đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án BOT…
Một số dự án trọng điểm do Tổng công ty 36 làm chủ đầu tư có thể kể đến như: BOT quốc lộ 19, BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình, chung cư 55 Định Công, chung cư 326 Lê Trọng Tấn, dự án B6 Giảng Võ…
Là doanh nghiệp thuộc bộ Quốc phòng, sở hữu nhiều lô đất vàng, các dự án lớn nên nhiều tổ chức cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty 36 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.
Ngày 28 và 29/3/2016, Tổng công ty 36 đã ký 2 hợp đồng bán cổ phần cho 2 nhà đầu tư chiến lược chiếm 42,21% vốn điều lệ là Công ty cổ phần xây lắp và thương mại Trường Lộc và Công ty cổ phần vận tải và thương mại Anh Quân.
Đáng chú ý, cả hai công ty này đều có mối liên quan với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp lúc bấy giờ.
Cụ thể, Công ty Trường Lộc được thành lập vào năm 2003, với các cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Hiền (em trai ông Giáp) nắm giữ 87% và vợ là Hà Thanh Vân 8,752%.
Còn Công ty Anh Quân được thành lập năm 2008 bởi ông Nguyễn Đăng Ngọ (em trai ông Giáp), nắm giữ 38,5%. Số cổ phần còn lại thuộc về Phạm Thị Thu Hiền và Nguyễn Thúc Kiều.
Tháng 9/2016, Tổng công ty 36 trở thành công ty đại chúng giao dịch trên sàn UpCom với MCK G36.
Hiện nay, cổ đông nhà nước là bộ Quốc phòng chỉ nắm 18,38% vốn điều lệ. Còn phần lớn tỉ lệ sở hữu G36 nằm trong tay Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp cùng người thân và tổ chức có liên quan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020, đã soát xét của G36, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 4.938 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm (5.838 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ phải trả ở mức 3.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 57,8 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, G36 đang có 2 khoản tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại ngân hàng lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản gửi có kỳ hạn với lãi suất từ 3,7 -7,1%/năm là 619,55 tỷ đồng. Giá trị của khoản tiền gửi này được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 88 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính 2020 của G36 còn thể hiện, công ty này đang có nhiều vụ kiện liên quan đến các dự án đã, đang và sắp triển khai, trong đó có dự án 6-8 Chùa Bộc.
Năm 2020, G36 kinh doanh lãi, có gần nghìn tỷ gửi ngân hàng, sở hữu nhiều dự án trong đó có thể kể đến dự án trên khu đất vàng 6-8 Chùa Bộc song Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp lại đặt “kỳ vọng” lợi nhuận lỗ hơn 66,3 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, G36 trình kế hoạch tổng doanh thu 1.937 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện 2020 và lỗ hơn 66,3 tỷ đồng.
Theo tính toán của ban lãnh đạo, đây là lỗ kế hoạch do 2 dự án BOT là quốc lộ 19 và quốc lộ 6 dự kiến lỗ 110 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ do không được thu theo mức phí hợp đồng đã ký kết mà phải giảm phí. Đồng thời, Tổng công ty phải tiếp tục miễn giảm mức thu phí cho một số nhóm phương tiện.
Trước kế hoạch lợi nhuận đi xuống của G36, cổ đông đã đưa ra đề xuất “nếu ban lãnh đạo không làm được có thể xin nghỉ”. Trả lời cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Đăng cho biết: “Việc ban lãnh đạo xin nghỉ hay không là do đại hội quyết định”.
Tuy nhiên, việc này gần như bất khả thi khi mà HĐQT hiện nay của G36 có 5 thành viên thì 4/5 người là anh em nhà Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp.
BẠCH HIỀN