Khi bổ dưa hấu, chúng ta có thể thấy trong quả có 2 loại hạt là hạt màu đen và màu trắng. Nhiều người không thích ăn hạt dưa hấu màu đen nên thường gạt bỏ hạt trước khi ăn.
Cũng có người bỏ hạt dưa vì nghĩ rằng nó không có lợi cho sức khỏe.
Vậy ăn hạt dưa hấu có thực sự an toàn?
VTC News dẫn lời Lauren Manaker - chuyên gia dinh dưỡng của Very Well Health (Mỹ) rằng, ăn một lượng vừa phải hạt dưa hấu sẽ không gây hại mà thậm chí còn có lợi cho sức khỏe.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Toby Amidor - tác giả của cuốn Up Your Veggies: Flexitarian Recipes for the Whole Family, cho biết, những hạt màu trắng trong quả dưa hấu thực chất là lớp vỏ rỗng của hạt chưa trưởng thành hoàn toàn.
Hạt dưa hấu màu đen là hạt đã trưởng thành, chứa dinh dưỡng và an toàn để ăn. Chúng được coi là chất xơ không hòa tan.
Theo Kacie Barnes, chuyên gia dinh dưỡng tại Dallas (Mỹ), nhiều người không thích nhai hạt dưa hấu nhưng chúng thực sự có thể là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời. Vị chuyên gia này nói thêm nhiều người rang hạt dưa hấu để thêm vào các món ăn của mình.
Thông tin từ bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, hạt dưa hấu chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen và vitamin (vitamin B1, B2, E, PP)...
Đặc biệt, các loại acid amin của hạt dưa là chất đạm không thể thiếu cho sự hoạt động của thần kinh, cơ bắp, nội tạng, xương khớp. Chất glucid trong hạt dưa cũng là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và thần kinh.
Cụ thể, theo Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hạt dưa hấu thực sự là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên gồm sắt, folate (vitamin B9) và niacin (vitamin B3).
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Amidor lưu ý tiêu thụ quá nhiều hạt dưa hấu có thể dẫn tới táo bón hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa.
Những loại hạt của quả nào không nên ăn?
Cũng theo chuyên gia Amidor, ngoài hạt dưa hấu, một số loại hạt như hạt dưa chuột, hạt lựu, hạt thanh long đều an toàn để ăn.
Ngược lại, một số loại hạt trái cây khác lại có thể gây hại cho sức khỏe nếu chúng ta tiêu thụ quá mức, ví dụ như:
Hạt anh đào
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Molecules vào năm 2021, hạt anh đào chứa loại chất cực độc có tên “axit prussic” (hay còn gọi là xyanua).
Nếu không may nuốt 1-2 hạt, bạn có thể không gặp vấn đề gì, nhưng nếu nhai nhiều hạt anh đào, bạn có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với nhiều axit prussic hơn và có thể bị ngộ độc.
Hạt táo
Cũng trong nghiên cứu trên Tạp chí Molecules, các nhà khoa học chỉ ra rằng hạt táo cũng chứa xyanua.
Nếu nuốt hạt táo, lớp vỏ bọc ngoài hạt có thể ngăn cản chất độc xâm nhập vào hệ tiêu hóa. Bạn hãy cẩn trọng, tránh nhai hoặc xay quá nhiều hạt táo.
Hạt mơ
Tương tự, hạt mơ cũng chứa xyanua. Chất độc này có thể gây hại nếu chẳng may tiêu thụ, đặc biệt đối với trẻ em.
Đậu thận sống
Các loại đậu thận đỏ, đậu thận trắng sống đều chứa chất gây độc có tên “phytohemagglutinin” nếu tiêu thụ quá nhiều.
Tuy nhiên, khi nấu chín, bạn có thể loại bỏ được hoàn toàn phytohemagglutinin trong đậu thận và biến nó thành món ăn bổ dưỡng.
Theo chuyên gia Amidor, chỉ cần ăn 4-5 hạt đậu thận còn sống bạn có thể bị ngộ độc trong vòng 1-3 tiếng. Các triệu chứng ngộ độc thường là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Tuy nhiên, lượng độc tố trong đậu thận trắng chỉ bằng ⅓ so với đậu thận đỏ.
Nguyễn Linh(T/h)