+Aa-
    Zalo

    Hành trình vượt trạm của chiếc xe “khủng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiếc xe đầu kéo chở máy biến áp “khủng” vượt qua hàng ngàn cây số là nhờ tài xế biết canh đường, lách đường.

    Ông Nguyễn Hoàng Anh, đại diện Công ty vận tải Anh Phương (trụ sở ở P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP HCM) cho biết, chiếc xe đầu kéo của công ty ông chở máy biến áp “khủng” vượt qua hàng ngàn cây số là nhờ tài xế biết canh đường, lách đường.

    Hành trình vượt trạm của chiếc xe “khủng”

    Chiếc xe “siêu khủng” nằm ở bãi đậu xe Công ty TCC ở Bến Lức (Long An). Ảnh: S.L

    Ông Hoàng Anh phân trần: “Chúng tôi phải chạy vì hợp đồng vận chuyển đã ký gần một năm trước rồi, không làm khác được. Một năm trước tình hình vận tải khác, bây giờ khác. Vì hợp đồng này mà chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, nếu không chạy thì phải bồi thường rất lớn. Mà xe thì toàn mua bằng tiền vay ngân hàng, tháng nào cũng đóng thuế, đóng lãi. Lúc ký hợp đồng, Nhà nước chưa siết xe siêu trường, siêu trọng. Giờ bị siết, bị làm gắt, bí quá mới làm vậy”.

    Giấy phép lưu hành đặc biệt

    * Xin ông cho biết cụ thể hợp đồng vận chuyển này là như thế nào?

    - Tháng 8/2013, công ty chúng tôi có ký hợp đồng vận chuyển ba máy biến áp từ Bình Dương ra một nhà máy ở huyện Đông Anh (Hà Nội) sửa chữa. Sau khi sửa xong thì vận chuyển ngược về các trạm biến áp ở miền Nam. Lúc ký hợp đồng thì cơ quan chức năng chưa siết xe siêu trường, siêu trọng nên chỉ xin giấy phép lưu hành đặc biệt là chạy thôi. Giờ quy định mới ra, chúng tôi rơi vào thế kẹt. Không vận chuyển thì không được.

    * Nhưng không thể vì ràng buộc hợp đồng mà bất chấp để chở quá tải cả trăm tấn?

    - Mấy hôm nay báo chí đăng tin nói xe chúng tôi chở hàng “khủng” nặng 140 tấn. Nói như vậy là oan cho chúng tôi. Thực chất cái máy biến áp đã qua sử dụng đó chỉ nặng hơn 60 tấn thôi.

    Giấy phép lưu hành đặc biệt của chúng tôi do Cục Quản lý đường bộ 4 cấp hẳn hoi. Theo đó, xe đầu kéo có tải trọng 14 tấn, rơmooc là 38 tấn, được chở 41,7 tấn. Chúng tôi chở hơn 60 tấn vì máy biến áp này thực tế chỉ còn khung máy, những chi tiết, thiết bị máy khác chúng tôi đã tháo rời đóng kiện vận chuyển riêng rồi. Do khung máy nguyên chiếc không thể tháo rời để hạ tải được nữa nên chúng tôi mới chở quá tải một chút. Nói chung cái gì tháo ra được để hạ tải thì chúng tôi đã tháo hết rồi. Làm gì mà máy nặng cả trăm tấn.

    * Xe của ông chở máy này tới đâu?

    - Xe chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào ngày 12/4. Hợp đồng ban đầu là chở vào đến Phan Thiết, nhưng do đối tác cần gấp để lắp cho trạm biến áp 110kV ở Cần Thơ nên chúng tôi phải giao về đó để họ kịp lắp đặt, đưa vào hoạt động nhân dịp lễ 30/4. Do gấp như vậy chúng tôi phải chở, không còn cách khác.

    Canh đường, lách đường

    * Hiện, xe này nằm ở huyện Bến Lức (Long An). Cơ quan chức năng tỉnh này nói chỉ cần xe lăn bánh là sẽ xử phạt ngay. Không lẽ ông cho nằm án binh bất động luôn ở đó?

    - Bây giờ chuyện đã vỡ lở rồi. Đây lại là thiết bị chuyên dụng không thể hạ tải được nữa. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi đưa máy này xuống cảng Bourbon ngay tại huyện Bến Lức để vận chuyển bằng đường thủy về Cần Thơ. Dù tốn kém và thiệt hại rất nặng nề nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận.

    * Như ông nói, theo hợp đồng, ngoài chiếc máy biến áp trên thì vẫn còn hai cái nữa cần chuyển từ Hà Nội vào. Vậy đã được chuyển chưa? Nếu chưa thì ông sẽ xử lý như thế nào?

    - Trong hai cái này có một cái đã được bốc lên xe chuẩn bị lăn bánh thì hay tin xe đi trước bị bắt ở Bình Thuận nên tôi đã cho dừng lại. Hợp đồng thì ký rồi nên giờ chúng tôi phải xin giấy phép, xin cơ quan chức năng tạo điều kiện để vận chuyển. Nếu không được chấp thuận thì tôi phải tìm phương án khác. Giờ tôi rối quá, cũng chưa nghĩ ra được cách gì tốt nhất.

    * Bằng cách nào mà xe của ông lọt qua hàng loạt chốt tuần tra kiểm soát, các trạm cân từ Bắc vào Nam?

    - Đi đường cũng gian nan, vất vả lắm. Làm nghề vận tải này trăm cái khổ mà không thể nói ra được. Để lọt qua được như vậy tài xế phải “canh me” những lúc công an, thanh tra giao thông nghỉ ngơi mới chạy. Nhận được tin báo có chốt tuần tra thì phải “ém” kỹ trong cây xăng, quán ăn. Giờ người ta ngủ, nghỉ thì mình chạy. Rồi phải đi đường vòng, đường tránh.

    * Có ý kiến cho rằng tài xế của ông chung chi, “mua đường”. Có hay không?

    - Chuyện này tài xế ngoài đường họ làm gì tôi không rõ. Tôi chỉ khoán công cho họ thôi. Nói chung, họ phải cố làm sao giữ bằng lái của mình để kiếm cơm. Còn như tui nghĩ thì chạy trót lọt như vậy là tài xế họ biết canh đường, biết cách lách đường thôi.

    Tài xế quậy trạm cân ở Bình Thuận:

    Bộ trưởng Bộ Công an đôn đốc xử lý

    Liên quan đến tình trạng lái xe chở quá tải “bài binh bố trận” vượt trạm cân ở Bình Thuận, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, ngày 23/4 đã trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, đồng thời gọi điện trực tiếp cho bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận để chỉ đạo lực lượng tăng cường xử lý.

    Về việc xe đầu kéo 51C-17899 chở máy biến thế nặng quá giấy phép lưu hành, ông Đặng Văn Chung, phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Qua xác minh, giấy phép lưu hành của chiếc xe siêu trường, siêu trọng này được Cục Quản lý đường bộ 4 cấp phép để chở xe máy thi công công trình như máy xúc, máy ủi... Theo giấy phép, xe có chiều dài 19m, rộng 3,31m, cao 4,2m, có tổng trọng tải là 41,57 tấn, trong đó đầu kéo 9,7 tấn, rơmooc 11,5 tấn và hàng hóa được chở 20,31 tấn. Thời hạn của giấy phép lưu hành từ ngày 17/4 đến 17/5/2014 và xe được đi trên một số tuyến đường gồm cả quốc lộ 1.

    Theo ông Chung, nếu chiếc xe trên được cấp giấy phép lưu hành theo đúng hồ sơ mà chủ xe cung cấp thì đơn vị cấp phép không sai. Mà sai là chủ xe, tài xế không chở đúng hàng hóa theo đúng giấy phép được cấp. Điều nghi vấn là nếu với kết cấu của chiếc xe trên thì tải trọng cả xe lẫn hàng đến 41 tấn chưa quá tải, tại sao vẫn xin giấy phép lưu hành?

    Với giải pháp để xe được tiếp tục chở hàng lưu hành, ông Chung cho biết, phải xin giấy phép phù hợp với hàng. Nếu chở 100 tấn mà xe đảm bảo và tuyến đường đảm bảo xe đi được thì vẫn cấp phép. Còn chở quá so với giấy phép được cấp sẽ phải kiểm tra, xử phạt vì chở hàng không đúng giấy phép. “Tổng cục Đường bộ đang yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 4 gửi hồ sơ cấp phép với chiếc xe trên để kiểm tra chính xác xem có chở đúng giấy phép không, vì sao xe 41,57 tấn lại chở đến 100 tấn?”, ông Chung cho biết.

    Về tình trạng lái xe gây áp lực cho trạm cân Bình Thuận, ông Chung cho hay, tuy triển khai muộn nhưng trạm cân này thực thi rất kiên quyết. Ngày 23/4, tại trạm cân này cũng giữ một xe chở hàng siêu trường, siêu trọng nhưng không có giấy phép lưu hành.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-vuot-tram-cua-chiec-xe-khung-a30521.html
    “Gọt” thùng xe để chống quá tải

    “Gọt” thùng xe để chống quá tải

    Từ đầu tháng 4/2014 đến nay, khi “chiến dịch” kiểm tra xe quá tải được triển khai thì tại TP.HCM đã có cả ngàn xe bị “rớt” kiểm định do lỗi quá khổ. Ở nhiều địa phương khác tình trạng cũng tương tự.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    “Gọt” thùng xe để chống quá tải

    “Gọt” thùng xe để chống quá tải

    Từ đầu tháng 4/2014 đến nay, khi “chiến dịch” kiểm tra xe quá tải được triển khai thì tại TP.HCM đã có cả ngàn xe bị “rớt” kiểm định do lỗi quá khổ. Ở nhiều địa phương khác tình trạng cũng tương tự.

    Xe tải xếp hàng 'né' trạm cân trên Quốc lộ 5

    Xe tải xếp hàng 'né' trạm cân trên Quốc lộ 5

    Hàng trăm xe tải nằm bất động trên Quốc lộ 5 hoặc đi đường vòng để "né" trạm cân di động ở Hải Dương. Theo tài xế, với việc cân trọng tải như hiện nay, chắc chắn họ sẽ bị xử phạt.

    Xe khủng lọt trạm cân có tiêu cực?

    Xe khủng lọt trạm cân có tiêu cực?

    Chiếc xe khủng đi từ Hà Nội vào TP HCM qua hàng loạt trạm cân và chỉ bị phạt tại Bình Thuận. Cả lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều “thấy kỳ lạ và không loại trừ nguyên nhân có tiêu cực”.