+Aa-
    Zalo

    Hành trình trở về đầy bất ngờ sau bảy ngày dưới huyệt mộ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không ai ngờ, sau bảy ngày không ăn không uống nằm dưới huyệt mộ, người chiến sỹ kiên trung ấy sống sót trở về, cùng đồng đội viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc...

    (ĐSPL) - Không ai ngờ, sau bảy ngày không ăn không uống nằm dưới huyệt mộ, người chiến sỹ kiên trung ấy sống sót trở về, cùng đồng đội viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc...

    Những trận chiến vang danh của quân ta lúc bấy giờ được biết đến bởi tên ông. Người vượt ngục duy nhất còn sống sót trở về ở xứ Quảng. Chiến tranh không làm ông lùi bước, nhưng căn bệnh nhiễm trùng uốn ván và thương hàn nặng đã khiến sự sống của ông bị đe dọa. Mọi người nghĩ, họ thực sự đã mất đi người chỉ huy tài giỏi. Nhưng không ai ngờ, sau bảy ngày không ăn không uống nằm dưới huyệt mộ, người chiến sỹ kiên trung ấy sống sót trở về, cùng đồng đội viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc...

    Trang trại kinh tế của người cựu chiến  binh trở về từ “cõi chết”.

    Trở về từ "cõi chết"

    Sự trở về của ông Lê Văn Nuôi khiến đồng đội vô cùng kinh ngạc. Khi ông bị bắt, họ đều đinh ninh rằng một khi đã rơi vào tay giặc, ông sẽ không thoát khỏi cái chết. Thiếu người dẫn đầu, những đồng đội của ông vô cùng hoang mang. Sự trở về của ông càng củng cố lòng tin và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta tiếp tục chiến đấu. Từng chỉ huy nhiều trận đánh lẫy lừng, ông có thể dự đoán được đường đi nước bước của địch để tìm phương hướng đối phó. Sự trở lại của ông làm cho quân địch tức giận, chúng điên tiết vì đã để sổng mất miếng mồi ngon.

    Sau khi được chữa trị, những vết thương của ông bắt đầu lành. Những ngày tháng ở trong tù bị địch tra tấn, ông càng nung nấu lòng căm thù giặc và quyết tâm trả thù. Bấy giờ, đất nước đang bước vào cuộc chiến ác liệt, mọi sức người sức của đều được huy động tối đa để dốc toàn lực cho kháng chiến.

    Năm 1971, mảnh đất Quảng Đà tinh thần chiến đấu của quân dân luôn sục sôi đầy khí thế. Riêng đơn vị đặc công của ông, nhận được nhiệm vụ phải chặn đánh địch trên đường Lê Độ, Điện Biên Phủ. Nhận thấy đây là trận đánh chiến lược, ông Lê Văn Nuôi đã dẫn đầu đoàn quân anh dũng chống trả nhiều đợt tấn công liên tiếp của địch làm chúng tiêu hao khá nhiều lực lượng và gây cảm giác hoang mang, lo sợ. Trong một lần chỉ huy đoàn quân vượt qua bãi đất trống, khi xông lên tuyến đầu để do thám đường đi lối lại, ông không may giẫm phải mìn của quân địch đã gài sẵn và bị thương phải cắt bỏ một chân.

    Tháng 6/1971, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt. Đúng lúc đó, căn bệnh nhiễm trùng uốn ván trong điều kiện thuốc men khó khăn đã gần như vắt kiệt sức lực của ông. Bốn người đồng đội lần lượt hy sinh, ông là người thứ năm đã được khiêng xuống huyệt mộ. Khi vừa để ông xuống, các đồng đội chợt nhìn thấy ông còn thoi thóp, sờ lên người vẫn còn hơi ấm. Hy vọng phép màu sẽ đến, họ quyết định không lấp đất lại, mà dùng lá chuối phủ lên trên người ông.

    Đến sáng hôm sau, một y tá được cử tới xem tình hình, phát hiện ông vẫn còn sống, nên đã tiêm một liều thuốc cho ông. Vì chứng nhiễm trùng với thương hàn nặng khiến thân thể ông bị co rút, miệng muốn nói nhưng không thể cất lời. Cứ như vậy, ngày này sang ngày khác, người y tá vẫn đều đặn tiêm cho ông một liều thuốc mỗi ngày. Đến ngày thứ bảy, chân tay ông bắt đầu cử động, miệng đã lắp bắp nói được thành tiếng, thấy người y tá ông vội mở lời chào. Chứng kiến cảnh ấy, người y tá hoảng hốt gọi những đồng đội tới khiêng ông lên. Người y tá lúc này mới bảo, ông là người duy nhất bị bệnh thương hàn nặng có thể sống sót.

    Kể đến đây, ông cười vui vẻ bảo với chúng tôi: "Chuyện tôi chết đi sống lại đúng là khó tin. Sau này, khi kể với nhiều người, họ bảo tôi nói dối, chỉ đến khi một trong những người y tá chăm sóc cho tôi lúc ấy kể lại, mọi người mới tin đó là sự thật. Có lẽ mình chưa tới số chết, vì nhiều lần tôi từng nghĩ khó có thể vượt qua được những cửa ải đó. Dường như có bàn tay nào đó nâng đỡ để tôi có thể sống sót đến ngày hôm nay".

    Những ngày bị địch vây bắt

    Sau bảy ngày nằm dưới huyệt mộ chiến đấu với tử thần giành giật sự sống, ông được mọi người đưa tới trạm xá Điện Bàn tiếp tục chữa trị vết thương. Tại đây, câu chuyện ly kỳ về việc chết đi sống lại của người đội trưởng đội đặc công được lan truyền như một huyền thoại. Đánh hơi được sự trở lại của ông, địch mở cuộc truy quét và bao vây trạm xá Điện Bàn. Rơi vào tình trạng cô lập hoàn toàn, ông và những thương binh phải nằm dưới hầm bảy ngày không cơm nước, không giặt giũ, thuốc thang.

    Vừa qua cơn thập tử nhất sinh lại bị bao vây bởi bọn địch hung hãn, ông nghĩ điều kỳ diệu sẽ không đến với mình lần nữa. Bị giam cầm trong hầm tối, không được ăn không uống, thân thể ông gần như kiệt quệ. Vuốt lên mái tóc hoa râm, ông nhớ lại: "Lúc bấy giờ, tôi cứ nghĩ, lần này nếu địch không bắt thì tôi cũng chết, nếu bắt cũng chết. Nhịn mấy ngày đói meo, chỉ đến đêm tôi mới nằm mơ thấy mình được ngồi ăn ở một bàn tiệc và tắm giặt thỏa thích, nhưng khi tỉnh dậy mới biết tất cả đều là mơ". Vết thương băng bó lâu ngày không được thay, bị hoại tử dần, giòi bám lên khắp cơ thể, mùi hôi thối xông lên nồng nặc khắp căn hầm.

    Bao vây đến ngày thứ bảy, địch tìm được ông và đem về giam tại nhà tù Non Nước. Lần này, chúng tiếp tục di chuyển ra nhà giam tại đảo Phú Quốc, cho đến năm 1973 ông mới được trả tự do. Trở về sau cuộc chiến, với một phần thân thể gửi lại chiến trường, tìm lại người mẹ già, nhưng lúc này ông mới hay tin mẹ ông cũng vừa mới từ trại giam trở về. Một người anh, người chị của ông cũng đã hy sinh. Căn nhà của gia đình xưa đã không còn. Từ nền đất cũ, mái tranh xiêu vẹo trở thành ngôi nhà tạm bợ cho hai mẹ con nương tựa vào nhau. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh cứu nước, từ một người thiếu niên tham gia chiến đấu, nay trở về với thân thể không còn nguyên vẹn, cuộc sống của ông vô cùng khó khăn.

    Với số tiền trợ cấp ít ỏi và sáu tháng gạo, ông dành dụm mua lại mấy tấm tôn cũ che tạm lên ngôi nhà đã dột nát và sắm thêm một số vật dụng cần thiết. Để chiến đấu với cái đói, cái khổ, ông mạnh dạn tìm cách đứng ra vay vốn làm ăn. Đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với con đường trở thành chủ trang trại lớn nhất vùng.

    Để được tận mắt chứng kiến thành quả của ông, chúng tôi được dẫn tới trang trại. Trước mắt là một khoảng vườn rộng lớn, với diện tích hơn 1 hecta đất dùng đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Ngoài việc thả cá, ông còn mạnh dạn đầu tư nuôi chim yến. Đây được xem là mô hình nuôi yến đầu tiên trên địa bàn. Không chỉ vậy, ông còn là một trong những người cán bộ mẫu mực, từng giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ họ trong phát triển kinh tế. Ngoài ra ông còn là điểm tựa tinh thần cho những người lầm đường lạc lối quay về hướng thiện.

    Ngồi nghe những câu chuyện ly kỳ về cuộc đời của người cựu binh già, từng nhiều phen vào sống ra chết, chúng tôi không khỏi xúc động và thán phục. Mỗi câu chuyện là một trang sử hào hùng làm sống dậy cả quá khứ vẻ vang của dân tộc. Càng nghe ông kể, chúng tôi càng thấu hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình, điều mà các thế hệ cha anh đã phải đổi máu xương mới có được.

    12 lần nhận danh hiệu dũng sỹ

    Một trong những bằng khen ông được nhận.

    Ông Nguyễn Sơn, Trưởng thôn La Trung, xã Điện Thọ cho biết, ông Nuôi là người cựu chiến binh từng được 12 lần nhận danh hiệu dũng sỹ. Trong đó, hai lần ông được phong tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ", 10 lần nhận "Dũng sỹ quyết thắng". Hiện nay, ông là Chi hội trưởng hội Cựu chiến binh xã Điện Thọ và là gương kinh tế tiêu biểu nhất trong vùng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-tro-ve-day-bat-ngo-sau-bay-ngay-duoi-huyet-mo-a79796.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan